Trường ca 'Hốc Chọ' thấm đẫm bản lĩnh Nghệ

Nhà văn Bùi Sĩ Hoa, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam vừa ra mắt công chúng yêu văn học, thơ ca một tập trường ca có tiêu đề rất lạ: Hốc Chọ. Hốc Chọ là gì, nghe độc đáo và kỳ bí vậy?

Theo giải thích của tác giả, đó là vùng khai hoang của những người nông dân miền Trung, cụ thể của nông dân Nghệ An khi thiếu đất canh tác, họ tổ chức thành một đoàn người tìm kiếm những mảnh đất mới để khai hoang làm kinh tế: “Vùng khai trang, lập trại nơi rừng sâu, núi thẳm; giữa chân đồi theo từng con nước, được người dân nhiều nơi ở Nghệ An gọi là hốc/hóc chọ, gọi chung là Hốc Chọ”.

Tập trường ca Hốc Chọ của Bùi Sĩ Hoa gồm 757 câu thơ với nhiều cung bậc cảm xúc, khi thì nhà thơ hồi tưởng về người ông của mình, một người nông dân xứ Nghệ hay lam hay làm, kiên cường như một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ, thật thà hay chữ nhưng đối mặt với thực tế ở quê nghèo theo cách nói dân gian: “Chó ăn đá, gà ăn sỏi” trầm tư suy tưởng:

“Đêm đầy sao

Tiếng vạc nhạt vào khuya lãng

Ông tôi ngồi xa xăm

Bóng xiên liếp nhà húng hắng

Chắt cạn ấm chè xanh

Hớp cuối cùng ức nghẹn

Thơm ngọt đầy tràn, đắng chát chưa trôi…”.

Đọc đến đây, chúng ta liên tưởng đến một miền Trung khắc nghiệt, gian khó vô cùng. Muốn khai hoang cũng phải bòn mót từng mảnh đất như đồng bào Mông trên cao nguyên đá Hà Giang là chở đất ở sông, suối cho vào từng hốc đá để trồng ngô… Trong trường ca Hốc Chọ, những người nông dân khắc khổ quyết tâm vượt khó trong công cuộc mưu sinh:

Rừng cháy rặt người đốt than

Than cháy đượm người ngồi rang nước mắt

Bàn tay khuấy vào trống không

Bàn tay thõng buông bất lực

Bàn tay ngửa khúm núm vay khất

Bàn tay khum đón nhận mùa vàng...

Trong trường ca Hốc Chọ có đoạn viết về cá gỗ rất hay. Từ hình ảnh con cá gỗ trong giai thoại dân gian nói về ý chí học hành, đèn sách của vùng quê nổi tiếng về khoa cử, sinh động đến hồn nhiên, mộc mạc:

Tôi là cá gỗ

Người làng tôi, quê tôi nuôi chí quan trường

Đi ra bằng vai phải lứa

Giữa trời ai kém chi ai

… Tôi là cá gỗ

Thầy tôi kinh thành lều chóng ứng thi

Thầy tôi gánh ba bồ chữ

Lận lưng đôi cắc gọi là…

Bằng ngôn ngữ hàm súc, cách kể chuyện trong trường ca của tác giả mượn ý thay lời, nhưng câu thơ chắt lọc rất tinh tế, khi mượn ý ca dao, tục ngữ, lúc lại lấy hình ảnh và giai thoại dân gian để tôn vinh truyền thống học hành khoa cử và tôn sư trọng đạo của quê mình. Kết thúc trường ca, tác giả đã thể hiện những câu thơ lục bát bay bổng để ca ngợi những thành quả lao động của những người khai trang, lập nghiệp nơi rừng sâu:

Đồng khua giấc bay mơ màng

Chòi thóc - quà của mùa màng đợi chim

Róc rách suối mát khát tìm

Rừng xanh là mái núi chìm giữa xanh

Rừng thiêng, thiêng cội thiêng cành

Che chung mát mướt mà thành quê hương…

Trường ca Hốc Chọ đã chinh phục người đọc bằng cách kể chuyện giản dị, ngôn ngữ thơ hàm súc khi tác giả mô tả về thiên nhiên, đất đai, nỗi cơ cực của con người phải tự định đoạt cuộc sống của mình trong môi trường khắc nghiệt. Nhà thơ Bùi Sĩ Hoa đã nêu bật chủ đề thành công của tập trường ca là ca ngợi tinh thần kiên cường, sự nhẫn nại, cần cù của những người nông dân xứ Nghệ đã làm nên một bản lĩnh Nghệ, một tinh thần Nghệ.

Nhà thơ Bùi Sĩ Hoa là một cây bút đa tài trong nhiều lĩnh vực, đây là tập thơ thứ 7 của ông sau hơn 40 năm làm báo, làm thơ và ông đã vinh dự 2 lần nhận giải thưởng thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Những đóng góp của ông trong nền văn học nước nhà thật đáng trân trọng.

Nguyễn Viết Hiện

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/419448/truong-ca-hoc-cho-tham-dam-ban-linh-nghe.html