Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo Dược Lâm sàng gắn chặt với yêu cầu tuyển dụng

Điểm khác biệt trong chương trình đào tạo cử nhân của Khoa là giữ ổn định chuyên ngành Dược Lâm sàng, tập trung đào tạo gắn liền yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khoa Dược - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một trong những khoa chủ chốt thuộc khối ngành sức khỏe của nhà trường. Hiện, Khoa đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Đặc biệt, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là đơn vị trường ngoài công lập đầu tiên của cả nước đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Kiểm nghiệm thuốc và độc chất (từ năm 2022).

Được biết, hiện 1 trong 3 chuyên ngành của Khoa là đào tạo Dược sĩ trình độ đại học chuyên ngành Dược Lâm sàng.

Chia sẻ với phóng viên, Dược sĩ Phạm Nguyệt Phú Thảo - cựu sinh viên (Khóa 2017) chuyên ngành Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện đang công tác tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, từ những kiến thức ở các học phần thuộc lĩnh vực Dược Lâm sàng đã giúp tôi áp dụng hiệu quả vào thực tiễn ngành nghề và tiếp cận công việc một cách khoa học (hướng dẫn và tư vấn sử dụng thuốc trong điều trị, chăm sóc dược cho bệnh nhân).

Dược sĩ Phạm Nguyệt Phú Thảo - cựu sinh viên (Khóa 2017) chuyên ngành Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)

"Trong chương trình học, tôi được học thực tế từ sớm. Điều này giúp tôi thích nghi với môi trường làm việc một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Bằng việc thực hiện khóa luận tốt nghiệp liên quan đến Dược Lâm sàng đã giúp cho tôi thêm vững vàng kiến thức, kỹ năng trong quá trình công tác để đảm bảo công việc ổn định, thêm yêu thích ngành Dược. Mức thu nhập hiện tại của tôi khoảng 8-9 triệu đồng/tháng", chị Thảo chia sẻ.

Tiếp cận ở góc độ đơn vị tuyển dụng nhân lực Dược sĩ, Tiến sĩ, Dược sĩ Phạm Hồng Thắm - Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ, hiện nay, theo Nghị định số 131/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, số lượng Dược Lâm sàng tối thiểu đã được quy định tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tùy từng đơn vị sẽ có những tiêu chuẩn tuyển dụng riêng. Tuy nhiên, có các tiêu chuẩn chung trong tuyển dụng liên quan đến Dược Lâm sàng như: tối thiểu là dược sĩ trình độ đại học; biết và có khả năng thực hiện nhiệm vụ của Dược sĩ Lâm sàng; ưu tiên thạc sĩ, hoặc có tham dự các chương trình CME (tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận) về sử dụng thuốc, Dược Lâm sàng; có kỹ năng ngoại ngữ, vi tính,...

Tiến sĩ, Dược sĩ Phạm Hồng Thắm - Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Ảnh: NTCC)

Theo cô Thắm, tùy từng doanh nghiệp, Dược sĩ sẽ hưởng mức lương tương ứng. Đơn cử, ở các bệnh viện công lập, cơ sở khám chữa bệnh thuộc nhà nước, mức lương được tính theo ngạch bậc và thu nhập tăng thêm. Còn nếu làm việc tại các nhà thuốc, mức lương của Dược sĩ có thể dao động từ 7-12 triệu đồng/tháng (mức thu nhập này cũng tùy vào trách nhiệm của người lao động).

Được biết, em Võ Hoàng Lệ Giang hiện là sinh viên Khóa 2019, chuyên ngành Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Chia sẻ với phóng viên khi học chuyên ngành này, Giang nói, kiến thức chuyên ngành khá nhiều nên sinh viên cần có sự chăm chỉ, và khả năng tự học mới có thể dung nạp kiến thức, tư duy hệ thống.

