Trường học hạnh phúc - mơ ước có xa vời?

Hạnh phúc là niềm vui của HS khi đón nhận thành quả học tập mỗi năm mỗi kỳ, của cha, mẹ chứng kiến con mình đang dần khôn lớn, trưởng thành, nó không đến từ mô hình, cũng không ai chạy theo mô hình để có hạnh phúc.

Những năm gần đây, mô hình “Trường học hạnh phúc” (lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO) đang trở thành chủ đề hội thảo của các nhà quản lý, chuyên môn ngành giáo dục, thành dự án, mục tiêu hướng đến của nhiều trường học trên cả nước, thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội.

Với phần đông chúng ta, “hạnh phúc” là khái niệm không hề xa lạ dù định nghĩa về nó ở mỗi người có thể rất khác nhau. Nhưng “Trường học hạnh phúc” lại là điều khá mới mẻ so với sự học đã có cả ngàn đời nay. Ai cũng biết đến trường là để học chữ, để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức. Và con đường ấy rất dài, mất ít nhất hơn 20 năm đầu đời để hoàn thiện. Vượt qua con đường dài tít tắp và đầy chông gai ấy, còn gì tuyệt vời hơn là cảm giác được sống, được học tập trong “Trường học hạnh phúc”. Nên khi mô hình được khởi xướng, nó nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ cộng đồng xã hội.

Từ góc độ một nhà giáo và là một phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường, tôi ủng hộ mô hình “Trường học hạnh phúc” và thiết tha mong mỏi điều đó thành hiện thực.

Nhưng dù lòng mong mỏi thiết tha đến thế nào, dù lạc quan, tích cực đến đâu, chúng ta cũng khó có thể tin rằng hạnh phúc đã, đang hay sẽ tồn tại dưới các mái trường, ở chừng ấy đối tượng, trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang có nhiều biến đổi phức tạp như hiện nay.

Một là, áp lực quá nặng đang đè lên vai của thầy và trò. Áp lực bắt kịp đổi mới chương trình/sách giáo khoa, áp lực hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao, áp lực đạt chỉ tiêu, đạt thành tích, áp lực đáp ứng kỳ vọng của xã hội... Áp lực đôi khi là nguồn cơn của những “cơn lũ cảm xúc” khiến phát sinh nguy cơ bạo lực học đường nếu người ta không thấu hiểu nhau mà còn mất kiểm soát.

Hai là, vấn đề đồng lương của người dạy và điều kiện kinh tế gia đình của người học chưa đủ khiến họ toàn tâm toàn ý với công việc, trách nhiệm của mình. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, số giáo viên (GV) nghỉ việc trong năm học 2021-2022 là 16.265 người, năm học 2022-2023 là 9.295 người, đủ thấy sự khủng hoảng thu nhập của GV khiến họ phải rời bỏ vị trí việc làm của mình nhiều đến mức nào, dù họ đã phải tốn kém chi phí đào tạo và chật vật theo đuổi nghề bao nhiêu năm. Nhiều học sinh (HS) ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bỏ học giữa chừng để lên nương lên rẫy hoặc đi kiếm việc làm dù tuổi còn rất nhỏ. Khi con đường đến trường xa hơn con đường lên nương lên rẫy, dài hơn con đường cơm áo thì trường học dẫu có hạnh phúc cũng không là đích đến của HS. Dẫu chua chát, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng khi gánh nặng cơm áo còn ghì sát đất thì tìm đâu ra hạnh phúc cho GV trong mỗi buổi đến trường?

Ba là, điều kiện học tập và giảng dạy cho GV và HS. Ngoại trừ những trường học ở các TP lớn - đầy đủ trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học, còn các trường học nơi thôn bản, trên những sườn non cao, nơi đỉnh đèo heo hút, nơi các GV cắm bản phải trèo đèo, lội suối mới đến được điểm trường thì từ phòng học đến bàn ghế, bảng viết đều rất sơ sài, tạm bợ. Với những GV và HS nơi này, có một lớp học khang trang, có bàn ghế, sách vở đầy đủ, có áo ấm mặc mỗi mùa đông, có dép đi trong chân những ngày mưa lũ, có cô có trò trong mỗi ngày lên lớp là hạnh phúc lắm rồi.

Chưa kể trường học trở thành nỗi ám ảnh với nhiều HS khi nhà vệ sinh không sạch sẽ, không kín đáo, không đáp ứng được nhu cầu, buộc các em phải “nhịn” suốt buổi hoặc phải chạy ra quán cà phê, chạy về nhà để… “giải quyết”. Có những điều tưởng nhỏ, phụ nhưng lại quyết định niềm vui của HS trong mỗi buổi đến trường. Có bao nhiêu trường học hiện nay đáp ứng được niềm vui nhỏ nhoi ấy của các em HS?

Nói như vậy không có nghĩa là người dạy, người học không có hạnh phúc trong hành trình lao động, học tập của mình. Có điều hạnh phúc ấy là cảm giác, đôi khi chỉ là khoảnh khắc nhận ra quanh mình có sự thấu hiểu, đồng cảm của học trò, của đồng nghiệp, từ đó biết chấp nhận, biết vượt qua khó khăn khắc nghiệt của nghề để sống đúng với lương tâm, đạo đức của người thầy chân chính. Hạnh phúc ấy là niềm vui của HS khi đón nhận thành quả học tập mỗi năm mỗi kỳ, là niềm vui của người cha, người mẹ chứng kiến con mình đang dần khôn lớn, trưởng thành. Hạnh phúc không đến từ mô hình, cũng không ai chạy theo mô hình để có hạnh phúc.

Mọi triết lý giáo dục đều ra đời từ thực tiễn và lại quay về cải tạo thực tiễn. Mô hình “Trường học hạnh phúc” ra đời là một thông điệp, quyết tâm lớn của ngành giáo dục, truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi mà xã hội, đất nước đang đặt ra. Tuy nhiên, khi những tồn tại, vướng mắc căn bản chưa được giải quyết thì “Trường học hạnh phúc” cũng chỉ là mô hình, là sự đơn giản hóa hiện thực mà thôi.

Cô HÀ HOÀI PHƯƠNG, GV Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-hoc-hanh-phuc-mo-uoc-co-xa-voi-post749924.html