Trường lớp chật hẹp, khó nâng chuẩn

Hiện nay, nhiều trường học ở các bậc học trên địa bàn tỉnh có diện tích nhỏ, không đủ để mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng chuẩn quốc gia từ mức độ 1 lên mức độ 2.

Không có nhà đa năng, thiếu sân chơi, bãi tập
Những năm qua, ngành Giáo dục Bắc Giang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG), tạo đà nâng chất lượng giáo dục. Đến nay, tỷ lệ trường CQG mức độ 1 toàn tỉnh đạt hơn 94,9%, cao hơn bình quân chung cả nước. Toàn ngành đang nỗ lực xây dựng trường CQG mức độ 2 nhưng thực tế đang gặp khó khăn do nhiều cơ sở giáo dục có diện tích chật hẹp, khó nâng chuẩn.

Phòng học của Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) chật hẹp, chưa đạt tiêu chuẩn 60m2/phòng.

Trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) có diện tích nhỏ nhất bậc THPT với hơn 8,9 nghìn m2 và là trường THPT duy nhất của tỉnh chưa có nhà đa năng và sân tập thể dục thể thao, gây khó khăn cho việc dạy và học giáo dục thể chất, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm.

Thầy giáo Hoàng Văn Thục, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục của trường chưa đáp ứng yêu cầu quy mô học sinh hiện tại và không thể đáp ứng quy mô phát triển nhà trường trong thời gian tới. Nhà trường hiện có 33 lớp với 1.489 học sinh, trung bình hơn 45 học sinh/ lớp, vượt quá so với tiêu chuẩn (quy định 40 học sinh/lớp bậc THPT). Thiếu phòng học, sân chơi, bãi tập nhưng do chật chội, trường không còn quỹ đất để xây dựng thêm. Theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhà trường phải có quy mô 45 lớp với 2.025 học sinh mới có thể đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh trên địa bàn TP Bắc Giang”.

Theo rà soát của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS, nhất là ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa có diện tích nhỏ, không đủ quỹ đất để xây dựng thêm phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng, sân tập thể thao, dồn dịch điểm trường lẻ về điểm trường chính, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Đa số các trường tiểu học và THCS không có nhà đa năng, sân tập thể dục thể thao riêng biệt (168/220 trường tiểu học và 166/231 trường THCS không có nhà đa năng).

Ông Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện chưa bảo đảm quy định 10 m2/1 học sinh theo chuẩn. Do các trường xây dựng đã lâu năm, chưa theo quy hoạch. Đặc biệt, ở một số xã do địa hình bị chia cắt bởi đồi núi nên việc bố trí mặt bằng để xây dựng, mở rộng trường, lớp gặp khó khăn”.

Toàn tỉnh có 402 phòng học bậc THPT có diện tích nhỏ hơn 52 m2, trong khi quy định hiện nay một phòng học diện tích tối thiểu 60 m2.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do những năm gần đây, số lượng học sinh toàn tỉnh liên tục tăng, trung bình năm sau cao hơn năm trước từ 11-13 nghìn em, dẫn đến một số trường chưa đủ phòng học, phải tận dụng phòng chức năng để học. Không ít phòng học, phòng bộ môn xây dựng từ nhiều năm trước, diện tích quá nhỏ, công năng không phù hợp với hiện tại. Đặc biệt, khối THPT có 402 phòng có diện tích nhỏ hơn 52 m2, trong khi quy định hiện nay một phòng học diện tích tối thiểu 60 m2. Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) có 10 phòng học xây dựng từ năm 1963, Trường THPT Yên Dũng số 1 có 12 phòng học xây dựng từ năm 1987, Trường THPT Lạng Giang số 1 có 18 phòng học xây dựng từ năm 1993.

Ở những trường có diện tích hẹp, thiếu nhà đa năng, sân thể dục thể thao dẫn đến chất lượng môn giáo dục thể chất, hoạt động giáo dục trải nghiệm còn hạn chế, không triển khai được các giờ tập luyện: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông khi không có sân tập riêng biệt. Đối với những trường thiếu phòng học, diện tích phòng học không đúng quy chuẩn 60 m2/phòng, trong khi sĩ số học sinh lại vượt quá quy định khiến các em phải ngồi học trong không gian chật chội; việc bao quát, kiểm soát học sinh của giáo viên trên lớp bị hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Xây mới, mở rộng trường, lớp

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh Bắc Giang đang tập trung phát triển mạng lưới trường, lớp học, đặc biệt thu hút các nguồn lực xây mới, mở rộng các trường xung quanh khu công nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng hiện đại, đồng bộ, chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chí trường CQG mức độ 2. Gần đây, UBND thị xã Việt Yên được đánh giá là đơn vị quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường học hiện đại nhất theo hướng trọng điểm cho từng cơ sở giáo dục.

Giai đoạn từ năm 2021-2025, UBND thị xã đã giải phóng mặt bằng, mở rộng diện tích, xây mới nhiều trường như: Trường THCS Hồng Thái được đầu tư xây dựng hiện đại trên khu đất mới với tổng diện tích 190 nghìn m2. Để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh tăng hằng năm, mới đây, UBND phường Nếnh đã giải phóng mặt bằng, mở rộng khuôn viên Trường Tiểu học Nếnh. Kinh nghiệm của huyện Việt Yên là bám sát quy hoạch thị xã để đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, dự báo mức gia tăng quy mô học sinh trong những năm tiếp theo để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Hiện nay, toàn tỉnh mới có 26,5% trường học đạt CQG mức độ 2. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến hết năm 2024 có 95,3% trường đạt CQG mức độ 1 và hơn 27% trường đạt CQG mức độ 2. Đối với những trường chật hẹp, không còn quỹ đất để bổ sung phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập thì việc giữ vững các tiêu chí để sau 5 năm được công nhận lại CQG mức độ 1 đã khó, việc được nâng chuẩn từ mức độ 1 lên mức độ 2 càng khó hơn.

Để giải quyết những khó khăn này, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát mạng lưới trường, lớp, đánh giá nhu cầu mở rộng quy mô trường học, nhất là những khu vực gia tăng dân số cơ học để có phương án phù hợp. Trong đó, yêu cầu Sở GD&ĐT chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển GD&ĐT hằng năm phù hợp với quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Đối với cơ sở giáo dục chưa bảo đảm diện tích, Sở sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch rà soát quỹ đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng hoặc chuyển địa điểm. Đồng thời, chú trọng huy động các nguồn lực, bố trí nguồn vốn, kêu gọi đầu tư theo hướng trọng điểm để xây dựng trường, lớp hiện đại, chuẩn hóa. Trong đó đẩy mạnh các nguồn lực xã hội hóa, tuyên truyền vận động nhân dân đồng lòng ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng, tự nguyện hiến đất, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục”.

Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế ưu đãi đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các dự án phát triển giáo dục ngoài công lập để giảm áp lực cho hệ thống công lập. Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chủ trương và ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học cho một số huyện khó khăn về nguồn thu ngân sách như: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa.

Bài, ảnh: Duy Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/truong-lop-chat-hep-kho-nang-chuan-075224.bbg