Trung Quốc tạm đóng cửa một lò phản ứng hạt nhân, Pháp lo lắng

Lò phản ứng hạt nhân Taishan EPR 1 ở Trung Quốc sắp tròn thời hạn sáu tháng ngừng hoạt động, do phát hiện dấu hiệu ăn mòn trên vỏ bọc thanh nhiên liệu. Điều này đặt ra câu hỏi cho sự an toàn của Flamanville 3 - lò phản ứng duy nhất có chung thiết kế với Taishan và đang được xây dựng ở Pháp.

Lò phản ứng hạt nhân Taishan EPR 1 ở Trung Quốc

Lò phản ứng hạt nhân Taishan EPR 1 ở Trung Quốc

Vào cuối tháng 6, báo trào phúng Canard Enchaîné của Pháp đã tiết lộ: Phát hiện thấy hiện tượng ăn mòn trên vỏ bọc của các thanh nhiên liệu. Tiếp đến, vào hôm 12/7, tờ báo này viết bài về "cái bóng Trung Quốc" đối với tham vọng hạt nhân của Pháp. Kể từ đó, có rất ít thông tin về thiệt hại trên lò Taishan EPR 1, làm dấy lên câu hỏi về số phận của EPR đang được xây dựng ở Flamanville (tỉnh Manche), vì lò EPR này có chung thiết kế với Taishan. Nhà máy được đặt cho biệt danh trong ngành là "Fla3", dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2024. Dự án đã trải qua 12 năm chậm trễ so với kế hoạch và những đợt trượt giá khổng lồ.

Cũng trong ngày 12/7, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) – doanh nghiệp nắm 30% cổ phần của cặp lò hạt nhân đặt tại nhà máy điện Taishan, đã tuyên bố không có "rủi ro an toàn" nào xuất hiện từ lò phản ứng ở Manche, nhưng không đề cập đến câu hỏi về thời hạn hoàn thành dự án cũng như về vấn đề tại Trung Quốc. Họ nói: "Những nghiên cứu do EDF thực hiện với sự hỗ trợ của Framatome (nhà sản xuất vỏ bọc thanh nhiên liệu) đã cho thấy kết luận rằng, lõi đầu tiên của Flamanville 3 không chứa rủi ro an toàn nào liên quan đến hiện tượng ăn mòn lớp vỏ bọc thanh nhiên liệu”.

Những vỏ bọc này là yếu tố trọng tâm của một công trình lò phản ứng hạt nhân, vì chúng chứa những viên uranium nén, cần thiết cho việc sản xuất điện năng.

Tuy nhiên, EDF nói rõ: "Tình trạng ăn mòn vỏ thanh nhiên liệu là một hiện tượng quen thuộc, đã xảy ra gần đây tại nhà máy hạt nhân của Pháp". Chúng tôi đang cải thiện bằng cách thay đổi đặc tính luyện kim của lớp phủ thanh nhiên liệu (tăng hàm lượng sắt). Nếu cần thiết, tình trạng này sẽ được "đưa vào những nghiên cứu an toàn”.

Tập đoàn này đã không nêu rõ tên của lò phản ứng có liên quan.

Hiện tại, EDF phải cung cấp phản hồi về phát hiện này và gửi cho Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN) "một tài liệu để chờ kiểm tra trước khi đưa Flamanville 3 vào vận hành".

Tương lai của dự án trong năm 2024

Cho đến nay, cả EDF và Framatome đều không phủ nhận sự tồn tại của vấn đề ăn mòn này tại nhà máy điện Taishan. Họ cũng đề cập đến một thông cáo báo chí ngày 9/6 của CGN - nhà điều hành nhà máy điện Taishan (Trung Quốc). Trong thông cáo báo chí này, CGN đề cập đến việc tạm cho ngừng hoạt động lò phản ứng từ ngày 31/1/2023 để tiếp thêm nhiên liệu theo lịch trình. Trong thời gian ngừng hoạt động này, CGN đã thực hiện "một số đợt kiểm tra và thử nghiệm", mà không hề đề cập đến vấn đề bị ăn mòn này.

Mặt khác, theo Canard Enchaîné, sau khi "kiểm tra chéo thông tin ", họ khẳng định lò phản ứng đã bị "buộc dừng hoạt động trong bí mật" do "tình trạng oxy hóa quá mức của lớp vỏ thanh nhiên liệu". IRSN - cơ quan chuyên về an toàn hạt nhân ở Pháp, từng giải thích rằng vỏ bọc có “nguy cơ oxy hóa, với tốc độ tùy thuộc vào hàm lượng sắt sử dụng để đúc ra vỏ bọc, cũng như điều kiện vận hành”.

Trong khi đó, theo một nguồn tin nội bộ tại EDF: "Ban điều hành hoàn toàn yên tâm về chủ đề này". Họ cho rằng đó chỉ là "vấn đề nạp nhiên liệu và việc này sẽ do Framatome xử lý". Từ đó, họ khẳng định tiến trình hoàn thành thi công nhà máy Flamanville 3 sẽ không còn bị chậm trễ nữa.

Ở phương diện ngoài cuộc, ông Nicolas Goldberg - chuyên gia năng lượng tại Colombus Consulting, cho biết tình hình đòi hỏi "ít nhất phải theo dõi". Theo ông: “Flamanville EPR không nhất thiết phải bị chậm trễ nữa, nhưng chuyện này sẽ là một yếu tố bổ sung vào khả năng thay đổi tiến trình kế hoạch”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-tam-dong-cua-mot-lo-phan-ung-hat-nhan-phap-lo-lang-689352.html