Truyền thông Trung Quốc: 'Điện Biên Phủ - trận Waterloo của người Pháp ở Việt Nam'

Trang web Allhistory.com của Trung Quốc mới đây đăng bài của tác giả Trương Quân Khác phân tích về thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Quân kỳ Quyết thắng tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ (Ảnh: Allhistory)

VietTimes xin giới thiệu tới quý độc giả bản chuyển ngữ của bài viết về chiến dịch Điện Biên Phủ của tác giả Trương Quân Khác.

Ngày 13/3/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công quân Pháp ở Điện Biên Phủ, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bùng nổ. Quân Pháp lần lượt thất bại trước sự tấn công mãnh liệt của quân Việt Nam. Ngày 7/5, quân Pháp đầu hàng. Sau chiến dịch này, nước Pháp phải rút khỏi Việt Nam và chấm dứt sự thống trị thực dân.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Pháp quay trở lại Việt Nam với ý đồ tiếp tục duy trì ách thống trị thực dân ở đây. Để đấu tranh giành độc lập cho đất nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất hay còn gọi là “Chiến tranh Pháp - Việt”.

Điện Biên Phủ là cứ điểm quân sự trọng điểm kiểm soát vùng Tây Bắc Việt Nam và Bắc Lào, bởi vậy chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh then chốt trong cuộc chiến này.

Trận chiến này có thể so sánh với thất bại của Napoléon tại Waterloo. Tại sao quân Pháp với trang bị hiện đại lại bị thua trận ở Điện Biên Phủ?

Quân Pháp ở Điện Biên Phủ (Ảnh: Allhistory)

Xét từ góc độ chiến lược và chiến thuật, thất bại của quân Pháp là điều khó tránh khỏi.

Một mặt, quân Pháp cho rằng quân Việt Nam căn bản không có đủ thực lực để công chiếm được Điện Biên Phủ. Do Điện Biên Phủ nằm trong vùng lòng chảo có địa hình bằng phẳng ở giữa nên thích hợp để xây dựng sân bay; xung quanh là núi non hiểm trở, dễ phòng thủ nhưng khó tấn công.

Mặt khác, quân Pháp không chỉ có ưu thế áp đảo trên không mà còn triển khai hơn 10.000 quân ở Điện Biên Phủ thông qua tuyến vận chuyển đường không trong thời gian dài. Lực lượng đóng quân còn có các tiểu đoàn pháo binh và đại đội súng cối. Quân Pháp sử dụng vật tư được máy bay thả dù xuống để thiết lập mạng lưới điện ở Điện Biên Phủ, mỗi cứ điểm đều bố trí hỏa lực nhiều lớp.

Trong Thế chiến I, năm 1915, quân đội Đức đã tấn công thành phố Verdun của Pháp. Quân đội Pháp lúc bấy giờ đã kiên quyết chống cự và nhanh chóng huy động một số lượng lớn quân tiếp viện và vật tư tiếp tế. Họ đã giao chiến đẫm máu với quân đội Đức trong gần một năm. Quân Đức bị tổn thất hơn 400.000 quân và buộc phải rút lui sau khi tấn công thất bại.

Bởi vậy, quân đội Pháp đã gọi Điện Biên Phủ là “Verdun ở Đông Nam Á”.

Lính Pháp trong chiến hào cạnh sân bay Điện Biên (Ảnh: Allhistory)

Họ tin rằng quân đội Việt Nam thiếu vũ khí hạng nặng và vũ khí phòng không, nếu tấn công Điện Biên Phủ cũng sẽ kết thúc trong thất bại giống như quân Đức ở Verdun trong Thế chiến I.

Quân Pháp muốn lên kế hoạch xây dựng một pháo đài chiến đấu dựa trên địa hình Điện Biên Phủ để dụ quân đội Việt Nam đến bao vây. Dưới con mắt kiêu ngạo của quân Pháp, quân đội Việt Nam sẽ sớm mắc sai lầm.

Chỉ huy pháo binh Pháp Piroth cho rằng không cần cần đến yểm trợ của hỏa lực trên không, còn nói: “Tôi có quá đủ lửa dùng để nướng quân của ông Hồ Chí Minh”. Piroth thậm chí không đào công sự cho các khẩu pháo, dẫn đến việc pháo binh của quân Pháp liên tục bị quân đội Việt Nam chế áp trong các trận đánh sau đó.

Địa hình Điện Biên Phủ dễ phòng thủ nhưng khó tấn công, quân Pháp chiếm ưu thế áp đảo trên không... là nguyên nhân đã khiến quân Pháp chủ quan về mặt chiến lược.

Ngoài ra, quân Pháp còn lơ là công tác tình báo và mắc sai lầm kép về chiến thuật.

