Trung Quốc tìm cách hỗ trợ tiền tệ khi đồng Nhân dân tệ chạm mức thấp nhất 16 năm

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập biên độ giao dịch giữa đồng Nhân dân tệ so với đồng USD ở mức cao bất ngờ, mở rộng nỗ lực chống lại các vụ đặt cược vào đồng tiền này khi đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Đồng Nhân dân tệ yếu đã thúc đẩy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng cường biện pháp bảo vệ. Ảnh: Bloomberg

Nhân dân tệ tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục

Bất chấp động thái từ PBoC, đồng Nhân dân tệ đã giảm 0,2% trong phiên giao dịch đầu ngày 8/9, xuống còn 7,3417 Rmb/USD, khiến đồng tiền này giảm khoảng 6% trong năm nay xuống mức thấp mới trong 16 năm.

Việc nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế đã đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm so với trái phiếu kho bạc Mỹ và đã thúc đẩy hơn 20 tỷ USD dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi thị trường chứng khoán trong nước trong năm nay. Điều đó đã tạo thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái.

Hui Shann - Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Goldman Sachs cho biết, tăng trưởng kinh tế chậm chạp có nghĩa là không có lựa chọn nào để tăng lãi suất phù hợp với lãi suất ở Mỹ, nên ngân hàng trung ương Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích quản lý sự sụt giảm của đồng tiền. “Hầu hết các nhà đầu tư vẫn dự đoán (đồng Nhân dân tệ) sẽ tiếp tục mất giá” - Shann nói.

Tuần trước, Trung Quốc đã công bố các biện pháp mạnh mẽ nhất gần đây nhằm vực dậy thị trường bất động sản đang suy yếu, nhưng các nhà phân tích cho rằng cần nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm của chính phủ là 5%, vốn là mục tiêu thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Những nỗ lực gần đây của PBoC nhằm hỗ trợ đồng Nhân dân tệ đã tập trung vào việc ấn định điểm giữa của biên độ giao dịch tiền tệ hàng ngày, xung quanh đó đồng Nhân dân tệ có thể giao dịch 2% theo cả hai hướng so với đồng USD. Vào ngày 8/9, PBoC đã ấn định mức cố định ở 7,215 Rmb/USD, cao hơn khoảng 0,11 Rmb so với dự báo đồng thuận từ các nhà phân tích được Bloomberg khảo sát.

Sự điều chỉnh mạnh hơn dự kiến được đưa ra sau khi dữ liệu ngày 7/9 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp và đẩy đồng tiền xuống dưới mức thấp nhất của tháng 10 năm ngoái, khi các thành phố trên cả nước buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 .

Mansoor Mohi-uddin - Kinh tế trưởng tại Bank of Singapore, cho biết: “Bạn có thể hiểu tại sao đồng Nhân dân tệ đang tạo ra những mức thấp mới vì đồng USD đang mạnh lên và các lựa chọn của PBoC (để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ) vẫn còn hạn chế”.

Ông nói thêm: “Ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục cố gắng sử dụng biện pháp khắc phục để ngăn chặn tỷ giá hối đoái trượt dốc mạnh hơn, điều này sẽ làm xấu đi tâm lý đối với Trung Quốc và dẫn đến dòng vốn chảy ra nhiều hơn và tỷ giá tiếp tục giảm. Họ không muốn rơi vào vòng luẩn quẩn đó”.

Nhưng, PBoC vẫn chịu áp lực phải tăng cường kích thích và thúc đẩy tăng trưởng. Dữ liệu kinh tế quan trọng tiếp theo sẽ được công bố vào ngày 9/9 về chỉ số giá tiêu dùng chính thức của tháng 8, mà các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự báo sẽ chỉ tăng 0,2% so với một năm trước.

Các chiến lược gia ngoại hối cho biết, trừ khi Bắc Kinh tung ra các biện pháp kích thích tài chính lớn hoặc sự phục hồi của đồng USD bắt đầu mờ nhạt, nếu không thì rất ít cơ hội xoay chuyển tình hình đối với đồng tiền của Trung Quốc.

Sean Callow - chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại Westpac cho biết, ngân hàng “khuyến nghị bán khống [so với đồng Nhân dân tệ] ngay bây giờ, và mặc dù phần lớn trong số đó là sức mạnh của đồng USD, nhưng thực sự cũng có rất ít bằng chứng về sự thay đổi trong tâm lý đối với đồng Nhân dân tệ trên thị trường”.

