Trước đây ai có tiền là vua nhưng giờ đây ai có dữ liệu mới làm vua

Nhận định trên được ông Đỗ Danh Thanh, Deloitte Việt Nam đưa ra trong tọa đàm có nội dung liên quan đến tài chính số do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức ngày 10/5.

Chuyển đổi số đang diễn ra ở tất cả các ngành nhưng xét về mức độ phổ biến, tài chính – ngân hàng có lẽ là ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất chỉ sau ngành công nghệ. Không còn là một khái niệm xa lạ, việc sử dụng các dịch vụ tài chính trực tuyến ngày càng trở nên quen thuộc, thu hút sự quan tâm và sự tin dùng của mọi lứa tuổi, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.

Không chỉ dừng lại ở việc đưa các giao dịch lên nền tảng trực tuyến, các tổ chức tài chính cũng rất tích cực áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain… để nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của tài chính số cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là về bảo vệ dữ liệu người dùng. Bên cạnh đó là dấu hỏi về quyền được tiếp cận tài chính một cách công bằng, bình đẳng cũng như các rủi ro liên quan đến việc ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có công nghệ AI.

Dữ liệu là vua

Ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), Tổng biên tập VietnamFinance nhận định, trong thời đại số hóa ngày nay, dữ liệu được coi là "dầu mỏ" mới, là nguồn tài nguyên quý giá mà mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều đang chạy đua để khai thác. Việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu không chỉ là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà còn là yếu tố quyết định trong việc định hình và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong ngành tài chính - ngân hàng, việc sử dụng dữ liệu đã và đang mở ra một loạt các cơ hội mới. Từ việc phân tích dữ liệu để dự báo xu hướng thị trường đến tối ưu hóa quy trình dịch vụ tài chính, dữ liệu đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Danh Thanh, Phó tổng giám đốc Tư vấn chuyển đổi số và An ninh mạng - Deloitte Việt Nam khẳng định: "Trước đây ai có tiền là vua, nhưng bây giờ 'data is king' (dữ liệu là vua)".

Ông Thanh cho rằng, dữ liệu không phải bây giờ mới có, mà nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giúp xử lý được lượng dữ liệu rất lớn nên bây giờ chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu.

Liên quan tới thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam, ông Thanh cho biết, tình trạng này rất nổi trội và được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông. Số liệu thống kê trên thế giới cho thấy, tin tặc tấn công liên tục khoảng 1.000 - 1.2000 vụ/tháng để thu dữ liệu, quy mô ngày càng lớn. Những vụ tấn công dữ liệu này không chỉ làm ảnh hưởng tới tiền bạc, danh tiếng của doanh nghiệp mà còn khiến niềm tin của khách hàng bị suy giảm.

Theo ông Thanh, doanh nghiệp phải luôn cảnh giác với việc bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng để giảm thiểu tối đa hệ quả. Không chỉ thế, bảo đảm về công nghệ chỉ là 1 trong 4 trụ cột trong việc bảo mật dữ liệu (4 trụ cột bao gồm: 1 là con người, 2 là quy trình, 3 là công nghệ và 4 là chiến lược).

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc Ban Chăm sóc khách hàng, Khối Tài chính số - EVNFinance, chia sẻ kể từ khi thành lập, EVN Finance luôn tuân thủ yêu cầu của pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu. Trên thực tế, công ty đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ năm 2020. Từ đó đến nay, đây vẫn luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EVN Finance.

Ông Sỹ nhấn mạnh: “Ứng dụng công nghệ giúp năng suất lao động tăng, trải nghiệm khách hàng tăng. Đối với doanh nghiệp, big data chính là tiền. Nhờ ứng dụng công nghệ, EVN Finance đã tăng số lượng khách hàng lên 4 lần, trong khi giảm tới 40% số lượng nhân sự”.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho biết, với sự ra đời của Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, các doanh nghiệp đều phải thực hiện báo cáo về tác động xử lý dữ liệu cá nhân cho Cục An ninh mạng. Theo ông Hà, hiện nay có rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, ở mỗi văn bản pháp luật lại “dán nhãn” dữ liệu cá nhân khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo và gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện báo cáo.

Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều doanh nghiệp vẫn còn tương đối sơ khai.

