Trung Quốc: Tình trạng thất nghiệp của người trẻ ngày càng trầm trọng

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao mới trong tháng 5 và dự kiến sẽ tăng thêm vào tháng 7 và tháng 8 do 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gây áp lực lên thị trường việc làm.

Đang trầm trọng và trầm trọng hơn nữa

Các nhà kinh tế cho biết những người trẻ thất nghiệp ở Trung Quốc đang phải đối mặt với thị trường việc làm khó khăn nhất của đất nước trong nhiều thế hệ. Họ cần chuẩn bị tinh thần cho thời kỳ khó khăn hơn phía trước vì những trở ngại này sẽ không biến mất trong thời gian ngắn. Và điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.

Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 đã tăng dần kể từ năm 2020 và đạt mức cao mới trong 2 tháng qua, đặt ra thách thức đối với các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19 của Bắc Kinh.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa vào tháng 7 và tháng 8, với con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học chuẩn bị rời trường.

 Kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường việc làm của Trung Quốc trong năm nay. (Nguồn: AFP)

Kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường việc làm của Trung Quốc trong năm nay. (Nguồn: AFP)

Ông Lu Feng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh cho biết: “Trung Quốc đang ở thời điểm khó khăn nhất đối với thị trường việc làm cho thanh niên kể từ khi cải cách và mở cửa vào năm 1978”.

“Các vấn đề sẽ không biến mất trong thời gian ngắn, và cũng sẽ không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn”, ông nói thêm trong một cuộc phỏng vấn với tờ Economic Observer tuần trước.

Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 đạt mức kỷ lục 20,8%, tăng từ mức cao trước đó là 20,4% trong tháng 4. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát tổng thể ở thành thị vẫn không thay đổi so với tháng 4 ở mức 5,2% vào tháng 5.

Bất chấp con số kỷ lục, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Fu Linghui tuyên bố vào tuần trước rằng “một số người đã hiểu sai về tổng khối lượng các con số của chúng tôi”.

Ông lưu ý rằng chỉ có 33 triệu trong số 96 triệu người trong độ tuổi 16-24 hiện đang có việc làm, vì nhiều người đang là sinh viên. Và trong số 33 triệu người đó, ông nói, khoảng 1/5 không thể tìm được việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao kể từ năm 2020 và chưa giảm xuống dưới mức 14% kể từ tháng 5/2021.

Ông Lu tin rằng sẽ mất ít nhất hai hoặc ba năm để tỷ lệ thanh niên thất nghiệp giảm xuống trạng thái cân bằng vì số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học cao chỉ làm tăng thêm áp lực việc làm do sự phục hồi kinh tế mờ nhạt.

4 làn sóng khủng hoảng việc làm và câu chuyện chính sách

 Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc độ tuổi 16-24 ngày càng tăng nhanh qua các năm. (Nguồn: National Bureau of Statistics)

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc độ tuổi 16-24 ngày càng tăng nhanh qua các năm. (Nguồn: National Bureau of Statistics)

Trung Quốc trước đây đã trải qua 4 làn sóng khủng hoảng việc làm nghiêm trọng kể từ khi cố lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách kinh tế và mở cửa vào năm 1978, giáo sư Lu của Đại học Bắc Kinh cho biết.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên xảy ra vào đầu năm 1980 khi khoảng 5 triệu thanh niên có học thức, những người trước đây được gửi đến nông thôn, trở về thành phố quê hương của họ. Áp lực đã dẫn đến một loạt cải cách, đặc biệt là Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế để cho phép các doanh nghiệp tự kinh doanh.

Lần thứ hai xảy ra giữa những năm 1989-1990, khi tăng trưởng kinh tế của đất nước chậm lại.

Quyết tâm tái cơ cấu các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ và kém hiệu quả của Bắc Kinh vào năm 1998 đã dẫn đến việc sa thải hàng triệu công nhân. Thế hệ ở độ tuổi 40 và 50 chủ yếu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lần thứ ba, nhưng lao động dư thừa dần dần được khu vực tư nhân đang bùng nổ của Trung Quốc tiếp nhận sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.

Sau khi 15 triệu đến 20 triệu công nhân nhập cư rời các nhà máy ven biển do thiếu việc làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh đã nhanh chóng thực hiện gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (559 tỷ USD) để hỗ trợ thị trường việc làm trong bối cảnh khủng hoảng lần thứ tư và phát triển nền kinh tế.

Ông Lu cho biết: “Sự phục hồi kinh tế mờ nhạt trong năm nay đã dẫn đến sự thiếu tự tin về nhu cầu lao động, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp thích tăng thời gian làm việc của nhân viên hơn là nhanh chóng bổ sung các vị trí mới”.

Ngoài ra, những người thất nghiệp hoặc đang làm các công việc thay thế trong đại dịch sẽ tái gia nhập thị trường việc làm, khiến sự cạnh tranh càng gay gắt hơn, ông nói thêm.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, số lượng người mới tốt nghiệp tìm việc làm nhưng vẫn đang thất nghiệp có thể vượt quá hàng triệu người.

Ông Lu lưu ý rằng cần chú trọng hơn vào “những điều chỉnh ngược chu kỳ” kịp thời và thích hợp, đồng thời nâng cao mức độ tin cậy trong khu vực tư nhân bằng cách giải quyết các mối quan tâm của họ.

Khu vực tư nhân, sử dụng hơn 80% lực lượng lao động đô thị, đã phải chấp nhận các hoạt động kinh tế giảm tốc vào tháng trước, cho thấy niềm tin yếu và đà phát triển chậm lại.

“Bất kỳ biện pháp nào giúp thanh niên có việc làm đều tốt. Chắc chắn, các chính sách của Chính phủ nên tôn trọng sở thích và sự hấp dẫn của những người trẻ tuổi”, ông Lu nói thêm.

Ông Lu cho biết Chính phủ cũng nên giảm thiểu tác động của chính sách để đảm bảo sự giám sát của Chính phủ được minh bạch, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc đàn áp theo quy định trong lĩnh vực dạy thêm, bất động sản và internet đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình việc làm của những người trẻ tuổi.

Ông nói thêm rằng, các công ty nhà nước và khu vực công cũng nên tiếp tục tăng cường tuyển dụng như một giải pháp tạm thời.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kéo dài cho thấy vấn đề về sự tự tin.

Ông Hu cho biết: “Các công ty không muốn tuyển dụng vì nhu cầu của người tiêu dùng yếu, trong khi người tiêu dùng không muốn chi tiêu vì thị trường lao động yếu. Kết quả là, chính sách chính là yếu tố thay đổi cuộc chơi duy nhất ở giai đoạn này”.

Hồng Vân (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-tinh-trang-that-nghiep-cua-nguoi-tre-ngay-cang-tram-trong-post252635.html