"Dược Lâm sàng tương đối khó hơn những chuyên ngành khác vì kiến thức nhiều, đòi hỏi phải chính xác và luôn cập nhật liên tục. Trong quá trình học, em được giảng viên dạy kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng chuyên môn thực hành (như phân tích đơn, việc sử dụng thuốc trong case lâm sàng, hướng dẫn tra cứu tương tác thuốc và chăm sóc dược). Cán bộ, giảng viên của Khoa Dược luôn tạo điều kiện để sinh viên tìm kiếm, giao lưu với các Dược sĩ ở công ty dược, bệnh viện; kết nối nhà thuốc và bệnh viện để sinh viên có nhiều trải nghiệm hơn trong quá trình học", Giang chia sẻ.

Sinh viên Võ Hoàng Lệ Giang học chuyên ngành Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Ảnh: NTCC

Để hiểu hơn về công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo khoa, trưởng bộ môn và giảng viên tham gia dạy chuyên ngành Dược Lâm sàng của trường.

Chia sẻ với phóng viên, Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Trưởng khoa Khoa Dược - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, ngoài nhiệm vụ đào tạo, Khoa Dược còn tham gia vào các hoạt động trọng điểm của trường như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyên môn và các hoạt động khác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển thuốc mới, đặc biệt là từ nguồn nhiên liệu sinh học và các hợp chất thiên nhiên ở giai đoạn tiền lâm sàng; nghiên cứu sử dụng thuốc hợp lí và ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, Khoa cũng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu mang tính ứng dụng, từ đó đưa ra những mô hình dịch vụ đặc thù như: dịch vụ tư vấn triển khai mô hình hoạt động Dược Lâm sàng tại bệnh viện, dịch vụ tư vấn sử dụng thuốc, dịch vụ giám sát trị liệu bằng thuốc.

Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Trưởng khoa Khoa Dược - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ, Dược sĩ Võ Thị Ngọc Mỹ - Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, Khoa Dược là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực dược sĩ chất lượng, uy tín, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, quốc gia và khu vực. Khoa đã mở rộng chuyên ngành đào tạo và có khả năng liên thông, liên kết với các trường đại học, viện đào tạo trong và ngoài nước.

"Khoa Dược luôn hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu giáo dục đại học đại chúng, tạo lập môi trường học tập tích cực và trải nghiệm thực tiễn cho mọi sinh viên, trang bị cho sinh viên năng lực tự học, tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng để sinh viên phát triển mọi tiềm năng, thích ứng với xã hội, tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Qua đó, góp phần tạo dựng và phát triển ổn định lĩnh vực dược nói riêng và ngành Y tế nói chung", cô Mỹ bày tỏ.

Chia sẻ về tầm quan trọng của chuyên ngành Dược lâm sàng, Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Khánh Quan - Trưởng Bộ môn Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện nay, mô hình bệnh tật ngày càng đa dạng, phức tạp với các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh mạn tính như suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, ung thư,... đòi hỏi sự chăm sóc phối hợp đa chuyên khoa trong đó có dược sĩ lâm sàng. Dược sĩ lâm sàng sẽ đảm nhận vai trò tư vấn về thuốc cho thầy thuốc, giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị, đồng thời thực hiện vai trò cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho cán bộ y tế và người bệnh.

Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Khánh Quan - Trưởng Bộ môn Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Trước thực tế một số cơ sở giáo dục cũng đào tạo liên quan đến Dược Lâm sàng, chia sẻ về điểm nổi bật trong chương trình đào tạo chuyên ngành này của nhà trường, Thạc sĩ, Dược sĩ Lưu Thị Mỹ Ngọc - Phó Trưởng bộ môn Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, hiện đa phần các cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ cử nhân Dược thường ghép các định hướng chuyên ngành lại với nhau và chỉ phân ra cụ thể ở trình độ thạc sĩ. Điểm khác biệt nổi bật trong chương trình đào tạo cử nhân của Khoa là giữ ổn định chuyên ngành Dược Lâm sàng, tập trung công tác đào tạo gắn liền yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ví dụ, sinh viên được đi thực tập tại các bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc,...

