TS. Nguyễn Viết Chức: Đối thoại, hợp tác để phát triển nhìn từ Hiệp định Geneva

Nhìn từ Hiệp định Geneva, bài học chúng ta vận dụng đó là, chỉ có thể đối thoại, hợp tác mới có thể phát triển.

TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định, Hiệp định Geneva năm 1954 thể hiện đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng ta.

Nhân Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) tổ chức sáng (25/4) tại Hà Nội, Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về ý nghĩa của Hiệp định Geneva trong bối cảnh hiện nay. Dưới đây là những góc nhìn của ông:

Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng

Hiệp định Geneva là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, chúng ta có thế để ký kết và lập lại hòa bình. Thế nhưng, “cái thế” của ta lúc đó chưa hoàn toàn mạnh nên vẫn phải dựa vào những nước bạn như Trung Quốc, Liên Xô…

Có thể nói, đó là sự sáng suốt của Đảng mà đứng đầu là Bác Hồ, kiên trì nguyên tắc hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Trong ký kết có nội dung là tổng tuyển cử để thiết lập lại hòa bình trên đất nước Việt Nam. Không ai muốn chia cắt, vĩ tuyến nào thì người Việt Nam cũng không đồng tình, thế nhưng lúc bấy giờ buộc chúng ta phải đồng ý tạm thời chia cắt Bắc - Nam ở vĩ tuyến 17.

“Tạm thời” bởi, năm 1956 phải tổ chức tổng tuyển cử và thiết lập lại hòa bình. Tiếc rằng, các thế lực thù địch không thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva. Thế nhưng, cũng phải khẳng định, Hiệp định Geneva đánh dấu một bước tiến của cách mạng Việt Nam, đã có một nửa nước hòa bình, đó là miền Bắc - sau này là hậu phương lớn để giải phóng miền Nam. Không có hậu phương lớn là miền Bắc thì không thể nào giải phóng được miền Nam. Dù nhân dân miền Nam rất anh hùng nhưng điều quan trọng là cả nước phải đồng lòng, tất cả vì giải phóng miền Nam, tất cả vì miền Nam ruột thịt, mới có thể thống nhất non sông năm 1975.

Có Hiệp định Geneva năm 1954 mới có Hiệp định Paris 1973, mới có ngày thống nhất đất nước. Có được thắng lợi này, chúng ta phải nhìn thấy được bước đi có tính chiến lược, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác của Đảng ta.

Trong lĩnh vực ngoại giao, chúng ta đã tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện sẵn có để đạt được mục tiêu. Cho nên, kí kết Hiệp định Geneva lúc bấy giờ cũng là một thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và của nền ngoại giao nói riêng.

Đảng ta đã quán triệt vẫn phải dựa vào sức mình là chính, không có ai hơn chính người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và xả thân vì nền độc lập, tự do của đất nước mình. Cũng chưa thấy một thế lực chính trị nào, một đảng phái nào hơn Đảng cộng sản. Không có đảng nào kiên trì với độc lập, tự do của đất nước như Đảng ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ; không có gì quý hơn độc lập tự do...

Nhìn lại lịch sử, con đường đi đến độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam không phải là con đường thẳng tắp mà phải trải qua những chặng đường, khúc quanh lịch sử. Việc vận dụng các bài học quý đó trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đất nước ta đã phải trải qua gian khổ, hy sinh mới có được năm 1975. Điều này cũng rút ra cho ta một bài học, đó là không gì bằng độc lập, tự chủ trong ngoại giao, đối ngoại. Rõ ràng, chúng ta phải độc lập nhưng trên cơ sở phải có thế, có lực. Muốn vậy, cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ của lực lượng hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

Nhưng suy cho cùng, muốn có thắng lợi trọn vẹn thì chỉ có đất nước giành độc lập, tự do. Bên cạnh đó, nền ngoại giao phải là nền ngoại giao độc lập, tự chủ, thì thắng lợi mới toàn vẹn, đó là bài học lịch sử rất rõ ràng.

Muốn đi cùng nhau, muốn phát triển phải hợp tác

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”.

Phải nói rằng, độc lập, tự chủ trong đối ngoại cũng là biểu hiện của cơ đồ chưa bao giờ lớn như vậy. Tuy nhiên, diễn biến thế giới phức tạp, khó lường nhưng chúng ta đưa ra đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, không chọn phe, là ngoại giao văn hóa. Trong đó, ngoại giao văn hóa thể hiện ở chỗ chung thủy với bạn cũ, đồng thời cởi mở, chào đón những người bạn mới. Với chính sách Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước. Cho đến lúc này, cộng đồng quốc tế đều ủng hộ sáng kiến của Việt Nam vì hòa bình, độc lập, vì sự phát triển thịnh vượng chung.

Đây chính là bài học từ Hiệp định Geneva, tính độc lập, tự chủ trong đối ngoại sẽ cho phép Việt Nam thể hiện đúng bản chất của mình. Đó là bản chất của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một dân tộc cần cù, sẵn sàng khoan dung, chia sẻ với cộng đồng quốc tế. Việt Nam không đứng về nước nọ để chống nước kia, không hợp tác với nước này để chống lại nước khác. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối ngoại giao của ta.

Đồng thời, nước ta đang nỗ lực xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, mềm dẻo nhưng vững chắc; gốc rễ của nó là độc lập, tự do của dân tộc. Trong từng trường hợp phải mềm dẻo - mềm dẻo để thuyết phục và đạt được mục đích tối thượng là hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.

Đối với các nước láng giềng, ta chọn chính sách hợp tác, chọn chính sách làm bạn, giải quyết trên quan hệ cùng nhau kiểm soát bất đồng, đàm phán với nhau để đi đến thống nhất, tránh tất cả mọi sự xung đột dù to hay nhỏ. Đó là một đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng ta, là bài học kinh nghiệm đốc rút từ thắng lợi của Hiệp định Geneva năm 1954.

Hiện nay, bài học chúng ta vận dụng là thế giới chỉ có thể đối thoại, hợp tác mới có thể phát triển. Trong bài học này, chúng ta phải vận dụng và áp dụng thành công. Người ta nói, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa, bền vững thì phải đi cùng nhau, muốn đi cùng nhau thì phải hợp tác.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước cởi mở nhất thế giới, trong đó nền ngoại giao văn hóa Việt Nam tạo ra cánh cửa mở cho đất nước, có ý nghĩa to lớn với đất nước và cả cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, chúng ta luôn luôn kiên trì đường lối ngoại giao văn hóa, chủ động, sáng tạo, đa phương hóa, đa dạng hóa, mềm dẻo từng hoàn cảnh cụ thể trong điều kiện đổi mới.

Thế giới hiện nay biến đổi khó lường, tình hình kinh tế chung rất khó khăn, vậy nên Việt Nam phải vận dụng tối đa cơ hội, chớp được thời cơ thuận lợi, biến thuận lợi thành thế mạnh, hiệu quả. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, thách thức. Đó cũng được xem là bài học lớn trong điều kiện hiện nay.

Tóm lại, từ năm 1954 đến nay, với bước đi của cách mạng nói chung và bước đi trong ngoại giao nói riêng, những thành tựu đất nước ta đạt được càng ngày càng rõ hơn, lớn hơn. Tương lai của dân tộc mở ra hướng phát triển tốt, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vương chung cho tất cả các khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Nguyệt Anh (ghi)

TS. Nguyễn Viết Chức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ts-nguyen-viet-chuc-doi-thoai-hop-tac-de-phat-trien-nhin-tu-hiep-dinh-geneva-269059.html