Truyện ngắn: Gió qua miệt tràm

Chiếc xe lam chết máy dọc đường lúc mặt trời chiều đang dần khuất sau đường diềm xanh thẫm phía chân trời. Hành khách trên xe thu dọn hành lý tản mát đi bộ, chỉ còn lại mình tôi đứng loay hoay với cái túi xách to đùng, hít hà sốt ruột. Bác tài xế chui ra khỏi gầm xe, mặt mũi lấm lem dầu nhớt, nhìn tôi cười vẻ xin lỗi:

- Chịu thua thôi cô à, không có phụ tùng thay là không chạy được, để tui kiếm cách đưa cô về chớ cái túi nặng trịch như vầy mà từ đây tới trường còn xa lắc cô đi bộ sao nổi - Nói xong, bác tài xế quày quả bỏ đi.

Tôi gượng cười dẫu trong bụng đang run. Đường đất đỏ dài hun hút vắng hoe, hai bên toàn tràm xanh ngút ngàn; chỗ lạ, đường xa, trời sắp tối sao mà không sợ.

Khoảng hơn hai mươi phút sau, bác tài xế trở lại cùng chàng trai trẻ trên chiếc xe máy, ông đứng xoa tay cười hiền lành:

- Tui nhờ cậu Bảo đưa cô về trường, còn tui kiếm cách trị chiếc xe này. Cô cảm phiền nhe, tại xe hư bất tử chớ tui cũng muốn đưa cô cho tới nơi tới chốn.

Ông quay sang vỗ vai chàng trai trẻ:

- Cảm ơn cậu Bảo hé, bữa nào tui với cậu mần một chầu lết bánh nhen. Ờ biết đâu tới chừng đó cậu lại phải cảm ơn lại tui. Ha ha - Bác tài xế vui tính cười với chàng trai tên Bảo nhưng mắt lại nhìn tôi.

- E hèm...mong cô giáo mới dính gốc dính rễ luôn ở cái xứ lũ này cho...học trò nó nhờ!

Lần này ông cười với tôi nhưng mắt lại nhìn chàng trai tên Bảo.

Tôi ngồi phía sau xe, ôm chặt chiếc túi xách, thầm mong mau tới nơi. Mấy năm sống ở thành phố khiến tôi có thói quen đa nghi và cảnh giác.

- Coi chừng nghe, tôi là kẻ gian đó.

Anh chàng lên tiếng như đang đi guốc trong bụng tôi.

- Anh cũng coi chừng nghen, tôi là cướp cạn chuyên dùng dao khống chế tài xế từ phía sau để cướp á.

- Hòa một đề nhé - Tôi đoan chắc anh chàng đang mỉm cười.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Sau lần đưa giúp tôi về trường trong ngày đầu nhận nhiệm sở, Bảo thường xuyên đến nhà tập thể giáo viên để đàn hát, chơi cờ với mọi người, thi thoảng mới chuyện trò hỏi thăm tôi về quê quán, gia đình, bạn bè và sở thích. Các anh chị đồng nghiệp trêu tôi mới về trường đã ươm được một cây si cổ thụ. Tôi cười cười chối phăng nhưng trong lòng mơ hồ một nỗi xuyến xao.

Sáng này tôi vừa nhận được thư của Huy. Từng dòng chữ quen thuộc nồng đượm ý tình khiến tôi bâng khuâng buồn bã. “...Em ráng chịu khổ ít lâu, chừng nào nhận được bằng rồi về ngay trên này với anh. Em nhớ luyện nghe nói tiếng Anh cho lưu loát vì anh đang xin cho em làm hướng dẫn viên trong một công ty du lịch. Anh nhớ em nhiều và sớm mong có em bên đời mãi mãi”.

