Trung Quốc sắp 'đào xới' gì trên Mặt trăng? Là điều Mỹ, Nga chưa từng nghĩ đến

Sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo của Trung Quốc nhằm mục đích làm điều mà chưa quốc gia nào từng thực hiện cho đến nay.

Trung Quốc "bận rộn" với chương trình Mặt trăng mới

CNN dẫn lời các quan chức Trung Quốc cho biết, sứ mệnh Mặt trăng của Trung Quốc nhằm mang về những mẫu đầu tiên được thu thập từ phía xa của Mặt trăng đã được lên lịch vào năm 2024.

Cụ thể, cơ quan Quản lý vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết trong một tuyên bố hồi cuối tháng 9/2023 rằng việc chuẩn bị cho sứ mệnh theo kế hoạch tiếp theo - có tên là Chang'e-6 (Hằng Nga-6) - đang tiến triển suôn sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng vệ tinh chuyển tiếp Queqiao 2 đi kèm của sứ mệnh sẽ được triển khai trên quỹ đạo Mặt trăng trong nửa đầu năm 2024.

Hình ảnh mô phỏng hiển thị tàu thăm dò Chang'e-6 của Trung Quốc. Ảnh: VCG

Queqiao 2 giúp tạo điều kiện liên lạc giữa tàu thăm dò Chang'e-6 và Trái đất.

Hu Hao, nhà lập kế hoạch cấp cao của cơ quan quản lý phụ trách sứ mệnh Chang'e 6, cho biết, tàu vũ trụ Chang'e 6 sẽ bao gồm 4 thành phần - một mô-đun quỹ đạo, tàu đổ bộ, thiết bị bay lên và mô-đun trở về Trái đất.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu vũ trụ của Chang'e-6 sẽ chạm xuống lưu vực Nam Cực-Aitken và thu thập các mẫu bụi và đá ở đó.

Cho đến nay, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc đã đưa các chất từ Mặt trăng về Trái đất, nhưng chưa ai trong số họ lấy được mẫu từ phía xa Mặt trăng. Với Chang'e-6, Trung Quốc hy vọng có thể thay đổi điều đó.

Cho đến nay, chưa quốc gia nào lấy được mẫu từ phía xa Mặt trăng. Ảnh: NASA/LRO

Theo các nhà khoa học, lực thủy triều tác động lên Trái đất đã làm chậm quá trình quay của Mặt trăng đến mức một mặt luôn hướng về hành tinh. Phía bên kia, hầu hết không bao giờ được nhìn thấy từ Trái đất, là phía xa của Mặt trăng.

Mặc dù phía xa đã được chụp ảnh nhiều bởi tàu vũ trụ, bắt đầu từ tàu thăm dò của Liên Xô vào năm 1959, nhưng chưa có tàu thăm dò nào chạm tới nó cho đến khi sứ mệnh Chang'e 4 của Trung Quốc hạ cánh xuống miệng núi lửa Von Karman ở lưu vực Nam Cực-Aitken hồi tháng 1/2019.

Sứ mệnh Chang'e-6 đang được tích cực triển khai trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường kế hoạch đầy tham vọng đưa phi hành gia đổ bộ lên Mặt trăng trong thập kỷ này, đồng thời hướng đến việc xây dựng một Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) năm 2040.

Đầu tháng 10/2023, CNSA thông báo sứ mệnh Chang'e-8 dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2028.

Hôm 2/10, tại Đại hội Hàng không Quốc tế tổ chức ở Baku, Azerbaijan, các quan chức Trung Quốc kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu cho chuyến thám hiểm Mặt trăng không người lái của nước này.

Theo một tài liệu đi kèm được công bố trên trang web của CNSA, nhóm chỉ huy sứ mệnh Chang'e-8 năm 2028 tại mặt đất của Trung Quốc sẽ chào đón các dự án "cấp sứ mệnh tương đương" với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác.

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc mời hợp tác toàn cầu trong khuôn khổ sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Chang'e-8. Ảnh: Orient

Điều này có nghĩa là Trung Quốc và các đối tác quốc tế có thể hợp tác cùng nhau trong việc phóng tàu vũ trụ và vận hành quỹ đạo, tiến hành các "tương tác" giữa tàu vũ trụ với tàu vũ trụ và cùng nhau khám phá bề mặt Mặt trăng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết điều này có thể cho phép các đối tác quốc tế tiến hành nghiên cứu Mặt trăng bằng cách "đi nhờ" từ sứ mệnh này.

