Truyền thông Mỹ đánh giá gì về hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden?

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin đã kết thúc sau gần 3 tiếng rưỡi, với hai phiên làm việc là hội đàm diện hẹp giữa hai tổng thống có sự tham gia của hai ngoại trưởng, và hội đàm mở rộng.

Theo một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, phiên hội đàm diện hẹp diễn ra trong 93 phút, phiên mở rộng kéo dài 65 phút. Hai phái đoàn có 45 phút nghỉ giữa hai phiên làm việc. Hội đàm kết thúc vào lúc 17h05 (giờ địa phương).

Đánh giá về hội nghị thượng đỉnh Putin-Biden báo chí Mỹ viết: “Những lời lẽ hùng biện giữa Mỹ và Nga sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin đã dịu đi phần nào, mặc dù căng thẳng trong quan hệ vẫn còn”.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. (Ảnh: RIA)

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. (Ảnh: RIA)

Wall Street Journal cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh cả hai tổng thống đều thừa nhận rằng quan hệ Mỹ-Nga đã xuống điểm thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh trong những năm gần đây, đôi khi dẫn đến căng thẳng cực độ”.

Trong khi đó, New York Times viết, “các nhà lãnh đạo của hai nước đã đưa ra những cam kết thiện chí chung, nhưng rõ ràng là về nhiều vấn đề, từ tấn công mạng đến nhân quyền, hai nước đã bị chia rẽ sâu sắc. Sự căng thẳng là rõ ràng”.

Cũng theo New York Times, ông Putin đã bác bỏ các cáo buộc về các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và nói rằng chính Mỹ là nước vi phạm các quy tắc trong lĩnh vực này.

“Nhà lãnh đạo Nga dường như cũng đã thẳng thừng bác bỏ điều mà ông Biden coi là một trong những mục tiêu chính của các cuộc đàm phán - ý tưởng tạo ra ‘hàng rào bảo vệ’ để ngăn chặn một số cuộc tấn công thời bình vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ”, New York Times nhận định.

New York Times đánh giá thêm, bản thân ông Biden đã công khai bày tỏ quan điểm bất đồng với ông Putin về một số vấn đề và đảm bảo với Tổng thống Nga rằng ông sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Washington Post, cuộc gặp đã bị “lu mờ” bởi những ký ức về “sự tôn trọng chưa từng có” mà ông Trump đã thể hiện với ông Putin tại một hội nghị thượng đỉnh tương tự. Tổng thống Mỹ khi đó đã bị chỉ trích vì từ chối công khai phản đối đồng nghiệp trong một cuộc họp báo chung, và các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội bị nghi ngờ về mối liên hệ với Nga của ông Trump. Để không lặp lại sai lầm, ông Biden đã cố gắng tránh những cáo buộc tương tự bằng cách mời các “nhân chứng” - những người đứng đầu các cơ quan đối ngoại đến một cuộc gặp riêng với Putin.

“Cuộc gặp chỉ kéo dài vài giờ ở Thụy Sĩ là quá ngắn để có thể cho phép bất cứ điều gì vượt quá khả năng tuyên bố của cả hai bên. Hai tổng thống tuyên bố rằng sự kiện này đã thành công tốt đẹp, chủ yếu là vì họ thường có thể gặp nhau vào thời điểm mà quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”, Washington Post nhận định.

Theo ông Ignacio Bartesaghi, Giám đốc Viện Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Công giáo Uruguay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “giành chiến thắng” trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người thừa nhận vai trò của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

“Ông Putin đang chiếm thế thượng phong trong cuộc gặp với ông Biden lần này vì Mỹ công nhận vai trò của Nga trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau trong chương trình nghị sự thế giới”, ông Bartesaghi nói.

Theo chuyên gia này, có những chủ đề mà ông Biden sẽ tìm kiếm các thỏa thuận với Nga, ví dụ như thỏa thuận hạt nhân, vấn đề Trung Đông .

“Tại cuộc gặp, Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của Nga. Tổng thống Biden nói rằng ông ấy không chỉ tập trung vào các đồng minh chính của mình, mà còn sẵn sàng duy trì một cuộc đối thoại chân thành với Nga”, ông Bartesaghi nói thêm.

Một số hình ảnh tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ:

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/truyen-thong-my-danh-gia-gi-ve-hoi-nghi-thuong-dinh-putin-biden-287581.html