Tôi mân mê lá thư trong tay thở dài. Ở đây vui quá trời chứ có buồn khổ gì đâu. Sau giờ dạy học, tôi cùng các đồng nghiệp, học trò đi thăm lưới, dỡ cần câu cắm, nhổ bông súng nấu canh chua, chống xuồng vớt ốc lác về nấu với lá ổi lể chấm nước mắm cơm mẻ sả ớt, hái búp sen lấy hột nấu chè... ôi thấy thoải mái, yêu mến và gắn bó với tất cả mọi thứ ở nơi này. Trong mắt các bạn bè của tôi, Huy là mẫu đàn ông lý tưởng: Học giỏi, cầu tiến, tình cảm, chu đáo, linh hoạt và biết cách nắm bắt cơ hội. Hai đứa cùng học chung trường phổ thông thị xã, cùng học đại học ở thành phố, chơi chung miết rồi thân nhau.

Hình ảnh hai chiếc xe đạp song song sáng nắng, chiều mưa đã quá quen thuộc trong mắt các bạn bè của hai đứa. Chúng nó bảo tôi sẽ được trắng da dài tóc chiều chuộng tưng tiu nếu lấy Huy làm chồng vì nhất định tôi sẽ không phải vất vả lo mưu sinh. Nhưng mà tôi có yêu Huy không? Tôi cũng không biết nữa. Sao tôi không hề vui khi nhận thư anh, không háo hức mong chờ khi anh đến, không nhớ anh bổi hổi bồi hồi mà lại...Có lẽ nào tình cảm giữa tôi và Huy bấy lâu nay không phải là tình yêu, hay ít ra về phía cá nhân tôi. Tôi đã nhầm lẫn hay đang nhầm lẫn?

Huy luôn chìu chuộng, lo lắng cho tôi từ năm đầu vào đại học. Trong kế hoạch cho tương lai của anh luôn có tôi trong đó. Anh quyết tâm ở lại thành phố, tích cực làm việc kiếm thật nhiều tiền để mua nhà, mua xe và bằng mọi giá phải có hộ khẩu Sài Gòn. Anh chạy vạy tìm việc để khi tôi nhận được bằng, bỏ nhiệm sở nơi này về thành phố là có việc làm ngay...ấy vậy mà...biết làm sao bây giờ đây! Gặp Bảo rồi tôi mới hiểu thế nào là tình yêu thực sự, trái tim với những rung động diệu kỳ chỉ hướng về anh.

Trong giấc mơ của tôi là khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi với đôi mắt đen rạng rỡ khi anh kể cho tôi nghe về cuộc đời và mơ ước của anh: “Linh ở đây dạy luôn đừng xin chuyển về quê nghen. Học trò xứ lũ tội nghiệp lắm. Ngày xưa, anh phải đi bộ hơn mười cây số, lội qua hai con rạch để đến trường mỗi ngày. Anh mơ ước tự tay mình làm những con đường nhựa, xây những ngôi nhà sạch đẹp, khang trang cho người dân quê anh, những trường lớp thoáng mát cho bọn con nít đen nhẻm mốc phèn như anh được học cho đến nơi đến chốn. Anh là kỹ sư xây dựng, em là kỹ sư tâm hồn, mình cùng góp sức để lo cho...bọn nhỏ”. Tôi đỏ mặt tránh cái nhìn tha thiết đầy ý nghĩa của anh.

Mỗi lần đến thăm, anh đều đem cho tôi kẹo. Kẹo sữa, kẹo cam, kẹo dưa, kẹo đậu phộng...đến nỗi tôi phải nhăn mặt kêu lên:

Bộ anh muốn cho Linh sún răng hay sao mà cho kẹo hoài vậy?

- Anh muốn cho Linh biết rằng ở xứ lũ quê anh có rất nhiều nỗi ngọt ngào. Linh sún răng để không dám cười với ai khác ngoài anh.

Tôi mím môi không cười, cố ghìm nén con tim đang nhảy nhót. Đêm nằm thao thức, lòng tôi bồn chồn ray rứt không yên. Tôi cảm thấy mình đang dối Huy, dối Bảo và hơn hết là tôi không dám đối diện với sự thật của lòng mình. Chung thủy hay phản bội cũng năm bảy đường lý giải. Tôi cứ nhắc thầm mình: Huy là người yêu, Bảo là bạn; nhưng sâu thẳm trong trái tim tự bao giờ vị trí tình yêu, tình bạn ấy đã có sự hoán chuyển mất rồi.

