'Truy tìm' nguyên nhân khiến bánh mì có nguy cơ gây ngộ độc

141 người ngộ độc sau ăn bánh mì Phượng (Hội An, Quảng Nam); 133 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Liên Hoa (Đà Lạt, Lâm Đồng); 1 người tử vong, 46 người nhập viện sau ăn bánh mì Khánh Trang (Đức Trọng, Lâm Đồng) - đó là một số vụ ngộ độc bánh mì điển hình.

1. Ngộ độc do ăn bánh mì Phượng (Hội An)

NỘI DUNG

1. Ngộ độc do ăn bánh mì Phượng (Hội An)

2. Một số vụ ngộ độc bánh mì điển hình

3. Những vi khuẩn có thể gây ngộ độc trong bánh mì

Bánh mì là món ăn đường phố hấp dẫn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới. Vì rất ngon miệng và tiện lợi nên các thương hiệu bánh mì và các quán bánh mì xuất hiện khắp những đường phố lớn đến các con ngõ nhỏ. Người ta có thể ăn bánh mì vào bất cứ các bữa ăn trong ngày.

Tuy nhiên, không phải cơ sở kinh doanh bánh mì nào cũng bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn, chế biến và bảo quản đúng cách, trong khi bánh mì cũng như mọi món ăn khác nếu chế biến và bảo quản sai cách thì đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì Phượng nổi tiếng ở Hội An khiến 141 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy... Rất may là không có trường hợp nào có biến chứng nặng.

Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm làm rõ nguyên nhân. Trong thời gian xác định nguyên nhân vụ việc, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ quán bánh mì tạm dừng việc kinh doanh để phục vụ công tác điều tra.

Bánh mì rất ngon miệng và tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nếu nguyên liệu kém chất lượng hoặc chế biến, bảo quản không đúng cách.

2. Một số vụ ngộ độc bánh mì điển hình

Trước đó, trong tháng 5/2023 tại TP. HCM, đã có 6 người bị ngộ độc botulinum phải nhập viện điều trị. Trong đó có 5 trường hợp phát bệnh sau khi ăn bánh mì với một loại chả lụa sản xuất tại một cơ sở ở TP. Thủ Đức.

Ngày 18 - 25/3/2022, ghi nhận 133 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Liên Hoa (Đà Lạt). Sau khi vụ việc xảy ra, Phòng y tế TP. Đà Lạt đã tạm đình chỉ hoạt động của 2 cơ sở bánh mì Liên Hoa trên đường Trần Phú và Phan Chu Trinh để khắc phục hậu quả. Sau đó, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với đại diện hộ kinh doanh tiệm bánh mì Liên Hoa tại số 165 đường Phan Chu Trinh, phường 9, TP. Đà Lạt.

Ngày 15/6/2016, nhiều người dân thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã mua và ăn bánh mì tại quán Khánh Trang, QL 20, xã Hiệp An. Sau đó, 1 người ngộ độc nặng đã tử vong và 46 người khác phải nhập viện cấp cứu sau khi có những triệu chứng như đau bụng đi ngoài, chóng mặt, nôn ói, hạ huyết áp,… được người nhà chuyển tới các cơ sở y tế cấp cứu.

3. Những vi khuẩn có thể gây ngộ độc trong bánh mì

Các loại bánh mì kèm nhân bán trên thị trường thường có lớp vỏ ngoài giòn, ruột bên trong mềm và nhiều phần nhân khác nhau tùy theo khẩu vị vùng miền hoặc thực đơn của người bán. Về cơ bản, loại nhân bánh mì truyền thống thường có: thịt, chả, patê, dăm bông, xúc xích, lạp xưởng, rau thơm, rau sống, tương ớt, nước sốt…

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa

Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể tồn tại trong thực phẩm. Tất cả các thực phẩm tươi sống mà nguyên liệu và cách chế biến không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn đều có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc.

Các trường hợp ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỷ lệ cao do thực phẩm nhiễm các vi khuẩn như: Salmonella, E.coli, Escherichiacoli, Listeria, Campylobacter, Bacillus cereus, Vibrio, Clostridium botulinum…

Người bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải… Ngộ độc nặng có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, những thực phẩm có thể gây ngộ độc bao gồm:

- Thực phẩm sống và nấu chưa chín từ động vật, bao gồm thịt như thịt bò, thịt bò xay, thịt lợn, thịt gà; trứng, cá, các sản phẩm làm từ sữa và hải sản; rau sống, trái cây, ngũ cốc, bột mì...

- Một số vi khuẩn thường thấy trong thịt bao gồm Salmonella, E.coli, Yersinia, Campylobacter, Clostridium perfringens, Clostridium botulinum…

- Trứng có thể chứa vi khuẩn Salmonella ngay cả khi trứng trông sạch và không bị nứt.

- Rau sống và trái cây: Đôi khi rau sống và trái cây có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli và Listeria.

- Các sản phẩm làm từ sữa tươi, bao gồm các loại phô mai mềm, kem có thể chứa các vi khuẩn có hại như: Salmonella, Campylobacter, Cryptosporidium, E.coli, Listeria và Brucella.

- Rau diếp và các loại rau lá xanh khác có thể bị nhiễm các vi khuẩn như: Salmonella, E.coli, Listeria, Cyclospora… Nếu ăn các loại rau lá xanh bị ô nhiễm mà không nấu chín như trong món salad hoặc bánh mì kẹp thịt, sandwich rất dễ bị nhiễm bệnh.

Vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản không đúng cách, không nấu chín kỹ, bàn tay nhiễm khuẩn chạm vào thức ăn, lây nhiễm chéo hoặc thực phẩm quá hạn sử dụng...

Do đó, người chế biến và các cơ sở sản xuất thực phẩm cần đảm bảo nguyên tắc an toàn từ khâu chọn nguyên liệu, điều kiện chế biến, quy trình chế biến và bảo quản để phòng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc.

Khi mua bánh mì hay các thực phẩm chế biến sẵn khác, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm được sản xuất tại cơ sở uy tín, được kiểm tra chứng nhận, giám sát về an toàn thực phẩm.

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truy-tim-nguyen-nhan-khien-banh-mi-co-nguy-co-gay-ngo-doc-169230915161843857.htm