Trường học bắt tay doanh nghiệp – chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo

Việc hợp tác, bắt tay giữa doanh nghiệp và trường đại học được xem là chìa khóa để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường học bắt tay doanh nghiệp – chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo.

Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp

Những năm gần đây, vấn đề liên kết, hợp tác giữa trường đại học và các doanh nghiệp trong, ngoài nước ngày càng được coi trọng. Đến thời điểm hiện tại, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) đã kết nối mạng lưới với hơn 300 doanh nghiệp nhằm tạo môi trường tiếp cận phù hợp nhất cho người học theo từng chuyên ngành.

Cụ thể, nhà trường tập trung hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn như: Công ty SamSung; Công ty cổ phần Cmedia; Công ty TNHH USOL Việt Nam; Công ty TNHH phần mềm FPT software; VNPT Thái Nguyên; Công ty cổ phần dịch vụ và phát triển Công nghệ AHT; Công ty TNHH Dịch vụ phát triển công nghệ EXP; Công ty TNHH phần mềm FPT software; VNPT Thái Nguyên; Công Ty cổ phần quốc tế đầu tư và thương mại H3T; Công ty TNHH Smart Home Thái Nguyên; Công ty cổ phần HUNONIC Việt Nam; Tập đoàn KHKT Hồng Hải…

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết: Để xây dựng mối liên kết này, nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó trọng tâm phối hợp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên được tiếp cận với thực tế và nắm bắt cơ hội việc làm.

Trong đó, nhà trường ưu tiên hợp tác với các nhóm doanh nghiệp đồng hành cùng trường để xây dựng cơ sở vật chất, cấp học bổng, đào tạo các khóa học miễn phí cho sinh viên. Hợp tác hỗ trợ người học, trả học phí cho sinh viên, cung cấp các khóa đào tạo cũng như tuyển dụng nhân sự…

Ngoài ra, nhà trường cũng chủ động lấy ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về chương trình đào tạo cũng như chất lượng làm việc của sinh viên để kịp thời điều chỉnh phương hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu ngày càng nâng cao từ phía nhà tuyển dụng.

“Trường Đại học Công Nghệ thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên những kỹ năng mà họ cần. Sự chủ động của nhà trường đóng vai trò quyết định trong việc đạt được thỏa thuận hợp tác và liên kết với doanh nghiệp”. PGS.TS Phùng Trung Nghĩa khẳng định.

Sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông thực tập tốt nghiệp tại Trung Quốc

Sinh viên hưởng lợi từ việc kết nối “hai nhà”

Nhờ sự linh hoạt trong xây dựng các mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” đã giúp nhà trường hiểu đúng, hiểu đủ nhu cầu của doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng và thị trường lao động. Qua đó, giúp sinh viên có thêm môi trường thực hành, thực tập và có việc làm phù hợp ngay cả khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Sau nhiều năm triển khai mô hình hợp tác giữa “hai nhà”, chất lượng đầu ra của sinh viên cải thiện rõ rệt. Hiện tại, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có việc làm, nhiều em khi đạt được thành công trong công việc quay lại chia sẻ với lớp sinh viên tiếp theo. Việc kết hợp chặt chẽ sẽ giúp nhà trường kịp thời cập nhật, thay đổi để sinh viên đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, của nhà tuyển dụng. Được thực hành nhiều, sinh viên cảm thấy hứng thú và chủ động hơn trong công việc.” ThS Bùi Anh Tú, Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Phạm Hoàng Kim, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, khóa 17 trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết: Em đã thực tập với vai trò kỹ sư lập trình tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động SamSung Việt Nam – SVMC có địa chỉ tại Hà Nội.

Đây là một tập đoàn lớn, môi trường rất chuyên nghiệp, trong quá trình thực tập, em được các anh, chị hướng dẫn, chỉ bảo rất tận tình, cùng với kiến thức và kỹ năng đã được học tại giảng đường giúp em nhanh chóng làm quen và bắt nhịp với công việc.

Em cảm thấy may mắn vì vừa thực tập vừa có thêm thu nhập từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng, với khoản thu nhập này giúp em chi trả nhiều chi phí, đồng thời chúng em cũng có thêm động lực trong công việc. Quá trình thực tập diễn ra trong 2 tháng và ngay khi kết thúc thời gian này em đã được nhận và trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp.

Như vậy, việc tăng cường phối hợp, liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên vừa có đủ kiến thức về lý thuyết tại trường và tạo điều kiện làm quen và học hỏi, thực hành tại môi trường doanh nghiệp. Qua đó, đã đem lại lợi ích tối đa cho cả nhà trường, doanh nghiệp và đặc biệt là sinh viên.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-bat-tay-doanh-nghiep-chia-khoa-nang-cao-chat-luong-dao-tao-post629424.html