Tôi vẫn chăm chỉ học tiếng Anh, vẫn cùng các đồng nghiệp chuyện trò với Bảo mỗi lần anh đến chơi. Tôi đã nhận được bằng tốt nghiệp đại học từ tháng rồi nhưng chần chừ chưa báo cho Huy. Tôi không nỡ bỏ trường bỏ lớp dở dang khi năm học chưa kết thúc. Từ nhỏ tôi đã mơ ước được làm cô giáo; một cô giáo dịu dàng tận tụy cầm tay sửa cho từng đứa học trò nhỏ những con chữ ngoằn nghoèo, xiêu vẹo. Gần hai mươi năm đi học, từ mẫu giáo đến đại học, đã có bao nhiêu thầy cô dạy dỗ, dìu dắt cho được một tôi như ngày hôm nay. “Em nhớ nhận được bằng là về Sài Gòn ngay. Chỗ em làm lương cao, có cơ hội thăng tiến. Anh đã mua được miếng đất ở quận tư, phấn đấu ít năm nữa xây nhà...” . Huy cũng đâu có gì sai?

Chẳng ai biết lòng tôi ngổn ngang giằng xé. Thực lòng tôi không muốn xa trường xa lớp, xa những học trò hiền lành sớm biết lội đồng trước khi biết chữ. Tất cả mọi thứ ở đây thật bình dị, mộc mạc và chân thành. Nhưng tôi biết phải nói thế nào với Huy đây?

***

Huy đến đón tôi sau buổi lễ tổng kết năm học ở trường. Tôi cúi mặt tránh những ánh mắt dò hỏi của đồng nghiệp và cũng để giấu đi những giọt nước mắt cứ chực trào ra. Huy thu dọn hết các thứ cho vào va li. Tôi tần ngần đứng nhìn cái kệ sách núm níu không muốn rời. Đây không phải là kỳ nghỉ hè bình thường mà là cuộc chia tay mang thật nhiều ý nghĩa. Ngồi sau Huy tôi cứ ngoái đầu nhìn lại. Con đường đất đỏ viền hai bờ tràm xanh thu hẹp rồi khuất dần, xa hun hút phía sau lưng.

Tôi vào làm ở công ty du lịch hơn ba tháng nay. Tiền lương được nhiều, giao tiếp với khách hàng sang trọng mà tôi không thấy vui. Tôi nhớ lời ba nói khi Huy đến thuyết phục ba cho tôi bỏ dạy học lên thành phố làm việc: "Con trưởng thành rồi, nghề nghiệp công việc, tình cảm con hãy tự quyết định, miễn sao con thấy tâm hồn thanh thản và mỗi ngày thấy vui vẻ là được. Mà dẫu có đi đâu, làm việc gì thì con cũng nhớ giữ lấy cái tâm”.

Lời ba dạy khiến tôi cứ băn khoăn. Những điều tôi đang làm là đúng hay sai mà sao tâm hồn tôi không thanh thản chút nào. Cứ mỗi lần đi ngang qua một ngôi trường nào đó ríu rít tiếng cười học sinh, tôi như thấy những học trò của tôi nơi ấy đang cúi mặt buồn buồn và lòng tôi như chùng xuống trĩu nặng. Những khi cười tươi giao tiếp với khách hàng, tôi chợt sững sờ nhớ Bảo: “…cho Linh không dám cười với ai khác ngoài anh”.

Hôm nay là ngày 20 tháng 11. Nhìn học trò xôn xao khắp phố mua hoa chọn quà, bỗng dưng, tôi thấy buồn muốn khóc. Áo dài thanh thoát, cười rạng rỡ giữa học trò mến thương là tôi của năm ngoái. Tôi nhớ mình đã xúc động rưng rưng khi nhận những bó bông huệ nước, bông bụp, bông giấy, bông sen cột bằng dây thun với những lời chúc ngô nghê trên môi nhỏ run run. Tôi thở dài nuốt nỗi buồn vào lòng. Đâu phải chỉ có tôi, có Huy…còn biết bao người trẻ như thế, bám lại sống ở thành phố sau khi ra trường để làm một người thừa, bỏ quên những mơ ước trong veo, những khát vọng rực rỡ thuở thiếu thời.

