Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học về Phòng, chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' của sĩ quan cấp phân đội

Chiều 18-10, tại Hà Nội, Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Phòng, chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng, PGS, TS Kim Ngọc Đại, Phó hiệu trưởng Nhà trường dự, chỉ đạo hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo nhấn mạnh, sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong đội ngũ sĩ quan Quân đội và trực tiếp tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở các phân đội trong toàn quân, trực tiếp triển khai và thi hành mệnh lệnh của cấp trên đến cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Để sĩ quan cấp phân đội hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, đòi hỏi các đơn vị phải chủ động, tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo đảm sĩ quan cấp phân đội luôn kiên định về chính trị tư tưởng; luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh hội thảo.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, xuyên tạc truyền thống Quân đội và hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; khoét sâu vào những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ; trong đó có đội ngũ sĩ quan cấp phân đội. Do vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là đòi hỏi nảy sinh từ thực tiễn, mà còn là vấn đề mang tính cơ bản, lâu dài ở góc độ nghiên cứu lý luận.

Hội thảo đã nhận được hơn 90 bài tham luận của cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học. Ban tổ chức hội thảo lựa chọn hơn 50 bài có chất lượng tốt đăng trong kỷ yếu hội thảo. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung luận giải, làm rõ những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn; thực chất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, dự báo những nhân tố tác động. Bên cạnh đó, nhiều tham luận đã xác định được đặc điểm, yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong của sĩ quan cấp phân đội; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Thiếu tướng, PGS, TS Kim Ngọc Đại phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Kim Ngọc Đại đề nghị, Ban tổ chức tổng hợp đầy đủ các luận cứ khoa học, phương pháp tiếp cận các nội dung, biện pháp mới, kiến nghị Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng: Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Trung tướng PGS. TS Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị làm chủ nhiệm, tiếp tục, bổ sung, phát triển và hoàn thiện bản thảo. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của nhà trường và công tác đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội trong tình hình mới.

Kết quả của hội thảo tiếp tục làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận, thực tiễn về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam; cung cấp những luận cứ khoa học để Trường Sĩ quan Chính trị nghiên cứu, vận dụng vào quản lý, giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên và công tác đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Nhà trường sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ sĩ quan cấp phân đội thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực “tự đề kháng” trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tin, ảnh: ĐẶNG XUÂN KHU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/truong-si-quan-chinh-tri-to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-ve-phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-cua-si-quan-cap-phan-doi-747651