Trung Quốc siết chặt quy định quản lý KOL, KOC trên môi trường mạng

Theo kế hoạch, Bộ Công an Trung Quốc sẽ ngăn chặn các thông tin sai lệch trực tuyến, được phổ biến bởi các KOL hoặc KOC trên Internet, cũng như các tác nhân cố gắng trục lợi từ việc lan truyền tin đồn.

Ảnh minh họa.

Theo TechCrunch, ngày 23/12, Bộ Công an Trung Quốc (MPS) đang xác định lỗ hổng trong quản lý các nền tảng xã hội, đồng thời thiết lập "danh sách đen" đối với các tài khoản bất hợp pháp, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này.

Các biện pháp mới sẽ được thực hiện đối với những người có ảnh hưởng trên Internet theo quy định của pháp luật, như cảnh báo và đình chỉ tài khoản.

Đối với các nền tảng Internet thường xuất hiện các tin đồn trực tuyến, gặp khó khăn trong việc xác thực thông tin chủ tài khoản và còn nhiều lỗ hổng rủi ro, MPS sẽ nhắc nhở, yêu cầu khắc phục những vấn đề hạn chế trong một khoảng thời gian nhất định.

MPS sẽ huy động toàn xã hội tham gia quản lý tin đồn trực tuyến, bao gồm các công ty Internet, hiệp hội ngành nghề, tình nguyện viên mạng và các tổ chức nghiên cứu.

Định hướng giá trị trong lĩnh vực truyền thông, thương mại điện tử và giải trí sẽ được chấn chỉnh, triệt tiêu trào lưu "bất chấp tất cả nhằm mục đích duy nhất là thu hút được nhiều sự chú ý".

Cùng với đó là thiết lập danh sách đen các tài khoản mạng xã hội bất hợp pháp trên tất cả các nền tảng, hạn chế những pháp nhân đã từng phạm luật có cơ hội tiếp tục tham gia sản xuất nội dung trực tuyến.

MPS tuyên bố sẽ tăng cường hướng dẫn công khai và nhắc nhở các KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (nhóm người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường), chủ động giải thích các quy định liên quan, đồng thời giáo dục và hướng dẫn những người có ảnh hưởng trực tuyến tuân thủ luật pháp trong việc chống lan truyền tin đồn thất thiệt.

Từ tháng 4-7/2023, MPS đã thực hiện chiến dịch đặc biệt kéo dài 100 ngày để hạn chế các tin đồn trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, an ninh Trung Quốc đã xử lý hơn 4.800 vụ việc, xử phạt hơn 6.300 cá nhân vì tội tung tin đồn thất thiệt và vô hiệu hóa 34.000 tài khoản bất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Hồi tháng 5, cảnh sát tỉnh Gansu (Trung Quốc) bắt giữ một người đàn ông họ Hong đã sử dụng ChatGPT viết bài báo giả mạo về một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng trong một bài đăng trên mạng xã hội Baijiahao ngày 25/4.

Nghi phạm cho biết, mục đích của bài đăng này là để "câu view". Ngay sau đó, tin giả này đã thu hút được hơn 15.000 lượt xem và đã có 20 tài khoản lan truyền.

Ông Hong đã lợi dụng ChatGPT để tạo ra các phiên bản khác nhau của bài báo giả mạo nhằm vượt qua bộ phận kiểm duyệt trên nền tảng Baijiahao. Người đàn ông này sẽ phải đối diện với hình phạt 10 năm tù giam và những hình phạt bổ sung khác.

Vụ bắt giữ người đàn ông họ Hong xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc gần đây liên tục cảnh báo người dân cẩn trọng trước những công cụ AI như ChatGPT vì nó có thể đưa ra thông tin sai lệch hoặc phỉ báng.

ChatGPT đang trở nên ngày càng phổ biến và nhiều quốc gia đang lo ngại về sức mạnh phát triển của trí tuệ nhân tạo. Giới chuyên gia của Gartner cho rằng, ngành công nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và các cơ quan quản lý đang nỗ lực đuổi kịp và kiểm soát nó.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-siet-chat-quy-dinh-quan-ly-kol-koc-tren-moi-truong-mang-post30424.html