Trung Quốc tìm kiếm hợp tác quốc tế trong sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga-8

Trung Quốc mới đây đã ra thông báo về các cơ hội hợp tác quốc tế trong sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga-8 (Chang'e-8).

Mục tiêu của sứ mệnh này là cùng với Hằng Nga-7 hình thành nên cấu trúc cơ bản của Trạm nghiên cứu Mặt Trăng để thiết lập môi trường sống lâu dài cho con người ở cực Nam của Mặt Trăng.

Một mô phỏng đồ họa của tàu thăm dò Hằng Nga-5. Ảnh: Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc

Một mô phỏng đồ họa của tàu thăm dò Hằng Nga-5. Ảnh: Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc

Theo thông báo được Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), cơ quan này hoan nghênh các quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia vào sứ mệnh Hằng Nga-8, với các hợp tác ở cấp nhiệm vụ, cấp hệ thống và cấp đơn vị. Trong đó, ưu tiên hợp tác ở “cấp nhiệm vụ” tức Trung Quốc và các đối tác quốc tế có thể phóng và vận hành tàu vũ trụ của riêng mình để tiến hành các tương tác giữa các tàu vũ trụ với nhau và thăm dò chung bề mặt Mặt Trăng, cũng như các robot bề mặt Mặt Trăng có khả năng vận hành cơ bản, trọng tải khoa học có tính bổ sung lẫn nhau và các dự án hợp tác có tính sáng tạo khoa học.

Thông báo cũng cho biết, sứ mệnh Hằng Nga-8 sẽ được phóng vào khoảng năm 2028, nhằm khám phá và nghiên cứu nhiều trường vật lý của Mặt Trăng và tiết diện địa chất khu vực, quan sát và nghiên cứu Trái đất từ Mặt Trăng, thực nghiệm và nghiên cứu việc phân tích mẫu vật và sử dụng tài nguyên Mặt Trăng tại chỗ, hệ sinh thái cạn quy mô nhỏ khép kín trên bề mặt Mặt Trăng và cùng với Hằng Nga-7 tạo thành cấu trúc cơ bản của Trạm nghiên cứu Mặt Trăng.

Thông báo được đưa ra tại Đại hội Hàng không Vũ trụ Quốc tế lần thứ 74 ở Baku, Azerbaijan hôm 2/10. Thời hạn đăng ký dự án hợp tác là trước 31/12/2023 và việc lựa chọn dự án cuối cùng sẽ hoàn thành vào tháng 9/2024.

Được biết, Trung Quốc đã triển khai tàu thăm dò không người lái lên Mặt Trăng trong sứ mệnh Hằng Nga-5 năm 2020. Nước này cũng đã lên kế hoạch phóng tàu thăm dò không người lái Hằng Nga-6 tới vùng tối của Mặt Trăng để lấy mẫu đất vào nửa đầu năm 2024, với việc mang theo các dự án vệ tinh và trọng tải của Pháp, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, Italy và Pakistan. Mục tiêu của Trung Quốc là đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào trước năm 2030.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang xúc tiến chương trình Artemis nhằm đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng vào cuối năm 2025, sau lần đầu tiên thực hiện vào năm 1972 trong chương trình Apollo.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-tim-kiem-hop-tac-quoc-te-trong-su-menh-tham-do-mat-trang-hang-nga-8-post1050256.vov