Truyện trinh thám nhìn từ góc độ gia đình

Truyện trinh thám luôn gắn chặt với vụ án. Song, nếu trước kia đa phần các truyện trinh thám thường chỉ là hành trình đi tìm 'ai là thủ phạm' của cảnh sát hoặc thám tử phá án, thì ngày nay truyện trinh thám càng hấp dẫn hơn khi mổ xẻ các yếu tố về tâm lý tội phạm, trong đó cho thấy, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Một số truyện trinh thám có yếu tố gia đình.

“Không ai biết tôi? Hay không ai quan tâm đến tôi? Bố dành riêng cho tôi căn phòng trên tầng áp mái. Thực ra là chính tôi đã chọn nó...” - những dòng trong cuốn tiểu thuyết tâm lý hình sự của nữ nhà văn Phong Điệp đã hé mở phần nào nỗi cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình của nhân vật trong “Cuốn sổ máu”.

Xã hội ngày càng phát triển, áp lực cuộc sống càng đè nặng thì con người càng dễ cô đơn hơn, khủng hoảng gia đình càng có nguy cơ gia tăng hơn. Nhà văn Phong Điệp chia sẻ, nhìn từ bề ngoài gia đình nào cũng thật giống nhau nhưng sự ấm - lạnh, vui - buồn, thấu hiểu, chia sẻ trong mỗi gia đình chỉ mỗi thành viên trong ấy mới cảm nhận được. Ở nhiều gia đình, tuy sống cạnh nhau nhưng các thành viên trong gia đình mãi mãi là những thực thể không chạm được vào nhau. Đó có lẽ là một phần lý do mà những cuốn sách trinh thám ra đời những năm gần đây đề cập nhiều về khía cạnh xã hội và góc độ gia đình.

Một người không tự nhiên trở thành tội phạm mà bao giờ cũng có nguyên nhân, có thể là bộc phát bởi tức giận, tham lam, không kiểm soát được bản thân, có thể là do yếu tố sức khỏe, nhưng cũng có thể nguyên nhân là sự dồn nén cảm xúc tiêu cực, không được giải tỏa trong nhiều năm tháng, đặc biệt là từ thơ bé.

Theo nhà văn Di Li, đằng sau mỗi gia đình khi cánh cửa đóng lại không ai biết điều gì xảy ra trong đó và nhiệm vụ của người viết văn trinh thám là mở từng cánh cửa của mỗi gia đình để đưa ra bức tranh u tối, những góc khuất mà các thành viên giấu kín, khám phá và cắt nghĩa nguồn cơn sâu xa cho hành vi phạm tội. Và phần lớn các cuốn sách trinh thám có yếu tố gia đình cho thấy những kẻ tội phạm thường có một tuổi thơ không bình thường, chính sự không bình thường ấy khiến hình thành những tính cách méo mó, từ đó dẫn đến con đường phạm tội.

“Gia đình không thể được tạo dựng chỉ trong một sớm một chiều. Nhưng nó có thể bị hủy hoại chỉ trong một cái chớp mắt" - nhà văn Lisa Gardner đã khẳng định trong tiểu thuyết “Săn đuổi đến cùng” với những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình nhiều bất ổn, nghiện ngập, bạo lực, chúng có thể trở nên máu lạnh.

Dịch giả Hoàng Anh, người chuyển ngữ nhiều cuốn sách trinh thám, đặc biệt là dòng sách trinh thám Bắc Âu, cho rằng, lớn lên trong bi kịch gia đình, tuổi thơ bất hạnh, thiếu khuyết là nguyên nhân chủ yếu đưa đến phạm tội. Nhiều thảm án xuất phát chỉ từ những mâu thuẫn mà nếu các thành viên trong gia đình mở lòng với nhau, dành một chút thời gian cho nhau thì đã hoàn toàn có thể tránh được.

Những tác phẩm như “Cô gái có hình xăm rồng”, “Kẻ nhắc tuồng”, “Người tù ru ngủ” “Cô gái trong lồng”, “Nhật kí mất tích của tôi”, “Đi tìm Sylvie Lee”,... là những truyện trinh thám khai thác tâm lý tội phạm từ điểm nhìn bi kịch gia đình. Không ít cuốn sách đã bóc tách rất sâu những mâu thuẫn, khiếm khuyết trong gia đình để làm rõ sự hình thành nhân cách nhân vật cũng như động cơ gây án thấm đẫm bi kịch gia đình.

Không được yêu thương có thể khiến đứa trẻ bị thiếu hụt tình cảm khi lớn lên, nhưng quá được yêu thương (hay yêu thương sai cách) cũng lại làm cho đứa trẻ chịu những áp lực tâm lý, gánh trên vai những gánh nặng của yêu thương, của mơ ước từ bố mẹ mà dẫn đến suy nghĩ không bình thường. “Tình thân rất đáng sợ, nó không chỉ bao gồm những điều tốt đẹp” là điều mà nhà văn trinh thám Higashino Keigo đã khẳng định trong tiểu thuyết “Trứng chim cúc cu này thuộc về ai?”.

Hay trong tiểu thuyết “Nhựa cây”, nhà văn Ane Riel cho độc giả thấy một mối nguy hiểm lớn dần của một thứ tình yêu bao bọc đến cuồng dại, mà ở đó vì thương con, muốn ở gần con mọi lúc mà ông bố sẵn sàng làm mọi điều sai trái, kể cả trộm cắp, giết người trong sự bất lực đến tột cùng của bà mẹ.

Không đơn thuần mang đến những câu chuyện hồi hộp, ly kỳ, kịch tính dành cho độc giả ưa thích, những tác phẩm trinh thám khai thác yêu tố tâm lý tội phạm còn phản ánh những góc khuất trong bức tranh gia đình, như một lời cảnh báo cho mỗi chúng ta trong cách chăm sóc, nuôi dạy và yêu thương trẻ. Văn học ở thể loại nào cũng vậy, số phận con người trong các tác phẩm luôn là điều khiến độc giả day dứt nhất. Khi một tác phẩm kết hợp nhuần nhuyễn giữa hành trình phá án và thân phận con người sẽ càng giúp cho tác phẩm hấp dẫn và tiếp cận nhiều độc giả hơn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/truyen-trinh-tham-nhin-tu-goc-do-gia-dinh-654811.html