Trung Quốc ủng hộ việc mở rộng khối BRICS

Phản ứng lại việc Venezuela cùng các quốc gia khác thể hiện mong muốn gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi BRICS, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 31/5 cho biết nước này luôn ủng hộ một cơ chế cởi mở và ủng hộ quá trình mở rộng BRICS.

5 nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 ngày 23/6/2022. Ảnh: CGTN

5 nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 ngày 23/6/2022. Ảnh: CGTN

BRICS là khối các nền kinh tế mới nổi bao gồm các quốc gia như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Cùng với nhau, các thị trường này chiếm tới 25% GDP toàn cầu và có tiềm năng phát triển rộng mở trong tương lai.

Ngày 29/5, hãng thông tấn TASS đưa tin Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thể hiện mong muốn gia nhập BRICS trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Cụ thể, ông chia sẻ: "Nếu chúng tôi được hỏi liệu Venezuela có muốn trở thành một phần của BRICS trong tương lai hay không, thì vâng, chúng tôi muốn trở thành một phần khiêm tốn của BRICS và bắt kịp với tình hình địa chính trị đang thay đổi”.

Tới ngày 31/5, trong một cuộc họp báo thường kỳ tổ chức ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phản hồi: “Chúng tôi hoan nghênh nhiều đối tác có cùng chí hướng gia nhập BRICS trong thời gian sớm nhất”.

Theo hãng tin Global Times, bà Mao cho biết với tư cách là một nền tảng hợp tác quan trọng giữa các nước thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, BRICS cam kết duy trì chủ nghĩa đa phương, tích cực thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đồng thời tăng cường sự đại diện và tiếng nói của các nước này. Trong bối cảnh toàn cầu, bà cho biết khối này đã trở thành một lực lượng tích cực, ổn định và mang tính xây dựng trong các vấn đề trên thế giới.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Venezuela gia nhập BRICS. Ông cho biết khối này sẽ thảo luận về các yêu cầu từ "một số quốc gia" muốn gia nhập khi các nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi vào tháng 8/2023 tới.

Trên thực tế, ngay từ tháng 10/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết các nhà lãnh đạo BRICS đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc mở rộng BRICS. Vào thời điểm đó, ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc thảo luận về các tiêu chuẩn và thủ tục của việc mở rộng tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 ngày 23/6/2022 trong bối cảnh nhiều nước bày tỏ mong muốn tham gia khối này.

Hội nghị thường niên lần thứ 8 của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được tổ chức tại Thượng Hải ngày 30/5/2023 nhằm tập trung vào các vấn đề và quan điểm phát triển toàn cầu hiện tại và tương lai cũng như cách NDB có thể đóng góp vào việc định hình một kỷ nguyên phát triển mới ở BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác. Ảnh: VCG

Hội nghị thường niên lần thứ 8 của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được tổ chức tại Thượng Hải ngày 30/5/2023 nhằm tập trung vào các vấn đề và quan điểm phát triển toàn cầu hiện tại và tương lai cũng như cách NDB có thể đóng góp vào việc định hình một kỷ nguyên phát triển mới ở BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác. Ảnh: VCG

Nhận định về tiến triển này, Global Times ngày 31/5 trích dẫn nhà quan sát kinh tế vĩ mô Zhang Hong cho biết: "Vai trò của khối ngày càng quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển và dễ bị tổn thương trước các làn sóng xung đột bên ngoài, đặc biệt là vào thời điểm xung đột địa chính trị bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh và nền kinh tế toàn cầu suy yếu”.

Do đó, với ngày càng nhiều thành viên gia nhập, BRICS có thể nâng cao hơn nữa khả năng của các thành viên trong việc phòng ngừa rủi ro và củng cố tiếng nói của mình trên thị trường toàn cầu.

Hiện hợp tác tài chính giữa các thành viên trong khối đang được thắt chặt dưới sự điều hành của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), còn được gọi là "ngân hàng BRICS".

Ngày 30 và 31/5 vừa qua, NBD đã tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ 8 tại Thượng Hải với chủ đề "định hình kỷ nguyên mới cho sự phát triển toàn cầu". Các chuyên gia và quan chức tham dự sự kiện cho rằng NDB nên đa dạng hóa các kênh và phương thức tài trợ để tạo điều kiện phát triển cho các nền kinh tế mới nổi, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức và bất ổn.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-ung-ho-viec-mo-rong-khoi-brics-post22400.html