Một mặt, quân Pháp không nhận thấy trình độ tác chiến của quân đội Việt Nam đã được nâng cao rất nhiều nhờ sự giúp đỡ của các cố vấn quân sự Liên Xô và Trung Quốc. Quân đội Việt Nam trước đây chỉ có thể đánh kiểu chiến tranh du kích nay đã được chuyển đổi thành quân đội chính quy có khả năng chiến đấu cơ động và tiến công trận địa.

Mặt khác, quân Pháp không nhận thấy rằng trang thiết bị chiến đấu của quân đội Việt Nam cũng đã được nâng cấp. Các tuyến phòng thủ của quân Pháp đều chỉ được xây dựng đối phó loại pháo cỡ nòng 75mm, nhưng quân đội Việt Nam đã sử dụng loại pháo cỡ nòng 105mm vừa nhận được từ Trung Quốc cho các trận đánh. Trung Quốc cũng cung cấp cho Việt Nam các loại vũ khí như súng máy phòng không, súng cối và súng chống tăng.

Trong chiến đấu, quân Pháp đã mắc nhiều sai sót về mặt chiến thuật.

Sai lầm chiến thuật đầu tiên là quá phụ thuộc vào lực lượng không vận và thả dù từ máy bay. Sau khi chiến dịch nổ ra, quân đội Việt Nam bắt đầu tấn công các cứ điểm và điểm cao xung quanh Điện Biên Phủ và nhanh chóng chiếm lĩnh thành công. Do rừng rậm che khuất nên quân Pháp không phát hiện được hỏa lực của pháo binh Việt Nam và không tiến hành phản công.

Máy bay Pháp rất khó phát hiện hỏa lực pháo binh Việt Nam dưới mặt đất, trái lại chính họ lại rơi vào cảnh hoảng loạn. Một máy bay ném bom của Pháp đã bị bắn hạ khi đang truy tìm quân Việt Nam.

Sân bay Điện Biên Phủ bộc lộ hoàn toàn dưới hỏa lực pháo binh của Việt Nam. Cộng với hỏa lực phòng không mãnh liệt của quân đội Việt Nam, tuyến giao thông đường không mỏng manh của quân đội Pháp không còn giúp duy trì được sức chiến đấu của họ ở Điện Biên Phủ.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Allhistory.com)

Do đặc biệt phụ thuộc vào lực lượng không quân, quân Pháp rất coi trọng việc bảo vệ sân bay mà xem nhẹ các trận địa xung quanh Điện Biên Phủ.

Chỉ đến khi Quân đội Việt Nam phá hủy sân bay Điện Biên Phủ và các sân bay lân cận, dần dần dọn sạch các khu vực xung quanh; quân đội Pháp mới phát hiện rằng họ đã bị mắc kẹt, như cá trong lồng. Họ không những không đạt được mục tiêu đã định là tiêu diệt quân Việt Nam mà đường rút lui cuối cùng cũng trở thành một vấn đề.

Sai lầm chiến thuật thứ hai là việc sử dụng chiến thuật tiếp dầu. Trước khi chiến dịch bắt đầu, quân Pháp do khinh địch đã cho rằng chỉ khoảng 20.000 quân là đủ để đối phó với quân Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi hơn 40.000 quân Việt Nam bắt đầu tấn công Điện Biên Phủ, quân Pháp mới nhận thấy họ không thể chống đỡ được. Bởi vậy, trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5, họ đã ba lần tăng viện cho Điện Biên Phủ bằng cách nhảy dù.

Đó là chiến thuật kiểu tiếp dầu điển hình, phạm phải điều cấm kỵ của các nhà chiến lược quân sự. Loại viện binh này của Pháp không những không cải thiện được cục diện chiến sự ở Điện Biên Phủ mà còn khiến thêm nhiều binh sĩ bị mắc kẹt, các phi công của lực lượng không quân cũng bị tổn thất nặng nề.

Ngày 8/5/1954, quân Pháp chính thức đầu hàng quân Việt Nam, một số lượng lớn lính Pháp bị quân Việt Nam bắt làm tù binh. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc.

Trận chiến Waterloo lịch sử diễn ra giữa quân đội của Napoléon Bonaparte và quân đồng minh, đánh dấu thất bại cuối cùng của vị hoàng đế nước Pháp.

Trận chiến diễn ra vào ngày Chủ nhật, 18/6/1815, gần Waterloo, nay thuộc miền trung nước Bỉ. Quân Pháp dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Napoléon Bonaparte đã bị đánh bại bởi hai đội quân của Liên minh thứ bảy, quân Anh - liên minh bao gồm nhiều đơn vị từ Anh, Hà Lan, Hanover, Brunswick và Nassau, dưới sự chỉ huy của Arthur Wellesley, Công tước thứ nhất của Wellington - và quân Phổ dưới sự chỉ huy của Thống chế Gebhard Leberecht von Blücher. Trận chiến đã đánh dấu sự kết thúc của Những cuộc chiến tranh của Napoléon.

Theo Allhistory

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/truyen-thong-trung-quoc-dien-bien-phu-tran-waterloo-cua-nguoi-phap-o-viet-nam-post174478.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat