Truyền tải điện Nghệ An: Đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa bão

Vào đầu mùa mưa bão, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định Truyền tải điện Nghệ An đã sẵn sàng nguồn lực để đảm bảo lưới điện truyền tải liên tục, an toàn.

Chủ động ứng phó, phòng ngừa

Ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc Truyền tải điện Nghệ An, Công ty Truyền tải điện 1, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - cho biết: Truyền tải điện nghệ An quản lý toàn bộ hệ thống lưới điện 220kV và 500kV trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Để ứng phó với tình hình thời tiết, mưa bão, chúng tôi đã lên kế hoạch ứng phó với phương châm 4 tại chỗ. Theo đó, các đội quản lý tại các trạm được phân công chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, con người… Ngoài ra, trên tuyến đường dây hàng năm, trước mùa mưa bão đều tổ chức các phương án diễn tập phòng chống bão lụt.

Công tác kiểm tra tại TBA 220 kV Tương Dương

Công tác kiểm tra tại TBA 220 kV Tương Dương

“Đơn vị luôn sẵn sàng để ứng phó, kết hợp với người dân địa phương, chủ động nắm bắt diễn biến thời tiết và cử các đội đi kiểm tra, những chỗ không đi kiểm tra được chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ bay Flycam để kịp thời phát hiện sớm các khiếm khuyết, chủ động có phương án xử lý trước mùa mưa bão”, ông Hải chia sẻ.

Do khối lượng đường dây của Truyền tải điện Nghệ An quản lý nhiều tuyến là đường dây cũ, địa hình chủ yếu miền núi, nhiều điểm lưu lượng mưa lớn gây xói lở chân cột, cùng với đó việc dân cư canh tác phát canh cũng đã gây ra nhiều nguy cơ sạt lở…Trước đặc thù trên, Truyền tải điện Nghệ An đã chỉ đạo các đội truyền tải đào các rãnh thoát nước xa khu vực móng cột, gia cố các khu vực có nguy cơ sạt lở cao thông qua đóng cọc tre, giọ đất… ngoài ra các phòng, tổ, đội, trạm bố trí nhân lực ứng trực, chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị, hệ thống thông tin, liên lạc, tổ chức tổng kiểm tra, khắc phục ngay những khiếm khuyết, tồn tại trên lưới.

Công tác kiểm tra các vị trí cột trên các tuyến đường dây nhằm sớm phát hiện các khiếm khuyến, nguy cơ sạt lở

Công tác kiểm tra các vị trí cột trên các tuyến đường dây nhằm sớm phát hiện các khiếm khuyến, nguy cơ sạt lở

Các Đội Truyền tải điện trực thuộc đã tăng cường công tác trực tiếp kiểm tra hiện trường các đường dây; tổ chức xử lý tồn tại nhằm đảm bảo vận hành các đường dây trong mùa mưa lũ 2022. Tăng tần suất kiểm tra định kỳ (ngày, đêm) hành lang, đo độ võng, nhiệt độ mối nối, ... đảm bảo vận hành an toàn các đường dây. Các cây cối trong và ngoài hành lang các tuyến đường dây được các Đội Truyền tải điện xử lý chặt tỉa/chặt hạ đảm bảo khoảng cách an toàn từ cây đến dây dẫn điện theo quy định (dây dẫn ở trạng thái võng cực đại) và đảm bảo vận hành. Thực hiện công tác kiểm tra bảo dưỡng đường dây thực hiện đúng quy định.

Hàng năm duy trì công tác kiểm tra hệ thống tiếp địa các đường dây thường xuyên bị ngập nước. Thực hiện các biện pháp hạn chế sự cố do sét trên các đường dây như vệ sinh mặt tiếp xúc giữa dây tiếp đất và thân trụ, siết lại boulon clamp kẹp dây nối đất dây chống sét với đỉnh trụ, lắp đặt tăng cường dây tiếp địa cho các đường dây…

Đảm bảo vận hành an toàn lưới điện

Đội Truyền tải điện Con Cuông thuộc Truyền tải điện Nghệ An nằm trên địa bàn huyện Con Cuông cách xa trụ sở Truyền tải điện Nghệ An đến 120km, địa bàn do Đội quản lý có đến 85% là khu vực đồi núi cao, rừng sâu, qua sông, suối. Có những vị trí những người thợ truyền tải phải đi bộ trèo đồi gần 2h đồng hồ mới đến chân cột.

Theo ông Phạm Thanh Hải thì cung đoạn do Đội Truyền tải điện Con Cuông quản lý không những có địa hình khó khăn, phức tạp và vất vả bên cạnh đó do đồi núi nhiều nên cây cối phát triển rất nhanh sau những đợt mưa kéo dài nên đội phải thường xuyên tổ chức cho công nhân phát quang cây cao, cây tái sinh trong và ngoài hành lang để đảm bảo vận hành.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Đội Truyền tải Con Cuông đã tổ chức phát quang cây cao và cây tái sinh trong và ngoài hành lang được 50 khoảng cột có cây cao vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Hàng tháng, hang quý đội đã tổ chức công nhân đi kiểm tra định kỳ ngày, đêm, đột xuất sau mưa, lũ, bão nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hư hỏng và khắc phục để đường dây đảm bảo vận hành.

