Trung Quốc và AUKUS: Căng thẳng còn ở phía trước

Phó Giáo sư Jian Zhang, Đại học New South Wales (Australia) nhận định, hành động gần đây của Trung Quốc báo hiệu về thái độ quyết liệt hơn của Bắc Kinh trước Thỏa thuận an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) thời gian tới.

Trung Quốc sẽ bày tỏ thái độ gay gắt hơn với AUKUS thời gian tới. Trong ảnh, tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Australia HMS Sheean cập bến cảng Hobart, Australia ngày 1/4. (Nguồn: Getty Images)

Từ cuộc đối đầu tại IAEA…

Ngày 2/10, ấn phẩm tiếng Anh tờ Trung Hoa Nhật báo (Trung Quốc) tuyên bố, Bắc Kinh đã giành chiến thắng ngoại giao tại Đại hội đồng lần thứ 66 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được tổ chức tại Vienna (Áo) từ ngày 26-30/9.

Phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị đã “ngăn chặn” thành công nỗ lực của ba quốc gia AUKUS: theo đó, Mỹ, Anh và Australia đã đề xuất sửa đổi nghị quyết về các biện pháp đảm bảo an toàn của IAEA nhằm “minh oan” cho thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tuy nhiên, bài báo cho rằng, do sự phản đối của Trung Quốc, ba quốc gia AUKUS cuối cùng đã phải rút lại đề xuất sửa đổi. Trả lời phỏng vấn sau hội nghị IAEA, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân đã mô tả các cuộc trao đổi về tàu ngầm hạt nhân tại hội nghị là “quyết liệt chưa từng có” và “quan trọng chưa từng có”. Mặc dù vậy, cũng có một số thông tin cho rằng, nghị quyết chống AUKUS do Trung Quốc tài trợ cũng đã bị chặn tại hội nghị.

Trận chiến ngoại giao tại hội nghị IAEA chỉ là một trong hàng loạt các thách thức và pháp lý do Trung Quốc triển khai nhằm chống lại AUKUS trong khuôn khổ NPT. Kể từ khi AUKUS xuất hiện, Bắc Kinh đã chỉ trích gay gắt, cho rằng thỏa thuận này gây rủi ro cho phổ biến vũ khí hạt nhân, khơi mào chạy đua vũ trang và phá hoại hòa bình cũng như sự ổn định khu vực.

Tháng 7/2022, hai viện trực thuộc nhà nước Trung Quốc, Hiệp hội giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí Trung Quốc và Viện Chiến lược công nghiệp hạt nhân Trung Quốc, đã cùng nhau công bố báo cáo về AUKUS.

Báo cáo dài 12.000 từ có tiêu đề Một âm mưu nguy hiểm: Nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân từ việc hợp tác SSN trong bối cảnh AUKUS nhận định rằng, thỏa thuận này là “hành động phổ biến vũ khí hạt nhân trắng trợn” và “vi phạm nghiêm trọng” mục tiêu, mục đích của NPT. Theo đó, thỏa thuận đã thiết lập “tiền lệ nguy hiểm” khi chuyển giao vật liệu hạt nhân cấp vũ khí từ các bên có vũ khí hạt nhân (Mỹ và Anh) sang một bên không có vũ khí hạt nhân (Australia).

Tuy nhiên, phản ứng của Bắc Kinh đã vượt ra ngoài chỉ trích đơn thuần. Từ tháng 11/2021, theo yêu cầu Trung Quốc, vấn đề tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã được đưa vào chương trình nghị sự tại các cuộc họp của Hội đồng Thống đốc IAEA để tranh luận.

Đáng chú ý, tại cuộc họp của Hội đồng IAEA từ ngày 12-16/9, Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt Tổng giám đốc Rafael Grossi sau khi ông công bố báo cáo về sự tham gia của cơ quan này với các bên AUKUS để tìm ra các biện pháp bảo vệ trong quá trình hợp tác chế tạo tàu ngầm.

Các hành động mạnh mẽ của Bắc Kinh tại IAEA phản ánh sự lo lắng sâu sắc của nước này về tác động của AUKUS đối với lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Các nhà phân tích an ninh Trung Quốc phần lớn coi AUKUS về cơ bản là một nhóm quân sự chống Trung Quốc, được hình thành như một phần trong chiến lược cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và đại diện cho “bước đi quan trọng” của Mỹ nhằm xây dựng một “NATO châu Á - Thái Bình Dương”.

…tới quan ngại về “lấp đầy khoảng trống”

Một nhà nghiên cứu từ Viện Pangoal (Trung Quốc) nhận định, AUKUS sẽ “lấp đầy khoảng trống” về hợp tác quân sự trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, vốn là điểm yếu chính của nhóm Bộ tứ.

Theo chuyên gia này, Bộ tứ cạnh tranh với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh không gian và mạng song chỉ có tiềm năng hợp tác hạn chế trên khía cạnh quân sự, quốc phòng.

Ngược lại, AUKUS phản ánh sự đổi mới về hợp tác quân sự của Mỹ ở khu vực. AUKUS có thể nhanh chóng tăng cường khả năng quân sự, đẩy nhanh việc tích hợp các hệ thống hoạt động quân sự các đồng minh của Mỹ, cũng như duy trì và nâng cao ưu thế quân sự của liên minh do Washington lãnh đạo trong khu vực.

Ngoài lo ngại về mối đe dọa quân sự trực tiếp do AUKUS và các hợp tác công nghệ quân sự quan trọng khác, giới phân tích Trung Quốc lo lắng về tác động rộng lớn hơn của AUKUS đối với môi trường an ninh bên ngoài.

Giáo sư Li Hai Dong, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng, AUKUS gần như là một “bản sao” của chiến lược hậu Chiến tranh Lạnh của Mỹ thông qua mở rộng NATO, loại bỏ ảnh hưởng của Nga về an ninh châu Âu. Ông cảnh báo Trung Quốc nên tránh bị “biến thành một nước Nga khác”, lưu ý những thách thức bên ngoài nghiệt ngã mà Trung Quốc phải đối mặt.

Vai trò của Australia trong nhóm AUKUS và tác động đối với quan hệ Australia-Trung Quốc cũng là tâm điểm phân tích. Một nhà phân tích Trung Quốc lưu ý Australia có nguy cơ trở thành “tuyến đầu” của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, khi Canberra đang dần đứng về phía Washington. Điều này cũng đòi hỏi Australia phải hội nhập sâu hơn vào hệ thống tác chiến của quân đội Mỹ, đồng thời khiến nước này xa Trung Quốc trên mọi khía cạnh của quan hệ song phương, qua đó tăng nguy cơ xung đột quân sự.

(theo International Affairs)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-va-aukus-cang-thang-con-o-phia-truoc-207279.html