Chủ tịch SBLaw cho rằng: “Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính số, nên rà soát lại các quy định nội bộ liên quan đến vấn đề tuân thủ Nghị định 13. Trái lại, Chính phủ, các cơ quan, bộ ban ngành cũng cần có hướng dẫn thêm cũng như ban hành thông tư riêng cho từng ban ngành”.

Sự hiện diện của AI trong cuộc sống

Chia sẻ về kinh nghiệm trong ngành số hóa, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, công ty của ông đã từng thực hiện các dự án tái cấu trúc dữ liệu cho 1 ngân hàng quốc doanh lớn, cũng như bán dữ liệu được AI phân loại cho khách hàng là ngân hàng để kiểm định khoản vay, song đều không thành công vì khách hàng đến cuối cùng không nhìn nhận rõ lợi ích của số hóa và AI.

TS Lê Xuân Nghĩa.

Theo ông Nghĩa: “Chúng ta chưa phát triển được đội ngũ về số hóa, AI trong tương lai. Thế giới bây giờ cũng đều là AI, máy bay, tàu đều là robot, là AI, nên trong thực tiễn, ta thấy người Việt rất xem thường nhau về AI, về khoa học dữ liệu và quản lý dữ liệu”.

Dưới góc nhìn của ông Ngô Sơn Dương, không thể phủ nhận, về công nghệ AI, nước ngoài đã đi trước Việt Nam rất nhiều. Thực chất, AI đã có từ rất lâu khi các nhà khoa học thiết kế ra mạng nhị phân, dữ liệu. Thời điểm đó, họ đã có thể mô phỏng hoạt động của nơ-ron thần kinh. Có thể thấy, AI là “số hóa” bản thân con người, là người lao động của chủ sở hữu nó.

Về sự hiện diện của AI trong cuộc sống, ông Ngô Sơn Dương ví dụ: “Trong điện thoại, vốn dĩ AI đã “ngầm” ở trong đó, chỉ có điều chưa nhìn thấy hình thái của nó mà thôi, ví dụ như việc điện thoại có thể nghe nhịp thở của ta, hay Apple Music có thể phát nhạc phù hợp với tâm trạng. Hay như tôi, khi tìm kiếm thông tin về tài chính số, máy tính cũng có thể gợi ý đề xuất thông tin liên quan đến tài chính, công nghệ”.

Theo ông Dương, AI mang lại cơ hội giúp bản thân tối ưu hóa, là người lao động tạo ra giá trị cho bản thân người sở hữu nó. Trong tương lai, những điểm mờ liên quan đến đạo đức hành vi, trong trường hợp AI làm hại, xâm phạm dữ liệu, đưa ra nguy cơ với con người, ông Dương cho rằng, sẽ có sự tham gia của luật pháp.

"Tính ứng dụng và sự phát triển của AI không còn là vấn đề bàn cãi nhưng đạo đức chơi AI vẫn cần phải nói đến"., ông Đỗ Danh Thanh phát biểu.

Ông Thanh cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn khi ứng dụng AI trong thực tiễn. Đầu tiên là vấn đề về dữ liệu. “Chúng ta đang nói nhiều đến AI tạo sinh nhưng khi ứng dụng thực tiễn, chúng ta còn có nhiều loại AI khác. Theo CEO của một số ngân hàng, công ty tài chính bảo hiểm, việc dữ liệu của doanh nghiệp chưa được đầy đủ, chặt chẽ, chưa được “sạch sẽ” do trước đây lưu trữ dữ liệu trên hệ thống cũ khiến AI khó phát huy được hết tác dụng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và cả trên thế giới khó đưa AI vào triển khai thực tiễn”, ông nói.

Bên cạnh đó, để AI được ứng dụng, các doanh nghiệp cần phải có đội ngũ chuyên gia. Đây cũng là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp ở Việt Nam.

Về an ninh dữ liệu, khi ứng dụng AI, doanh nghiệp chắn chắn phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến thất thoát thông tin, ảnh hưởng an ninh thông tin. Tuy nhiên, “Việt Nam lại chưa có đủ cơ sở pháp lý liên quan đến tính minh bạch, tính giải trình. Khi các cơ quan kiểm tra, kiểm toán muốn kiểm tra thông tin thì nhiều doanh nghiệp đều vướng mắc ở bước phải truy vết”, ông Thanh cho hay.

Anh Quý

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/truoc-day-ai-co-tien-la-vua-nhung-gio-day-ai-co-du-lieu-moi-lam-vua-post345003.html