TRUNG TƯỚNG GS.TS NGUYỄN MINH ĐỨC: MỖI NGƯỜI DÂN PHẢI TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI LÍNH PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

'Hướng tới mỗi người dân phải trở thành một người lính PCCC trước khi các lực lượng PCCC có mặt; cán bộ cơ sở cần nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa; sinh mệnh người dân là giá trị cao quý nhất cần đặt lên hàng đầu...' là khuyến nghị của Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN

“Hướng tới mỗi người dân phải trở thành một người lính PCCC trước khi các lực lượng PCC có mặt; cán bộ cơ sở cần nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa; sinh mệnh người dân là giá trị cao quý nhất cần đặt lên hàng đầu...” là khuyến nghị của Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về việc thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội về công tác phòng cháy chữa cháy.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (ảnh trái) trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, vừa qua Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội về phòng cháy chữa cháy tại các địa phương, trong đo có thành phố Hà Nội. Qua giám sát, nhất là vừa qua đã xảy ra vụ cháy căn nhà “chung cư mi ni” tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, ông có thể phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy tại các khu nhà ở đông người, nhà cho thuê trọ?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Như chúng ta đã biết, vụ cháy chung cư tại Khương Hạ của quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã gây ra thiệt hại rất lớn về người. Đó là một trong những nỗi đau rất lớn mà tất cả các nhà quản lý, các nhà lập pháp, thực thi pháp luật phải lấy đó là một trong những nỗi niềm rất trăn trở trong thực tế cũng như trong tương lai, để làm thế nào đưa ra những giải pháp cả về pháp luật cũng như thực thi pháp luật để hạn chế tới mức thấp nhất, không để xảy ra cháy và không để xảy ra những hậu quả đau lòng như vụ cháy vừa rồi.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về việc thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội về PCCC

Khi nghiên cứu toàn bộ các nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy tương tự như vậy, thông qua hoạt động giám sát, chúng tôi thấy rằng, đầu tiên chúng ta phải xác định đó là nguyên nhân về vấn đề ý thức của những người dân. Mỗi người dân cần phải thấy rằng, chỉ cần một sơ suất nhỏ, một phút lơ là trong quá trình sinh hoạt, sử dụng các thiết bị phục vụ cho bản thân mình, nếu như mà chúng ta không cẩn thận thì dẫn đến nguy cơ cháy. Từ nguyên nhân mà Công an Hà Nội đã công bố về vụ cháy vừa rồi, chúng ta thấy rằng là do chập điện của một cái xe máy dẫn đến nguồn lửa tác động vào hệ thống các chất gây cháy ở tủ điện, sơn tường, rồi lan tỏa đến các bình xăng trong các xe máy ở cái nhà đó, tạo nên một quả cầu lửa rất lớn, một nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cháy rất nhanh và dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vậy.

Từ nguyên nhân này, chúng tôi có khuyến nghị, đối với người dân khi đã sử dụng xe máy, xe đạp điện, các thiết bị điện khác đều phải kiểm tra thường xuyên, chú ý đến tất cả những nguy cơ có thể dẫn đến cháy từ những thiết bị đó.

Thứ hai là đối với các tòa nhà có chia ra thành các hộ đông dân (chúng ta vẫn gọi đó là chung cư mi ni) hoặc những khu nhà trọ, kể cả những nhà có nhiều người, chúng ta phải hết sức chú ý là trong các quy định đòi hỏi phải có hệ thống báo cháy, hệ thống nước để chữa cháy, các bình chữa cháy phải đảm bảo đủ cả về số lượng và khả năng dập lửa được ngay. Đặc biệt, về lâu dài đối với những dạng nhà như vậy phải có hệ thống ngăn cháy và lối thoát hiểm thứ hai để khi xảy ra cháy, người dân có thể thoát được.

Hiện trường vụ cháy “chung cư mi ni” tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Thực tế hiện nay ở Hà Nội cũng như các thành phố và các tỉnh, dạng nhà như vậy đang rất nhiều, cho nên trước mắt cần phải được kiểm tra tổng thể xem có đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy như: cầu thang bộ, lối thoát hiểm, lối ngăn cháy cả bên trong và bên ngoài. Nếu chưa thỏa mãn thì cần phải yêu cầu chủ đầu tư, chủ quản lý các tòa nhà đó phải khắc phục ngay. Đặc biệt, những nhà trong ngõ hẻm mà xe cứu hỏa không thể vào được, cần phải tổng rà soát thêm các họng nước, nguồn theo đúng quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định là để tận dụng. Nếu chưa có, phải được đầu tư ngay. Các họng nước đều phải kéo về tận đó để khi nếu xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng như là lực lượng Phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp có thể triển khai ngay để dập lửa trong 7 phút an toàn - 7 phút “vàng”. Đó là một trong những điều rất quan trọng.

Thứ ba, phải tập huấn cho người dân tất cả các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, từ người già cho đến người trẻ. Tùy theo mức độ nhận thức của mỗi người, khả năng của mỗi người, khi đã xảy ra cháy cần phải bình tĩnh, làm những gì để trước hết là ngắn cháy, hướng dẫn cho mọi người cách thoát hiểm, cách bảo vệ bản thân như chống ngạt, chống cháy lan, không để tạo thành sự hỗn độn trong đám cháy thì mới có thể cứu được từng người.

