Từ 1/7, thêm một quy định mới dành cho người làm hộ chiếu (passport) chính thức có hiệu lực

Từ ngày 1/7/2024 những người đi làm hộ chiếu (passport) phải lưu ý một quy định mới chính thức có hiệu lực này.

Dùng tài khoản định danh VNeID để làm hộ chiếu online

Hiện nay có nhiều cách để công dân lập tài khoản tại Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký cấp hộ chiếu online, trong đó phổ biến nhất là dùng số điện thoại di động và tài khoản VNeID để đăng nhập.

Theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP, kể từ ngày 1/7/2024, các tài khoản định danh điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) cung cấp để đăng ký, đăng nhập thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích khác trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Vì vậy, từ ngày 1/7 sắp tới, các tài khoản định danh điện tử được khởi tạo từ Cổng dịch công quốc gia sẽ dừng hoạt động và chỉ sử dụng tài khoản định danh VNeID do Bộ Công an cung cấp để đăng ký làm hộ chiếu online.

Từ 1/7/2024, công dân làm hộ chiếu online phải có tài khoản định danh.

Công dân có tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia và VNeID thực hiện các bước sau để thực hiện liên kết tài khoản:

Bước 1: Kiểm tra tài khoản CDVCQG đã được cập nhật số CCCD với CSDL về Dân cư hay chưa? Nếu chưa được cập nhật sẽ thực hiện cập nhật số CCCD theo hướng dẫn sau khi đăng nhập, nếu đã được cập nhật số CCCD sẽ chuyển sang bước 2.

Bước 2: Thực hiện đăng nhập vào tài khoản định danh điện tử được cấp bởi Bộ Công an (VNeID) để hệ thống thực hiện liên kết tài khoản.

Năm 2024 làm hộ chiếu online mất bao nhiêu tiền?

Tại Thông tư 25/2021/TT-BTC có quy định lệ phí đi làm hộ chiếu như sau:

Từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025, mức lệ phí làm hộ chiếu online là 180.000 VNĐ cho cấp mới và 360.000 VNĐ cho cấp lại trong trường hợp bị hỏng hoặc bị mất.

Từ 01/01/2026, mức lệ phí làm hộ chiếu online sẽ quay lại mức giá cũ là 200.000 VNĐ cho cấp mới và 400.000 VNĐ cho trường hợp cấp lại.

Hộ chiếu (passport) là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Căn cước có thể sử dụng để thay thế hộ chiếu được không?

Hộ chiếu được sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh. Căn cứ Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước có nói rõ:

Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

Như vậy, trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau thì thẻ căn cước mới có thể được sử dụng thay thế cho hộ chiếu, còn những trường hợp khác thì không thể.

Hộ chiếu được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.

Hộ chiếu có thể thay thế căn cước công dân trong những trường hợp nào?

Hộ chiếu có đầy đủ các thông tin về nhận diện cá nhân, nên trong trường hợp ngược lại, hộ chiếu có thể thay thế căn cước để thực hiện những việc sau:

+ Thực hiện giao dịch tại ngân hàng.

+ Yêu cầu cấp lại giấy phép lái xe bị mất.

+ Làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến tàu bay nội địa.

+ Đến ngân hàng rút tiền.

+ Ký kết hợp đồng.

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-1-7-them-mot-quy-dinh-moi-danh-cho-nguoi-lam-ho-chieu-passport-chinh-thuc-co-hieu-luc-172240401162757086.htm