Trường công 'ế ẩm'

Thay vì cạnh tranh gắt gao, lần đầu tiên sau hàng chục năm, các trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM thiếu học sinh, phải tuyển bổ sung. Đây là điều khá bất thường, bởi từ lâu TPHCM là đô thị lớn, đông dân nhập cư nên thường xuyên thiếu trường, thiếu lớp. Tuy nhiên, nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ để giải quyết.

Thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho thấy, trong kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024 có gần như toàn bộ các trường THPT công lập trên địa bàn thiếu học sinh, với tổng cộng gần 4.000 chỉ tiêu. Đặc biệt, không chỉ những trường nằm ở vùng ngoại thành xa xôi mà ngay cả các trường nằm ở trung tâm quận 1, 3… cũng thiếu học sinh. Cá biệt một số trường thiếu cả trăm học sinh như THPT Ngô Gia Tự (110 chỉ tiêu), THPT Bình Khánh (159), THPT Trung Lập (153), THPT Phong Phú (282), THPT Nguyễn Văn Linh (274)… Hiện nay, ngành Giáo dục TPHCM đã cho phép các trường được tuyển sinh bổ sung. Tuy nhiên, không ai dám chắc hệ thống các trường công lập sẽ tuyển sinh đủ 4.000 chỉ tiêu, dù có tới 18.000 thí sinh đã rớt kỳ thi này vừa qua.

Có rất nhiều nguyên nhân giải thích tình trạng bất thường trên. Trong đó, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, có nhiều học sinh đã chuyển nơi cư trú (theo cha mẹ chuyển về quê) hay trường đăng ký ở xa… Có thể nói, các nguyên nhân trên cũng phần nào đúng nhưng chưa đủ. Một số ý kiến cho rằng những năm qua, hệ thống trường công có nhiều ưu điểm là do chi phí thấp. Trong khi đó, các trường THPT dân lập, tư thục thường có chi phí cao bởi doanh nghiệp phải đầu tư toàn bộ chi phí (như thuê cơ sở, xây dựng, mua thiết bị dạy học, lương giáo viên…) nên dễ dàng bị thất thế khi cạnh tranh. Tình trạng chi phí của trường tư cao gấp 5, 6 lần, thậm chí gấp 10 lần so với trường công là bình thường. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, các trường tư thục ít phải đầu tư và thu hẹp khoảng cách chi phí với trường công. Ngược lại, tình trạng lạm thu, học thêm… vẫn còn xảy ra khiến cho nhiều phụ huynh học sinh bất an. Chi phí để học trường tư và trường công đã thu hẹp đáng kể, gần như không chênh lệch nhiều nên có thay đổi trong lựa chọn.

Ngoài ra, với nhóm học sinh có nhu cầu cao hơn, các trường quốc tế, hình thức du học đang ngày càng dễ tiếp cận cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh không còn mặn mà với các trường THPT công lập. Trong kỳ tuyển sinh THPT hệ công lập vừa qua tại địa bàn TPHCM, ngoài gần 4.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học thì còn có hơn 17.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không đăng ký thi vào THPT hệ công lập. Tổng cộng, có tới hơn 20.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không có ý định vào học THPT công lập trên địa bàn.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/truong-cong-e-am-5725048.html