"Chương trình đào tạo chuyên ngành Dược Lâm sàng được cập nhật liên tục, đảm bảo chuẩn năng lực Dược sĩ cơ bản của Bộ Y tế ban hành. Chương trình được xây dựng dựa trên sự đối sánh với các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, như: chương trình đào tạo của Khoa Dược - Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Mahidol - Thái Lan", cô Ngọc chia sẻ.

Thạc sĩ, Dược sĩ Lưu Thị Mỹ Ngọc - Phó Trưởng bộ môn Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Còn theo thầy Quan, khi học chuyên ngành Dược Lâm sàng của trường, sinh viên năm cuối được kết nối tri thức, kỹ năng của các môn học trước vào công tác chăm sóc sức khỏe. Trong chương trình đào tạo, có các học phần như Dược Lâm sàng lý thuyết và thực hành; Sử dụng thuốc trong điều trị, chăm sóc dược,...; nghiên cứu khoa học ngành Dược, phương pháp nghiên cứu khoa học Dược lý và Dược Lâm sàng, học phần khởi nghiệp. Thực tập chuyên ngành Dược Lâm sàng tại các bệnh viện gần với thực tế. Do đó, dễ dàng giúp sinh viên đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và có việc làm phù hợp chuyên ngành sau khi tốt nghiệp.

Bàn về một số vị trí việc làm mà sinh viên chuyên ngành Dược Lâm sàng sau khi tốt nghiệp có thể ứng tuyển, Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Khánh Quan cho biết, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia tất cả các vị trí việc làm trong ngành Dược tại các bệnh viện, phòng khám. Bên cạnh đó, các em cũng có thể làm việc tại chuỗi các nhà thuốc hoặc nhà thuốc lẻ cung cấp dược phẩm chăm sóc người dân, người sử dụng thuốc liên quan đến hoạt động dược lâm sàng. Ngoài ra, các em có thể tham gia làm tại các vị trí medical (thuộc về y khoa -PV), chuyên gia thử nghiệm lâm sàng tại các công ty, trung tâm nghiên cứu và phát triển, các cơ sở liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe,...

Ngoài những thuận lợi, chia sẻ về những khó khăn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của chuyên ngành Dược Lâm sàng, Thạc sĩ, Dược sĩ Trần Thị Phương Uyên, Giảng viên Bộ môn Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay:

Thứ nhất, còn những khó khăn trong tổ chức cho sinh viên đi thực tế tại cơ sở thực hành. Để làm được hoạt động này thường phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng viên và Dược sĩ làm việc tại cơ sở thực hành.

Thứ hai, sinh viên cần phải nghiêm túc tuân thủ nội quy học tập tại trường và của cơ sở thực hành, giảng viên cần nhiều thời gian để phổ biến, giám sát khi sinh viên tham gia thực tế bên ngoài trường.

Thạc sĩ, Dược sĩ Trần Thị Phương Uyên, Giảng viên Bộ môn Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

Từ những khó khăn này, cô Uyên đề xuất, các cơ sở thực hành cần phải quan tâm nhiều hơn trong hoạt động đào tạo sinh viên thực tập. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần có kế hoạch cho sinh viên sớm được trải nghiệm môi trường thực tế từ năm nhất hoặc năm hai đại học. Nhà trường cũng phải giúp sinh viên định hướng đầu tư kiến thức và rèn luyện kỹ năng, chuẩn bị tốt kế hoạch thực tập cho sinh viên vào năm cuối.

Một số thành tích của sinh viên chuyên ngành Dược Lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:

Sinh viên tham gia báo cáo nghiên cứu khoa học về chuyên ngành Dược Lâm sàng tại trường và ở Khoa Dược, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch; Khoa Dược - Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên báo cáo nghiên cứu khoa học chuyên ngành Dược Lâm sàng trong Hội nghị ICPHS 2023 tại Malaysia.

Sinh viên tích cực tham gia cuộc thi học thuật Eureka

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-nguyen-tat-thanh-dao-tao-duoc-lam-sang-gan-chat-voi-yeu-cau-tuyen-dung-post242387.gd