Theo chân các công nhân tại Đội truyền tải điện Con Cuông phải vượt qua một khoảnh rừng, len lỏi qua các cây xấu hổ đầy gai góc, không có đường mòn, để đến được vị trí 02 tuyến đường dây mạch kép 220 kV Bản Vẽ - Tương Dương và Bản Vẽ - Khe Bố, nhóm phóng viên chúng tôi phải dùng gậy chống vừa để dọn đường vừa để leo qua những khoảng núi dốc đứng.

Chia sẻ với phóng viên ông Hồ Ngọc Quyết – Đội trưởng Đội Truyền tải điện Con Cuông cho biết, năm 2020 do hoàn lưu của các cơn bão tại chân móng của vị trí 02 đã xảy ra hiện tượng sạt lở, điều này đã đe dọa đến tình hình vận hành an toàn của tuyến đường dây.

Ông Hồ Ngọc Quyết- Độ trưởng Đội TTĐ Con Cuông

Ông Hồ Ngọc Quyết- Độ trưởng Đội TTĐ Con Cuông

Cũng theo ông Hồ Ngọc Quyết, để đảm bảo an toàn cho tuyến đường dây cũng như vị trí cột 02, đơn vị đã phối hợp cùng với công ty quản lý đường bộ kè hơn 100m phía dưới đường giao thông - khu vực chân móng để chống sạt lở và từ móng,cột trở xuống Đội Truyền tải Con Cuông đã đắp đất, trồng tre. Tháng 5/2022 vừa qua, đoàn khảo sát của Viện Năng lượng đã vào thăm dò và khoan địa chất để báo cáo khả thi, thiết kế để có phương án kè vĩnh cửu bằng đá và bê tông. Dự kiến năm 2023 vị trí cột, móng 02 sẽ được tiến hành kè vĩnh cửu.

Mặc dù nguy cơ hiện hữu nhưng chưa thể kè vĩnh cửu được ngay, chia sẻ về vấn đề này ông Phạm Thanh Hải cho biết, thông thường như vị trí trên đồi cao, có nguy cơ xói lở để giải quyết được thì cần vốn đầu tư rất lớn, do vậy kế hoạch đưa ra trong quá trình xử lý phải trình lên Công ty Truyền tải điện 1 và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia để đưa vào kế hoạch và thuê tư vấn, thiết kế để đảm bảo công trình an toàn lâu dài.

Không chỉ có vị trí cột, móng số 2, trong cung đoạn do Đội truyền tải Con Cuông quản lý thì đường dây Bản Vẽ - Khe Bố, Bản Vẽ - Tương Dương, Khe Bố - Đô Lương và Tương Dương - Đô Lương gồm 283 vị trí cột thì hiện tại qua đợt mưa lũ và hoàn lưu của các cơn bão trong năm 2020 - 2021 thì đã có 3 vị trí có địa chất và móng tương tự như vị trí số 2 bị sạt lở.

Hơn 100m kè đá dưới vị trí cột 02 ĐZ Bản Vẽ - Tương Dương, Bản Vẽ - Khe Bố đã được kè trong khi chờ duyệt kế hoạch kè Vĩnh Cửu

Hơn 100m kè đá dưới vị trí cột 02 ĐZ Bản Vẽ - Tương Dương, Bản Vẽ - Khe Bố đã được kè trong khi chờ duyệt kế hoạch kè Vĩnh Cửu

Trước mắt để đảm bảo an toàn cho tuyến đường dây, đơn vị quản lý đã đổ đất, trồng tre, đóng cọc, riêng vị trí 168 đơn vị quản lý đã phải kè cả rọ đá để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện.

“Toàn bộ các vị trí này sau khi được Viện Năng lượng khoan thăm dò, khảo sát sẽ có báo cáo, thiết kế để tiến tới chọn nhà thầu có thể tiến hành kè vĩnh cửu vào năm 2023’, ông Quyết chia sẻ.

Đội Truyền tải điện Con Cuông quản lý vận hành và sửa chữa đường dây 220 kV với tổng chiều dài đường dây 107km với 283 vị trí cột trải dài trên 3 huyện: Tương Dương, Đô Lương và Con Cuông. Các tuyến đường dây do Đội quản lý nhận nguồn điện từ nhà máy thủy điện Bản Vẽ với công suất 320 MW và Thủy điện Khe Bố với công suất 100 MW.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/truyen-tai-dien-nghe-an-dam-bao-van-hanh-an-toan-luoi-dien-trong-mua-mua-bao-227030.html