Truyền lửa bảo vệ biên cương Tổ quốc

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nông Văn Phiao, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn, tuy tuổi cao, nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Đặc biệt, những câu chuyện truyền thống của ông về lực lượng BĐBP đã truyền lửa bảo vệ biên cương tới thế hệ trẻ.

Lực lượng Công an nhân dân vũ trang dũng cảm chiến đấu tại pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, tháng 2/1979. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đại tá Nông Văn Phiao đón chúng tôi tại nhà riêng (91 đường Lê Lai, thành phố Lạng Sơn) bằng nụ cười tươi. Ông bảo: "Có khách đến nhà, mình vui lắm, kể chuyện về những năm tháng chiến đấu và công tác trong BĐBP thì đến bao giờ cho hết. Cả cuộc đời binh nghiệp của mình gắn bó với BĐBP mà".

Rồi câu chuyện bắt đầu từ khi ông nhập ngũ ngày 17/6/1976. Chàng thanh niên 19 tuổi, quê ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn được biên chế vào Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Cao Lạng (nay là hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn). Kết thúc đợt huấn luyện chiến sĩ mới, tháng 10/1976, chiến sĩ Nông Văn Phiao được điều động về công tác tại Trạm ga Đồng Đăng, CANDVT tỉnh Cao Lạng. Song những ngày tháng bình yên không bao lâu thì tháng 10/1978, tình hình biên giới phía Bắc trở nên căng thẳng.

Tháng 12/1978, hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn tái lập. Bộ Chỉ huy CANDVT tỉnh Lạng Sơn điều động lực lượng để đáp ứng yêu cầu, tình hình mới. Chiến sĩ Phiao được điều động sang Đại đội 5 (CANDVT tỉnh Lạng Sơn), tăng cường cho Đồn Hữu Nghị, biên chế vào khẩu đội đại liên. Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 cùng anh em Đồn Hữu Nghị vừa tổ chức canh gác, giải quyết sự việc, vừa tổ chức luyện tập nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí Phiao được Đại đội trưởng lựa chọn đi trinh sát thực địa, nắm địa hình, tình hình địa bàn, phạm vi từ Trạm ga Đồng Đăng đến mốc 31, biên giới tỉnh Lạng Sơn.

Giáp Tết Kỷ Mùi 1979, Đại đội 5 được biên chế khẩu đội hỏa lực cối 60mm, Khẩu đội trưởng Nông Ngọc Long và chiến sĩ Nông Văn Phiao cùng một số chiến sĩ được điều động vào khẩu đội cối 60mm. Các chiến sĩ trong khẩu đội nhanh chóng huấn luyện, làm chủ trang bị mới, thuần thục các thao tác lấy tầm, hướng, nạp đạn, để mỗi pháo thủ khi cần có thể thay thế cho nhau.

Sáng sớm ngày 17/2/1979, thấy phía đối phương bắn pháo sáng, Đại úy Trần Hà Bắc, Đại đội trưởng Đại đội 5 lệnh báo động toàn đơn vị vào vị trí tác chiến. Sau khi Đại đội trưởng Trần Hà Bắc giao nhiệm vụ cho từng trung đội, khẩu đội hỏa lực, các bộ phận, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 và Đồn Hữu Nghị theo phân công, vào vị trí đã xác định từ những ngày huấn luyện trước đó.

Trận địa cối 60mm bố trí ở thị trấn Đồng Đăng. Khẩu đội đại liên bố trí tại khu phía Nam bảo vệ pháo đài Đồng Đăng. Các đồng chí ở Trạm ga Đồng Đăng rút lên pháo đài Đồng Đăng cùng bộ đội, dân quân phối hợp chiến đấu. Tại khu vực pháo đài Đồng Đăng còn có Đại đội 42 của Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao vàng) cùng phối hợp chiến đấu. "Chúng tôi chiến đấu, giữ pháo đài Đồng Đăng và bảo vệ cán bộ, người dân rút khỏi pháo đài Đồng Đăng an toàn. 14 giờ, ngày 19/2/1979, đối phương chiếm được pháo đài Đồng Đăng, song các thương binh, tử sĩ, cán bộ, nhân dân đã được chuyển ra khỏi pháo đài về tuyến sau. Chúng tôi lần theo đường hầm từ pháo đài rút ra ngoài an toàn" - Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nông Văn Phiao kể lại.

