Từ cạn kiệt tới dư thừa khí đốt, EU phải trữ bớt sang Ukraine

Việc các kho chứa khí đốt đang dần cạn công suất đã thúc đẩy các công ty năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) chuyển hướng dự trữ năng lượng dư ở Ukraine nhằm chuẩn bị cho những tháng cao điểm mùa đông sắp tới.

Hệ thống lưu trữ khí đốt của Ukraine.

Số liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy các khu vực dự trữ nhiên liệu của EU hiện đã đầy tới 99%, vượt mục tiêu 90% mà Brussels đưa ra trước đó.

Theo các chuyên gia, điều này giúp EU phòng ngừa những cú sốc năng lượng tiềm tàng, dù vậy vẫn không thể đảm bảo hoàn toàn rằng họ có đủ năng lượng cần thiết cho mùa Đông sắp tới.

Ông Natasha Fielding, người đứng đầu bộ phận định giá khí đốt châu Âu tại Argus, cho biết: “Nguy cơ thiếu hụt khí đốt ở châu Âu trong mùa Đông này vẫn ở mức thấp, trừ phi có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung lớn ngoài dự kiến hoặc những đợt lạnh kéo dài và sâu xảy ra cùng lúc ở châu Âu và châu Á. Châu Âu đã dự trữ tốt nhất có thể.”

Ngược lại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cơ quan giám sát năng lượng của phương Tây, đã cảnh báo vào năm ngoái rằng rủi ro vẫn hiện hữu nếu các cơ sở lưu trữ khí đốt ở châu Âu chỉ đầy được 2/3.

Trong bối cảnh kho dự trữ của EU gần hết công suất, các công ty đang có xu hướng lưu trữ bớt khí đốt tại Ukraine, nơi có các bể chứa lớn nhất châu Âu. Đẩy lượng khí đốt tự nhiên nắm giữ ở nước này lên mức cao nhất kể từ khi chiến dịch quân sự do Nga phát động nổ ra.

Anh đã có động thái tương tự EU trong việc lấp đầy toàn bộ kho lưu trữ với tỷ lệ hiện tại là 95%, mặc dù công suất của Anh nhỏ hơn nhiều so với nhiều quốc gia châu Âu khác.

Các nhà phân tích cho biết lượng khí đốt bổ sung được dự trữ có thể ngăn đà tăng của giá khí đốt ở châu Âu lên cao hơn nữa. Giá đã giảm tới 10% trong phiên giao dịch hôm 31/10 do dự báo thời tiết ấm hơn trong những tuần tới.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng của khu vực vào khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt vào năm ngoái đã khiến châu Âu nhạy cảm hơn trước khả năng gián đoạn nguồn cung mặc dù hiện tại trữ lượng đã dồi dào.

Giá của TTF, tiêu chuẩn khí đốt của châu Âu, cũng biến động trong năm nay khi các thương nhân phản ứng với cuộc chiến giữa Israel và Hamas, với việc Israel ngừng sản xuất tại một mỏ ngoài khơi cách Gaza không xa.

Trong bối cảnh đó, Ukraine đã nổi lên như một giải pháp lưu trữ thay thế bất chấp rủi ro do chiến sự tại đây, một phần vì nước này đã đưa ra các ưu đãi như thuế lưu trữ giá rẻ và miễn thuế hải quan trong ba năm, cho phép khí đốt dễ dàng được tái nhập khẩu vào EU.

“Các công ty năng lượng đã vận chuyển hơn 1 tỷ euro giá trị khí đốt vào kho lưu trữ của Ukraine”, giám đốc Naftogaz, công ty năng lượng nhà nước Ukraine, cho hay.

Trong khi đó, 21 tàu hiện là là kho chứa LNG nổi ngoài khơi châu Âu tính đến ngày 30/10, theo Alex Froley, nhà phân tích thị trường tại công ty tư vấn ICIS.

Từng trải qua giai đoạn khủng hoảng năng lượng kéo dài do Nga siết nguồn cung khí đốt kéo giá nhiên liệu tăng cao. Giá khí đốt đã liên tục biến động trong năm 2022, có lúc lập đỉnh cao nhất mọi thời đại lên tới 340 euro/MWh (372 USD/MWh) vào tháng 8 năm ngoái.

Bước sang năm 2023, giá khí đốt châu Âu đã dần hạ nhiệt sau khi khối này thích ứng dần với những đợt cắt giảm bằng cách tăng nguồn cung nội khối, nhập khẩu LNG (chủ yếu từ Mỹ, Qatar) và cắt giảm nhu cầu cũng như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Minh Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tu-can-kiet-toi-du-thua-khi-dot-eu-phai-tru-bot-sang-ukraine-20180504224291026.htm