Truyền kỳ về Trạng Cháy Nguyễn Quán Nho

Tiến sĩ Nguyễn Quán Nho (1638-1708), tên hiệu Giản Trai, tên thụy Ôn Nhã, là người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên (nay là thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Lá chuối làm vở, que củi làm bút

Sử sách ghi lại, Trạng Cháy Nguyễn Quán Nho mồ côi cha từ bé, nhà nghèo hai mẹ con sống lay lắt qua ngày bằng nghề mò cua, bắt ốc, đan thừng. Khi ông được 5, 6 tuổi đã biết đỡ đần mẹ trong việc nhà.

Có lần vào ngày đông tháng giá, trong nhà không còn hạt gạo, mẹ con không đi làm được, cậu bé Nguyễn Quán Nho liền sang nhà hàng xóm mượn nồi về nấu cơm nhưng kì thực là vét lại những hạt cơm cháy thừa dưới đáy nồi, nhờ đó hai mẹ con cầm cự qua cơn đói. Hàng xóm thấy lạ là khi Quán Nho trả nồi bao giờ nồi cũng sạch bong, họ dần hiểu chuyện, nhiều người khi cho mượn nồi cố tình để lại nhiều cơm cháy cho hai mẹ con.

Cái ăn đã thiếu thốn, sự học còn vất vả trăm bề. Chàng trai họ Nguyễn thấy bạn bè đi học cũng yêu thích muốn theo nhưng nhà nghèo không có tiền mua bút, sách. Lúc mẹ đi làm thuê cho nhà giàu cậu đi theo, áp tai vào vách nghe thầy giảng bài cho con chủ, lại lấy que củi vạch chữ lên nền đất. Nhờ sáng dạ, chăm chỉ, chẳng bao lâu Quán Nho đã thuộc mặt các con chữ. Để học được chữ, cậu dùng gai viết lên các khúc thân xương rồng. Xương rồng nhiều gai, lắm mủ lại cồng kềnh khi mang theo, chàng Nho tìm cách viết trên lá chuối đóng thành xếp, lá chuối héo, chữ cũng nhăn nheo. Thế là Quán Nho viết lên các tàu lá chuối tươi khắp vườn nhà, vườn chuối nhà cậu trở thành những cuốn sách sống động.

Đêm đến đèn dầu không có để thắp, Quán Nho học cách của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi lấy đom đóm bỏ vào vỏ trứng gà làm đèn. Dưới ngọn đèn của sự nghèo khó mà cần cù, cậu học trò nghèo sôi kinh nấu sử không thôi.

Vượt qua đói rét, khó khăn, khoa thi năm Đinh Mùi (1667) niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền Tông, cậu học trò lấy lá chuối làm vở, lấy que củi làm bút đã đỗ Đồng Tiến sĩ. Một tấm gương sáng về sự học đã thành danh. Ông đỗ đầu kì thi Đình năm Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị 5 (1667) đời vua Lê Huyền Tông.

Quan trạng vớt bèo

Cũng theo sử sách ghi lại, ngày tân khoa Nguyễn Quán Nho vinh quy bái tổ về làng, hàng tổng hàng huyện tấp nập kiệu cáng, cờ quạt rước xách ông. Lúc này mẹ Quán Nho biết con đã hiển vinh nhưng vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn, lý trưởng làng Vạn Hà mời bà về dự lễ rước quan trạng cùng dân, bà gạt đi mà rằng:

- Nó thi đỗ là việc của nó sao lại phải đón rước, tôi đang bận vớt bèo!

Quan nghè Nguyễn Quán Nho nghe kể lại vội vàng xuống khỏi võng điều, cởi áo gấm, phẩm phục, xắn quần chạy ra ao làng cầm gậy gom bèo lại vớt bèo cùng mẹ cho đến khi đầy rổ hai mẹ con mới về dự tiệc cùng làng. Về sau ca dao xứ Thanh có câu thành ngữ lưu truyền việc này: “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy” hay “ông Nghè vớt bèo”.