…Tôi dắt xe vào cổng công ty, gượng mỉm cười với bác bảo vệ. Bác không nói “Chào cô Linh” như mọi bữa mà khoát tay ra hiệu: “Chờ một chút cô giáo”. Bác đi vội vào phòng trực cầm gói quà xinh xắn và lẵng hoa hồng nhung đỏ thẫm đưa cho tôi.

- Bữa giờ đâu có biết cô là cô giáo. Có một cậu sáng sớm tới đây nhờ tôi đưa mấy thứ này cho cô.

Tôi cầm hoa, quà ngần ngừ định hỏi thêm thì bác bảo vệ đã quay đi về phía nhà xe.

Hoa, quà của ai? Huy đã đến thăm và tặng quà cho tôi tối qua. Một bộ áo dài bằng lụa tơ tằm và chai nước hoa Chanel số 5 của Pháp. Có khi nào là…Trái tim tôi chợt run lên, nhói đau trong tích tắc. Bảo làm sao biết được chỗ tôi đi làm? Tôi hấp tấp mở gói quà: Một hộp pha lê trong veo với đủ loại kẹo các màu và tấm thiệp có hình tôi do chính tay anh vẽ. Mặt sau tấm thiệp là hình ảnh nhóm học sinh ôm hoa đứng trước cổng trường bằng tre lá ngơ ngác nhìn theo bóng dáng cô giáo đang quay lưng đi về phía cuối đường.

Nỗi xúc cảm dịu ngọt tràn về ắp lòng khi nhìn những con chữ run run không đều nét: “...tấm lòng người dân xứ lũ quê anh, tình cảm quý mến trân trọng những đứa học trò tội nghiệp, tình yêu chân thành tha thiết trong tim anh luôn dành trọn cho em. Em nói với anh ước mơ của em là được làm cô giáo, sao em đành lòng từ bỏ mơ ước của mình. Người tình cảm, tinh tế như em nhất định hiểu rõ điều gì cần thiết nhất trong cuộc đời. Yêu thương và từng phút giây mong em trở lại”.

Tôi áp tay lên ngực giữ cho trái tim đập chậm lại, một ý nghĩ như tia chớp lóe qua tâm trí. Tôi gọi ngay cho bạn đồng nghiệp nhờ đi tour giúp tôi lần này. Thật sung sướng, thật hạnh phúc khi được làm mọi điều bằng cảm xúc, bằng mong muốn khát khao chứ không phải bằng lý trí. Niềm hưng phấn kéo dài theo tôi vào siêu thị cho đến khi hai túi xách đày ắp bánh kẹo mà vẫn chưa biến mất. Quà cho người ta thì đã có tập truyện ngắn “Bất ngờ về phía trái tim” của nhà văn Đoàn Thạch Biền mà tôi mua từ tháng trước. Có lẽ Bảo đến trường xin địa chỉ nhà tôi và đến gặp ba mẹ tôi nên mới biết được nơi tôi làm việc; nhưng sao anh không trực tiếp gặp tôi? Tôi mơ màng hình dung ra khuôn mặt, nụ cười dễ thương của anh lúc hai đứa gặp nhau…Huy đến bên cạnh tôi lúc nào tôi cũng không hay. Tôi tròn mắt nhìn anh, giật mình thảng thốt. Anh đỡ lấy hai túi xách đầy ắp trong tay tôi, lo lắng hỏi:

- Em gọi taxi định đi đâu, có việc gì mà em nhờ Bích Hằng đi tour thay? Em mệt hay có chuyện gì mà không cho anh biết?

Anh buông túi xách, ướm tay vào trán tôi đo lường nhiệt độ. Cử chỉ săn sóc, ánh mắt lo lắng của anh khiến tôi buồn muốn khóc. Tôi quay mặt tránh ánh nhìn dò hỏi trong mắt anh, nói nhỏ:

- Em vẫn khỏe. Em chỉ định về thăm…trường lớp với học trò. Em thấy nhớ, thấy buồn…

Trán Huy nhăn lại, anh nói giọng rụt rè như có lỗi:

- Ừ, lẽ ra anh phải hiểu rõ điều này từ trước để sắp xếp đưa em về. Anh xin lỗi không thể đưa em về dưới được. Em về rồi lên ngay nhé, anh có tin rất hay cho em. Tháng sau em sẽ bay sang Mỹ với giám đốc công ty. Không nói ra nhưng anh nghĩ bà đã xem em như trợ lý chính thức của bà rồi. Mọi chuyện đang trên đà thuận lợi, em cố lên em nhé!

