Truyền thông thế giới rúng động trước bê bối tham nhũng ở Nghị viện châu Âu

Cuộc điều tra tham nhũng hối lộ xảy ra tại Nghị viện châu Âu đã gây rúng động trong truyền thông châu Âu và quốc tế những ngày qua.

Đây được cho là một vụ bê bối lớn nhất của Nghị viện châu Âu kể từ khi khối này được thành lập. Tin tức về các vụ bắt giữ đã gây ra sự phẫn nộ và kêu gọi hành động để giải quyết nạn tham nhũng trong Nghị viện châu Âu.

Nghị viện châu Âu. Ảnh: Eurochild.

Sự việc đã được đăng tải dày đặc trên rất nhiều báo chí quốc tế lớn trong tuần qua. Thời báo New York của Mỹ đã gọi đây là vụ “Bê bối Qatar” chấn động, liên quan đến các nhân vật lớn của Nghị viện châu Âu. Tờ báo này cho rằng, nhân vật trung tâm trong vụ bê bối là bà Eva Kaili, người Hy Lạp, một trong 14 Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu và là thành viên của nhóm Liên minh cấp tiến Xã hội và Dân chủ (S&D) tại cơ quan này. Bà Kaili là một trong những nhân vật được cho là quyền lực nhất của Brussels.

Tờ Người bảo vệ của Anh tiết lộ 5 người bị cảnh sát Bỉ bắt giữ với cáo buộc tham nhũng có liên quan đến nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar. Tờ báo này dẫn lời Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế, đồng thời là cựu thành viên của Nghị viện châu Âu, ông Michiel van Hulten cho rằng, cần phải “cải tổ triệt để” Nghị viện châu Âu, bởi trong nhiều thập kỷ qua, tổ chức này vẫn duy trì văn hóa không bị trừng phạt, kiểm soát tài chính lỏng lẻo và không có sự kiểm soát độc lập.

Trong một bài viết được đăng tải hôm qua, Tạp chí Knack của Bỉ cho biết các nhà điều tra của Bỉ đang xem xét liệu Qatar có tìm cách gây ảnh hưởng đến các vị trí trong Nghị viện châu Âu bằng những cách “vượt ra ngoài vận động hành lang cổ điển hay không”. Tạp chí này dẫn lời công tố viên tiết lộ, Qatar hiện bị cáo buộc nhắm vào các quan chức “có vị trí chính trị hoặc chiến lược quan trọng” tại Nghị viện châu Âu, gửi cho họ “số tiền đáng kể” và “quà tặng quan trọng”.

Hãng tin CBS của Mỹ khẳng định đã có hơn 20 vụ điều tra liên quan đến vụ tham nhũng gây chấn động châu Âu, trong đó chủ yếu ở Bỉ và Italy. Các nhân viên điều tra đã tịch thu tổng cộng 600.000 euro tiền mặt và một số thiết bị máy tính, điện thoại.

Hãng tin dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Usula von der Leyen đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc trong vụ việc. Bà Leyen kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát đạo đức độc lập trong tương lai để đảm bảo rằng, “sự tự tin và tin tưởng vào các tổ chức của Liên minh châu Âu cần các tiêu chuẩn cao nhất về tính độc lập và liêm chính".

Hãng tin Arab al Jazeera dẫn một nguồn tin tư pháp cho biết một số túi tiền được tìm thấy ở nhà bà Kaili, do đó thẩm phán kết luận quyền miễn trừ truy tố đối với nghị viên không được áp dụng cho bà. Hãng tin này cho rằng vụ bê bối đã ảnh hưởng lớn tới uy tín của Liên minh châu Âu. Thậm chí, hãng tin này đã dẫn lời Ngoại trưởng Hungary cho rằng “Từ giờ trở đi, Nghị viện châu Âu sẽ không thể nói về chống tham nhũng một cách đáng tin cậy được nữa".

Tờ Ngôi sao Kenya có bài viết tiêu đề “Rất đáng lo ngại: Liên minh châu Âu phản ứng nhanh với bê bối tham nhũng”. Theo tờ báo, vụ bắt giữ và điều tra đang gây rúng động Liên minh châu Âu, nơi luôn đề cao tính minh bạch, gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của khối này. Nhiều nhà quan sát và phe đối lập đã gọi đây là một vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử của Nghị viện châu Âu. Tờ báo cũng cho biết, hiện Qatar từ chối mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc./.

Châu Anh/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/truyen-thong-the-gioi-rung-dong-truoc-be-boi-tham-nhung-o-nghi-vien-chau-au-post990644.vov