Người dân làng Vạn Hà cũng gọi Nguyễn Quán Nho là “Trạng Cháy”.

Sau khi làm lễ vinh quy bái tổ, Nguyễn Quán Nho làm quan ở Ninh Bình, công việc bận bịu ông không về thăm mẹ được nên gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ già chiếc áo lụa nhân dịp Tết, sai lính đem về. Mẹ ông giở ra thấy tấm áo cả đời khó nhọc bà chưa từng được mặc, nhưng bà tỏ ra không vui vì nghĩ đây là của bất chính, bà bảo “Bổng lộc của quan là dầu mỡ của dân hay sao”. Nói rồi bà đốt tấm áo, gói nắm tro gửi lại cho quan nghè. Mở gói quà chỉ còn nắm tro, Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ rằng làm quan phải sống thanh liêm, không được bòn rút đục khoét của dân lành. Suốt đời ông thực hiện đúng lời mẹ dặn.

Yêu dân như con

Bước vào chốn quan trường với đầy đủ bổng lộc, cuộc sống an nhàn, con đường quan lộ thuận lợi, ông lần lượt giữ nhiều vị trí, chức vụ, từ Phó đô ngự sử; Tả Thị lang Bộ Lại; Thượng thư Bộ binh; Thượng thư Bộ lại; Tri lục phiên (trông coi công việc của 6 phiên, 6 cơ quan tham vấn cho 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công ở triều đình nhà Lê). Khi giữ chức Tham Tụng (tương đương Tể tướng), ông được chúa Trịnh cho kiêm chức Tả hiến tư giảng.

Trong cuộc đời 40 năm làm quan, trải qua 4 đời vua Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông, Nguyễn Quán Nho luôn thể hiện là một vị quan thanh liêm, hết lòng phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước.

Tuy làm quan với chức cao vọng trọng, ông luôn sống giản dị, khoan dung, làm hết chức phận, một lòng phò vua, giúp chúa, chăm lo công việc, hết lòng yêu thương, gần gũi dân. Thường xuyên quan tâm đến công tác đê điều, phòng lụt bão, miễn giảm một số thuế khóa cho dân. Dưới sự quản lý, chăm lo của ông, mùa màng của nông dân quanh năm tươi tốt, nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Tiếng lành đồn xa, nhân dân khắp chốn truyền tụng nhau, đời thái bình lúc ấy đều do công lao to lớn của trạng “Cháy” Nguyễn Quán Nho người Vạn Hà.

Tài năng và đức độ của Nguyễn Quán Nho được thể hiện qua bức thư của Thái tử Trịnh Cương (sau là chúa An Đô Vương) gửi cho ông, khi đã nghỉ hưu tại quê nhà. Trong đó có viết: “Tôi gửi lời kính thăm thầy. Tôi thấy lòng thầy trung thành thâm cảm; trước là giúp bề trên, sau là yêu tôi mà thầy giữ lấy lẽ chính. Tôi đã được ân nghĩa, còn lâu, tôi chẳng quên đâu...” (Văn tài võ lược xứ Thanh - NXB Thanh Hóa 2017).

Ngày 12 tháng 10 năm Mậu Tý (1708) ông mất, dân quê ông khóc thương mãi không thôi “Chàng về Vạn Vạc chàng ơi. Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng”. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca ghi nhận người con quê Thanh này là “Bởi ai thiên hạ âu ca. Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi”. Về nơi Cửu tuyền ông được nhà Lê phong là Trung đẳng thần, đến thời Nguyễn gia phong là Cương ý rực bảo trung lương, thượng đẳng thần. Năm 1993 ông được Nhà nước ta công nhận là Danh nhân văn hóa cấp quốc gia.

Quán Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truyen-ky-ve-trang-chay-nguyen-quan-nho-post118804.html