Tôi lặng thinh không nói câu nào. Viễn ảnh được tận mắt nhìn thấy tượng nữ thần tự do, New York hoa lệ cũng không làm tôi háo hức. Huy đưa tôi lên xe sắp soạn hành lý. Anh cẩn thận cởi áo khoác choàng qua vai tôi, mỉm cười âu yếm:

- Em về gọi điện ngay cho anh, nhớ chú ý ăn uống cẩn thận, đừng bỏ bữa.

Tôi ngoái nhìn dáng anh nhập nhoạng hòa lẫn trong dòng người trên đường chợt ứa nước mắt xót xa. Tôi úp mặt vào tay khóc thầm trong lòng. Em phải làm sao cho đúng đây hở Huy?

Chiếc taxi lướt nhanh qua những rừng tràm, ruộng lác cho tôi cảm giác của kẻ xa quê sắp được chạm chân trước ngõ nhà xưa. Xe dừng trước cổng trường lúc buổi lễ vừa tan. Đồng nghiệp, học sinh ùa ra mừng rối rít:

- Mọi người cược với nhau là Linh sẽ không bỏ nhiệm sở mà!

- Ai cũng mong Linh lên dạy, học trò cứ theo hỏi hoài cô Linh đã về chưa!

- Linh không về chắc có người hóa đá. Hôm nào Bảo cũng ghé qua trường, chỉ hai ba bữa nay là không thấy; nghe phong thanh anh chàng đi công trình đắp đập ngăn lũ trên Vĩnh Hưng, Tân Hưng gì á. Khiếp, anh chàng giống y xác ướp Ai Cập luôn.

Nghĩa là tôi sẽ không được gặp anh. Trái tim chợt nhói lên, lan thành một hố sâu nghẹt thở. Tôi cười mà nước mắt rưng rưng, dẫn đầu một đoàn học sinh rồng rắn theo sau vào nhà tập thể.

***

Buổi chiều. Mặt trời khuất dần ở phía chân mây chỉ để lại chút ráng đỏ như nỗi lưu luyến nhớ nhung cuối ngày. Từ giã đồng nghiệp, học trò, trường lớp lần này là một thử thách quá sức với tôi.

Nghẹn ngào bước lên xe, tôi không dám nhìn những học trò tôi chủ nhiệm năm rồi đang đứng khóc. “Cô đừng đi luôn nghe cô!”. “Sao cô không dạy tụi em nữa?”. “Chừng nào cô về?”...Tôi biết trả lời các em thế nào bây giờ…

Đành lòng sao Linh? Lìa xa mãi sao Linh? Tôi thương quá từng con đường, từng hàng cây dù đây không phải là nơi tôi sinh ra và khôn lớn. Lòng thổn thức, tôi dừng lại thẩn thờ nhìn chỗ đậu chiếc xe lam chết máy giữa đường một năm về trước, xa xa là xóm nhà mà bác tài xế vui tính đi cầu cứu người đưa tôi về trường. “Coi chừng nghe! Tôi là kẻ gian đó”. Anh đúng là kẻ gian thật mà. Anh đã lấy mất trái tim và nụ cười của em rồi.

Tôi che mặt khóc ròng bước lên xe. Tôi khát thèm tiếng một ai đó gọi tôi trở lại. Xe lăn bánh. Tôi lau nước mắt ngoái nhìn lại lần cuối. Trời ơi, là thật hay đang mơ? Một chấm đen nhỏ ở cuối tầm nhìn đang lao theo phía sau xe. Mơ hồ trong gió tôi nghe thấy có tiếng gọi.../.

T.M

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/truyen-ngan-gio-qua-miet-tram-a159273.html