Thứ tư, tất cả các lực lượng chức năng phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuyên truyền một cách cụ thể nhất với những tình huống cháy có thể gây ra nguy hiểm như thế nào, để cho mọi người dân thấu hiểu được tính nguy hiểm từ việc cháy như vậy cũng như quá trình thoát hiểm ra sao. Nếu làm tốt được điều đó thường xuyên, chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đối với nhận thức, từ đó dẫn đến mỗi người dân sẽ thực hiện tốt hơn.

Như vậy, chúng ta phải làm thế nào để phương châm cuối cùng là mỗi người dân phải trở thành một người lính phòng cháy và chữa cháy trước khi các lực lượng phòng cháy, chữa cháy có mặt để kịp thời cứu chữa. Các quy định pháp luật hiện nay đã có rồi, chúng tôi cũng mong muốn lực lượng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về PCCC tại cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, từ tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, thuyết phục, xử lý thật nghiêm minh đối với bất kỳ hành vi nào nếu để lơ là trong việc PCCC. Mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ tại cơ sở hãy nâng cao trách nhiệm của mình, luôn luôn phải nghĩ rằng, sinh mệnh và tài sản của người dân là những giá trị cao quý nhất cần phải được đặt lên hàng đầu.

Phóng viên: Qua giám sát, Đoàn Giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ có những kiến nghị gì, thưa Trung tướng?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Thông qua hoạt động giám sát thấy rằng, hiện nay Luật PCCC cũng như các văn bản dưới luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an đặt ra, cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu.

Hiện trường vụ cháy “chung cư mi ni” tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Quá trình thực hiện pháp luật, thông qua giám sát, chúng tôi thấy, đa số lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cũng như cấp ủy, chính quyền hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi, vài chỗ còn “giữa bên tình bên lý” trong việc xử lý chưa nghiêm khắc, chưa thực sự khắt khe, chưa thường xuyên nên dẫn đến vẫn còn sự lơ là. Từ câu chuyện này, chúng tôi có khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục khẩn trương rà soát các quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản dưới luật

Thứ hai, các quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy phải được rà soát một cách thấu đáo nhất, phù hợp với từng đối tượng, rõ ràng, sát với thực tế và yêu cầu phòng cháy, chữa cháy gắn với đặc thù của các vùng, miền, đặc biệt là tại các khu đô thị hiện nay. Đặc thù ở các nhà đô thị hiện nay là nhà ống, ngõ nhỏ, sâu trong khi đó các họng nước về chữa cháy và hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở nhiều địa phương chưa được đầu tư một cách thích đáng, đầy đủ nên có sự thiếu hụt. Chính vì vậy, rất cần phải xác định rõ các điểm, ngõ hẻm, khu dân cư đông, khu có nhiều nhà trọ, nhà kết hợp như dạng chung cư mini, các chợ, những nơi người dân kết hợp với kinh doanh. Đối với những nơi này, phải có những đầu tư rõ ràng, tăng cường các điểm chữa cháy công cộng một cách thực chất, đủ số lượng về bình chữa cháy, đủ số lượng lực lượng dân phòng để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, đủ các họng nước. Nơi nào có các ao hồ thì đầu tư các hệ thống để có thể sử dụng nước chữa cháy một cách tốt nhất. Đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra từng khâu, từng mắt xích, khi phát hiện có những sơ hở, thiếu sót, phải nhắc nhở ngay và đưa vào biên bản, thậm chí đưa lên phương tiện thông tin truyền thông để cảnh tỉnh, răn đe. Như vậy thì mới đạt được mục đích là hạn chế đến mức thấp nhất không để xảy ra cháy và khi cháy, không thể để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như vừa rồi.

Phóng viên: Qua vụ việc này, dư luận cũng đặt ra vấn đề về công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép đối với các căn nhà kiểu chung cư mi ni, thưa Trung tướng?

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Thực tế, nhiệm vụ công tác phòng cháy chữa cháy phải được làm thường xuyên. Sau vụ việc cháy vừa rồi, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn có chỉ đạo rất nhanh, phải tổng rà soát liên quan kiểm tra đến những dạng nhà ở kiểu như vậy và sẽ có báo cáo cụ thể mức độ vi phạm về góc độ xây dựng và quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy như thế nào?

Qua hoạt động giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về thực hiện Nghị quyết 99/2019 của Quốc hội, chúng tôi cũng đã phát hiện ra một loạt các vấn đề đó và đã có những khuyến nghị ngay tại địa phương nơi Đoàn giám sát đến đối với những loại hình khác nhau trong quá trình thực hiện thi pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Qua câu chuyện này, rõ ràng ở đây chúng ta phải đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng thực hiện chức năng quản lý phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở vẫn chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý triệt để đối với những hành vi vi phạm như vậy.

Trở lại câu chuyện vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, tôi muốn nói rằng, chỉ vì một chút có thể là giữa tình và lý, một một chút nể nang trong quá trình thực hiện pháp luật dẫn đến một sơ suất. Và chỉ cần một sơ suất, trong một tích tắc, khi gây ra cháy dẫn đến hậu quả khôn lường như vậy. Cho nên trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng nhiệm vụ này cần phải được đặt lên hàng đầu và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Nếu nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, trong quá trình giám sát, kiểm tra mà để xảy ra thiếu sót thì cần phải được xử lý nghiêm minh đối với trách nhiệm của cá nhân cũng như là tập thể.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80264