Trường hợp tạm dừng gia hạn đất nông nghiệp vượt hạn mức: Chờ cấp trên hướng dẫn

Vừa qua, ông Đinh Tấn Đạt (tổ dân phố Mỹ Lệ, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) có đơn gửi Báo Khánh Hòa phản ánh, đất nông nghiệp của gia đình ông đã hết hạn, nhưng thị xã Ninh Hòa đã không gia hạn với lý do đất nông nghiệp vượt hạn mức. Theo ông Đạt, việc này không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Không được gia hạn do vượt hạn mức

Dẫn chúng tôi tới thửa đất nông nghiệp chưa được gia hạn tại thôn Tân Sơn (xã Ninh Xuân, Ninh Hòa), ông Đạt cho biết, năm 2007, vợ chồng ông có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, được UBND huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27-3-2007 đối với 2 thửa đất trồng cây hàng năm, gồm: Thửa đất số 34 và thửa đất số 113 (tờ bản đồ số 68, thôn Tân Sơn, xã Ninh Xuân), có tổng diện tích 42.484m2. Sau khi quyền sử dụng 2 thửa đất lần lượt hết hạn vào năm 2008 và 2018, ông xin gia hạn để tiếp tục sử dụng đất thì chỉ được gia hạn thửa đất số 34, với diện tích 6.784m2 và một phần thửa đất số 113.

Thửa đất ông Đinh Tấn Đạt kiến nghị được gia hạn.

Thửa đất ông Đinh Tấn Đạt kiến nghị được gia hạn.

Vừa qua, ông nộp hồ sơ tại UBND xã Ninh Xuân xin gia hạn phần còn lại của thửa đất số 113, có diện tích 35.700m2. Tuy nhiên, địa phương cho rằng, diện tích đất này vượt hạn mức đất nông nghiệp (theo quy định tại Luật Đất đai 2013, hạn mức Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân không vượt quá 2ha). Do đó, UBND xã đã tạm dừng giải quyết hồ sơ. Điều này là thực hiện theo Thông báo số 54 ngày 6-3-2023 của UBND thị xã Ninh Hòa: “Liên quan đến vướng mắc trong việc thực hiện gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức của hộ gia đình, cá nhân… đề nghị các xã, phường tạm dừng tính thời gian thực hiện đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị xã”.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, đất của gia đình ông không phải đất “Nhà nước giao” mà là đất “nhận chuyển quyền”. Ông viện dẫn, theo khoản 3, Điều 210, Luật Đất đai 2013: "Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất..."; Điều 44, Nghị định số 43 ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền, mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2007 thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền”. "Căn cứ các quy định này, việc UBND thị xã Ninh Hòa ra thông báo tạm dừng tính thời gian thực hiện đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân là không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi", ông Đạt kiến nghị.

Luật và nghị định hướng dẫn thi hành chưa thống nhất

Làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, ông Đinh Tấn Đạt cho rằng đất của gia đình ông là đất “nhận chuyển quyền” không thuộc trường hợp đất “Nhà nước giao”. Tuy nhiên, theo quan điểm của thị xã, dù là đất ông Đạt nhận chuyển quyền song nguồn gốc đất trước khi chuyển quyền vẫn là đất “Nhà nước giao”, nên có thể áp dụng theo quy định tại khoản 8, Điều 210, Luật Đất đai 2013: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng diện tích đất nông nghiệp được giao vượt hạn mức trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì phải chuyển sang thuê đất theo quy định của luật này”. Ông Đạt cho rằng, đất của gia đình ông áp dụng theo khoản 3, Điều 210, Luật Đất đai 2013 là đất “nhận chuyển quyền” là chưa đúng; vì trường hợp ông Đạt là “đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức”, chưa có quy định rõ trong Luật Đất đai. Trong khi “đất nhận chuyển quyền vượt hạn mức” Luật Đất đai chưa quy định rõ ràng, thì tại Điều 44, Nghị định số 43 hướng dẫn thi hành lại quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền, mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2007 thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền”. Nghị định số 43 có hiệu lực pháp lý thấp hơn Luật Đất đai, do đó UBND thị xã Ninh Hòa chưa thể áp dụng thi hành Nghị định số 43 trong khi Luật Đất đai chưa quy định rõ.

Mặt khác, bà Hải cho biết: “Theo Luật Đất đai 2013, đối với hạn mức “Nhà nước giao đất” nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là không vượt quá 2ha; nhưng khi áp dụng Nghị định số 43, nếu đất nông nghiệp “chuyển quyền” thì hạn mức nhận chuyển quyền tăng lên 20ha. Từ đó, trên thực tế sẽ có những trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp vượt quá hạn mức (khi hết hạn nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phải thuê lại đất Nhà nước) sẽ tìm cách lách luật. Chẳng hạn, trước khi sắp hết hạn, các trường hợp này chuyển quyền cho một người khác, cấp sổ đỏ mới, nếu áp dụng theo Nghị định số 43 thì hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp được tăng trong khoảng từ 2ha lên 20ha. Điều này vô tình đã hợp thức hóa cho phần diện tích vượt hạn mức được tiếp tục gia hạn lại từ đầu, mà không phải thuê đất, gây thất thoát ngân sách nhà nước”.

Vì vậy, đối với trường hợp của ông Đạt, UBND thị xã Ninh Hòa đã báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Trong thời gian xin ý kiến chỉ đạo, ông Đạt vẫn được trực tiếp sản xuất trên phần diện tích đất vượt hạn mức. Được biết, ngày 30-6, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xem xét kiến nghị của UBND thị xã Ninh Hòa để có văn bản hướng dẫn, trả lời thị xã nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc (nếu có) và kết quả thực hiện trước ngày 31-7.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202307/truong-hoptam-dung-gia-han-dat-nong-nghiep-vuot-han-muccho-cap-tren-huong-dan-1b1386a/