Hơn 2 ngày chiến đấu bảo vệ biên giới, bám trụ ở pháo đài Đồng Đăng, chiến sĩ Nông Văn Phiao cùng đồng đội đã dũng cảm đánh địch, đẩy lui nhiều đợt tiến công của đối phương. Anh hùng Nông Văn Phiao kể lại trong niềm đau xót: "Trong trận chiến đấu bảo vệ pháo đài Đồng Đăng, các anh Trần Hà Bắc, Đại đội trưởng; Hoàng Quốc Hội, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 5 và nhiều đồng chí đã trúng đạn, anh dũng hy sinh. Các đồng chí bị thương đều được đưa về tuyến sau an toàn. Tôi và 3 đồng đội: Hà Văn Chiến, Bùi Văn Tranh, y sĩ của đơn vị Nguyễn Văn Đạt là những người cuối cùng rút khỏi pháo đài Đồng Đăng...".

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, ngày 20/12/1979, chiến sĩ Nông Văn Phiao được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh giới thiệu về lịch sử đường biên, cột mốc cho cán bộ, nhân dân địa phương. Ảnh: Hương Hồng Thu

"Được phong tặng danh hiệu Anh hùng, tôi càng phải ra sức nỗ lực phấn đấu, công tác, tham gia chống cuộc chiến tranh phá hoại mọi mặt của địch trên tuyến biên giới. Tháng 12/1981, tôi được trên cử đi đào tạo ở Trường Quân chính Quân khu 1. Sau một năm học tập, cuối năm 1982, tốt nghiệp, tôi được phong quân hàm Thiếu úy, điều động về đảm nhiệm cương vị Trợ lý tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị, CANDVT tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, tôi được bổ nhiệm Phó Đại đội trưởng về chính trị Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn CANDVT tỉnh Lạng Sơn. Tháng 8/1988, tôi tiếp tục được cử đi đào tạo ở Trường Trung cao Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Tháng 9/1989, tốt nghiệp ra trường, tôi được thăng quân hàm Đại úy, được phân công trở lại BĐBP Lạng Sơn, được bổ nhiệm Phó Đồn trưởng về chính trị Đồn Biên phòng Tân Minh (Đồn Biên phòng Bình Nghi, BĐBP Lạng Sơn ngày nay)..." - Anh hùng Nông Văn Phiao tiếp tục câu chuyện.

Trong thời điểm tình hình biên giới còn nhiều phức tạp, Phó Đồn trưởng Nông Văn Phiao cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tích cực nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý tốt các tình huống xảy ra; tuyên tuyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn biên giới. Tháng 10/1990, Đại úy Phiao được trên tin tưởng, giao nhiệm vụ Phó Đồn trưởng về chính trị Đồn Biên phòng Tân Thanh (BĐBP Lạng Sơn).

Nhận nhiệm vụ, Anh hùng Phiao không quản ngày đêm bám địa bàn, cùng tập thể đơn vị tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng các mô hình bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự, chống xâm canh, buôn lậu, vượt biên trái phép; tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa bàn vững mạnh... Sau hơn một năm công tác, Đồn Biên phòng Tân Thanh trở thành đơn vị điển hình tiên tiến và đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Phó Đồn trưởng về chính trị, Bí thư Chi bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh, Anh hùng Nông Văn Phiao.

Tháng 3/2022, tôi gặp Thiếu tá Đào Công Ngọc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh. Anh cho biết: "Cán bộ, chiến sĩ của đồn rất tự hào vì có thời gian Anh hùng Phiao công tác ở đây. Hiện nay, những mô hình, kinh nghiệm công tác chuyên môn nghiệp vụ, dân vận, xây dựng thế trận lòng dân và tác phong làm việc của Anh hùng Phiao được cấp ủy, chỉ huy đồn vận dụng, tổ chức thực hiện sáng tạo, đơn vị luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ".

Sau khi thành công xây dựng điểm Đồn Biên phòng Tân Thanh, năm 1992, Thiếu tá Nông Văn Phiao tiếp tục được cử đi học tại Trường Trung cao Biên phòng. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, anh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Chính trị và đến năm 1996, giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn. Năm 1997, Anh hùng Phiao nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Rời quân ngũ về địa phương, song "chất lính" luôn thường trực ở Anh hùng, Đại tá Nông Văn Phiao. Ông tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân, nói chuyện truyền thống ở các cơ quan đoàn thể, nhà trường, góp phần giáo dục tình yêu Tổ quốc, bảo vệ biên giới, giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

"Hơn 30 năm công tác trong BĐBP, gắn bó nơi biên giới, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi luôn thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng và nỗi vất vả, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Cũng từ đó mà tôi luôn yêu mến và trân quý hình ảnh BĐBP, những người góp phần giữ bình yên biên giới, bảo vệ từng tấc đất thiêng thiêng liêng của Tổ quốc. Từ tình yêu đó, tôi luôn tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực truyền lửa cho thế hệ trẻ về tình yêu và niềm tự hào bảo vệ cương thổ quốc gia" - Anh hùng Nông Văn Phiao tâm sự.

Hương Hồng Thu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/truyen-lua-bao-ve-bien-cuong-to-quoc-post472944.html