PBoC dường như đã sẵn sàng chấp nhận tỷ giá cao

PBoC cũng đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là duy trì bộ ba bất khả thi, trong đó cần ổn định tỷ giá hối đoái và ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài trong khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ độc lập. Tuy nhiên, nền kinh tế trì trệ và chính sách ôn hòa của Trung Quốc đang gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ, đặc biệt là khi dữ liệu phục hồi của Mỹ và chênh lệch lãi suất cao khiến các nhà đầu tư ưa chuộng đồng USD.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,8% trong tháng 8 so với một năm trước đó và nhập khẩu giảm 7,3%. Các số liệu này cải thiện so với dữ liệu tháng 7 nhưng phản ánh sự yếu kém liên tục của nền kinh tế. Ảnh: AFP/Getty Images

Bộ ba bất khả thi như vậy không phải là mới đối với Bắc Kinh, vốn đã xảy ra sau cú sốc đồng Nhân dân tệ mất giá vào năm 2015 và trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ 5 năm trước. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các nhà hoạch định chính sách có xu hướng ưu tiên tăng trưởng và cuối cùng cho phép giảm giá có kiểm soát, vì đồng Nhân dân tệ yếu hơn khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn.

Theo một báo cáo của Bloomberg, sự sụt giảm trên thị trường nước ngoài vào ngày 8/9 là đáng chú ý, vì đồng Nhân dân tệ đã vượt qua mức 7,35, mức mà các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang rất chú ý vào tháng trước. Đồng tiền cũng suy yếu nhất kể từ giữa tháng 8 so với rổ tỷ giá hối đoái.

“Việc ấn định tỷ giá yếu hơn cho thấy PBoC sẵn sàng chấp nhận tỷ giá Rmb/USD cao hơn miễn đó không phải là trường hợp cá biệt” - Kiyong Seong, chuyên gia chiến lược vĩ mô châu Á tại Societe Generale SA, cho biết. “Con đường tương lai của đồng Nhân dân tệ phần lớn phụ thuộc vào diễn biến chung của đồng USD, điều khó có thể nói trước vào thời điểm này. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây dường như ủng hộ dự báo cuối năm của chúng tôi là 7,60” – Seong cho biết thêm.

Đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh đến mức đồng tiền này đang tiến gần đến điểm yếu trong biên độ giao dịch 2% với đồng bạc xanh.

Gary Ng – chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis ở Hồng Kông, cho biết: “Tâm lý cũng bị ảnh hưởng bởi sự thiếu cải thiện thực sự của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Cho đến lúc đó, đồng Nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại về việc mất giá”.

Tất nhiên sự phục hồi của đồng Đô la không chỉ gây rắc rối cho Trung Quốc. Tại Ấn Độ, đồng Rupee cũng gần chạm mức yếu nhất trong lịch sử và Nhật Bản trong tuần này đã tăng cường cảnh báo bằng lời nói chống lại xu hướng giảm giá của đồng Yên khi đồng tiền này quay trở lại mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ.

Trung Quốc vẫn có thể đào sâu trong hộp công cụ của mình để trừng phạt những người đầu cơ giá xuống đồng Nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương có thể lựa chọn thiết kế một cuộc khủng hoảng tiền mặt ở Hồng Kông để đốt cháy các nhà đầu cơ bán khống tiền tệ hoặc khiến các nhà giao dịch bắt đầu giao dịch giảm giá với kỳ hạn trở nên đắt đỏ hơn.

Các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách làm chậm sự sụt giảm của đồng Nhân dân tệ bằng cách hướng dẫn các ngân hàng nhà nước bán USD và tăng nguồn cung ngoại hối trên thị trường nội địa.

Bắc Kinh cũng đã công bố một loạt các biện pháp chính sách khác nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có nhiều mục tiêu nhắm vào lĩnh vực bất động sản đang suy thoái.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế tại Goldman Sachs Group Inc, trong khi các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc đang dần được thực hiện, các nhà đầu tư khó có thể thấy đồng tiền này phục hồi nhanh chóng.

Một nhóm các chuyên gia cho biết: “Mặc dù việc quản lý thanh khoản đồng Nhân dân tệ có thể bền vững và hiệu quả để đẩy lùi kỳ vọng giảm giá một chiều, nhưng điều kiện hiện tại vẫn cho thấy áp lực lên đồng Nhân dân tệ đang suy yếu, đặc biệt là khi đồng USD mạnh lên”.

Hoàng Lê (theo The Financial Times/Bloomberg)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trung-quoc-tim-cach-ho-tro-tien-te-khi-dong-nhan-dan-te-cham-muc-thap-nhat-16-nam-135399.html