Truyền 3 đơn vị khối hồng cầu và 2 đơn vị huyết tương giữ lại tử cung cho sản phụ

Sau khi sinh đôi 2 bé gái xinh xắn, chị Hương 28 tuổi, bị đờ tử cung sau mổ lấy thai, được chỉ định truyền máu và chuyển phẫu thuật cấp cứu cầm máu.

Đờ tử cung sau mổ lấy thai

Chị Hương ở TP Bắc Giang nhập viện "vượt cạn" lần đầu tiên ở tuần 38 của thai kỳ khi có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ, cổ tử cung lọt ngón tay.

Với chẩn đoán song thai ngôi thứ nhất ngôi ngược, sản phụ Hương được chỉ định mổ lấy thai và 02 bé gái song sinh nặng 2,8kg và 3,2kg đã được BS CKII Thân Thị Hoàn - Phó Trưởng Khoa Sản I, BV Sản Nhi Bắc Giang mổ lấy thai an toàn.

Tuy nhiên do tử cung mang thai đôi bị căng giãn quá mức nên sau khi mổ lấy thai, tử cung không co hồi được, máu từ buồng tử cung chảy ra.

BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang hỏi thăm sức khỏe của chị Hương và cặp song sinh mới chào đời

BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang hỏi thăm sức khỏe của chị Hương và cặp song sinh mới chào đời

Dù đã xử trí bằng thuốc tăng co tích cực và thắt 02 động mạch tử cung để cầm máu nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, máu từ trong buồng tử cung vẫn chảy ra nhiều, sản phụ da niêm mạc nhợt, mạch 110 lần/phút, huyết áp tụt còn 75/50mmHg.

Các bác sĩ đã hội chẩn chẩn đoán sản phụ Hương bị đờ tử cung sau mổ lấy thai, được chỉ định truyền máu và chuyển gây mê nội khí quản để phẫu thuật cấp cứu cầm máu.

Vì đây là lần sinh đầu của sản phụ, hơn nữa sản phụ Hương tuổi vẫn còn trẻ nếu phải cắt tử cung thì sản phụ không những mất khả năng sinh đẻ mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người phụ nữ vì vậy kíp phẫu thuật đã mời TTƯT. BS CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện vào phẫu thuật để bảo tồn tử cung cho sản phụ.

Trong phẫu thuật, BS Lê Công Tước đã thắt lại 02 động mạch tử cung, thắt hai nhánh tử cung của động mạch buồng trứng hai bên nhưng vẫn chưa cầm được máu, tiếp đó liền khâu 02 mũi B-Lynch để cầm máu và sau khi khâu thêm 02 mũi chỉ B-Lynch này máu mới ngừng chảy. Theo dõi sau 15 phút thì tử cung cầm máu hoàn toàn, sau đó kíp phẫu thuật đã khâu phục hồi cơ tử cung giúp bảo tồn tử cung thành công cho sản phụ Hương.

Sau phẫu thuật, sản phụ Hương cùng cặp song sinh mới chào đời được chuyển về Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện để đội ngũ y bác sỹ theo dõi và chăm sóc cho tới ngày xuất viện.

Đờ tử cung - biến chứng nguy hiểm sau đẻ, sau mổ

Đờ tử cung là biến chứng nguy hiểm đối với phụ nữ sau đẻ, sau mổ. Đờ tử cung xảy ra khi tử cung của người mẹ không thể co hồi lại sau khi sinh con, nguy cơ dẫn đến tai biến băng huyết sau sinh.

Theo thống kê, đờ tử cung chiếm 80% nguyên nhân gây băng huyết sau sinh và rất nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ. Đờ tử cung thường gặp ở những sản phụ có nguy cơ cao như: sinh đa thai (sinh đôi/sinh ba); thai to; đa ối; người mẹ có thể trạng yếu hoặc người mẹ đã từng sinh nở nhiều lần cấu tạo cơ tử cung kém. Tuy nhiên, đờ tử cung sau sinh cũng có thể xảy ra ở những sản phụ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào kể trên.

Nhờ áp dụng mũi khâu B-Lynch mà kíp phẫu thuật đã bảo tồn tử cung thành công cho sản phụ

Nhờ áp dụng mũi khâu B-Lynch mà kíp phẫu thuật đã bảo tồn tử cung thành công cho sản phụ

BS CKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang, cho biết: Đờ tử cung sau mổ không phải trường hợp hiếm gặp.

Sản phụ bị đờ tử cung sau mổ nếu đã được sử dụng các thuốc tăng co bóp tử cung tích cực mà không có hiệu quả thì phải thắt động mạch tử cung cầm máu (phương pháp này có hiệu quả với phần lớn sản phụ bị đờ tử cung sau sinh).

Tuy nhiên, nếu thắt động mạch tử cung mà vẫn không cầm được máu thì phải thắt tiếp hai nhánh tử cung của động mạch buồng trứng hai bên và mũi B-Lynch sẽ là giải pháp cuối cùng để có thể bảo tồn tử cung cho sản phụ.

Trong đa số trường hợp, nếu thắt động mạch tử cung mà vẫn không cầm được máu hoặc không thắt được động mạch tử cung thì thường phải cắt tử cung để không nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ; nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm, sinh lý của những sản phụ còn trẻ tuổi hoặc mới sinh con lần đầu.

Kỹ thuật khâu mũi B-Lynch là phương pháp rất hiệu quả và đặc biệt hữu ích không những giúp cầm máu tốt mà còn bảo tồn chức năng sinh sản cho người phụ nữ với tỷ lệ thành công từ 89% đến 100%.

Khả năng cầm máu có thể được đánh giá ngay sau khi tiến hành thủ thuật. Tuy nhiên, kỹ thuật khâu mũi B-Lynch không phải phẫu thuật viên nào cũng có thể thực hiện thành công. Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng và rất dày dặn kinh nghiệm để xử trí những ca bệnh phức tạp như thế này.

Hơn nữa, không phải mọi trường hợp đờ tử cung đều có thể dự phòng được. Tuy nhiên vì sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của bệnh nhân, các bác sỹ đã không vội cắt tử cung để cầm máu mà thực hiện các biện pháp thắt mạch máu và áp dụng mũi khâu B-Lynch để cố gắng bảo tồn tử cung cho bệnh nhân.

Với phụ nữ mang thai, đặc biệt là những thai phụ mang thai đôi, thai quá to hoặc từng có tiền sử băng huyết sau sinh nên đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại để được quản lý thai nghén một cách toàn diện nhất.

Hiền Chúc (BV Sản Nhi Bắc Giang)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truyen-3-don-vi-khoi-hong-cau-va-2-don-vi-huyet-tuong-giu-lai-tu-cung-cho-san-phu-169230209175428717.htm