Trung Quốc hy vọng các sứ mệnh Chang'e- 6 (năm 2024), Chang'e-7 (năm 2026) và Chang'e-8 (2028) sẽ tạo ra dữ liệu có giá trị hướng tới việc xây dựng Trạm nghiên cứu quốc tế lâu dài trên cực Nam Mặt trăng vào năm 2040 - một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc để trở thành một cường quốc không gian.

Mở rộng quan hệ quốc tế của Bắc Kinh thông qua hợp tác không gian cũng là một phần trong kế hoạch trở thành một cường quốc không gian - mặc dù cho đến nay chỉ có một số quốc gia được cho là đã tham gia vào Trạm nghiên cứu mặt trăng theo kế hoạch của họ. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ bao gồm Nga, Venezuela và Nam Phi.

Theo CNSA, tàu vũ trụ Chang'e-6 cũng sẽ mang theo dụng cụ khoa học và vệ tinh từ 4 đối tác quốc tế. Chúng bao gồm một thiết bị do Pháp sản xuất để phát hiện khí radon; Máy dò ion âm của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA); Gương phản xạ góc laser của Ý để hiệu chỉnh hệ thống radar; và CubeSat của Pakistan, một vệ tinh thu nhỏ hình vuông.

Chang'e-6 dự kiến sẽ được tiếp nối bởi Chang'e-7 vào năm 2026, nhằm mục đích tìm kiếm tài nguyên Mặt trăng trên cực Nam và sứ mệnh Chang'e-8 năm 2028 có thể giúp các nhà khoa học Trung Quốc xem xét cách sử dụng vật liệu Mặt trăng.

CNSA cho biết, tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Chang'e-8 cũng sẽ có chỗ cho tổng 200 kg dụng cụ khoa học tích hợp từ các đối tác quốc tế.

Trung Quốc bắt đầu chương trình Mặt trăng vào năm 2004 và đã phóng 5 tàu thăm dò kể từ năm 2007. Nhiệm vụ gần đây nhất của họ chính là Chang'e-5.

Trung Quốc không đơn độc: Nga, Mỹ, châu Á cũng "bận rộn" không kém

Trước đó, Bắc Kinh đã gặt hái một loạt thành tích không gian nổi bật. Đơn cử, năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thám hiểm tới phía xa của Mặt trăng.

Năm 2020, sứ mệnh Chang'e-5 của nước này thiết lập kỳ tích đỉnh cao khi mang 1,731 gram đá và đất Mặt trăng về Trái đất - mang những chất đầu tiên trên Mặt trăng cho con người kể từ thời Apollo hồi thế kỷ 20 của Mỹ.

Đó cũng là lý do, nhóm phụ trách sứ mệnh Chang'e 5 nhận được giải thưởng nhóm cao nhất (Giải thưởng Thành tích đồng đội năm 2023) từ Học viện Du hành vũ trụ Quốc tế tổ chức ngày 1/10/2023 tại Baku, thủ đô của Azerbaijan.

Chang'e 5 không chỉ là dự án đầu tiên của Trung Quốc thu được đá và đất từ bề mặt Mặt Trăng mà còn là nỗ lực đầu tiên của thế giới thực hiện việc này trong hơn 40 năm kể từ khi sứ mệnh Mặt trăng cuối cùng diễn ra vào năm 1976. Ảnh: Polyu

Cùng năm 2022, quốc gia tỷ dân hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ quỹ đạo Thiên Cung; Đồng thời công bố kế hoạch trở thành quốc gia thứ hai (sau Mỹ) thực hiện sứ mệnh có người lái lên Mặt trăng năm 2030.

Tất nhiên, Trung Quốc không đơn độc trong hành trình đưa tàu và tiến tới đưa người lên Mặt trăng khi nhiều quốc gia chú ý đến lợi ích khoa học tiềm năng, uy tín quốc gia và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên cũng như khám phá không gian sâu hơn mà các sứ mệnh Mặt trăng thành công có thể mang lại.

Mỹ cũng đã thúc đẩy chương trình Mặt trăng của mình - khởi động thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tên lửa SLS vào năm 2022 theo Chương trình Artemis, nhằm mục đích đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng vào năm 2025; và xây dựng một căn cứ khoa học ở đó. NASA cũng đang để mắt tới cực Nam Mặt trăng.

Giống như Trung Quốc, Mỹ cũng đang tập hợp các đối tác quốc tế, với hơn 20 quốc gia ký kết các quy định của Hiệp định Artemis về "thăm dò không gian sâu một cách hòa bình".

Tại châu Á, các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đều có những sứ mệnh nhất định hướng đến Mặt trăng.

Về phía Nga, sứ mệnh Luna-25 thất bại nhưng không làm lung lay quyết tâm của Nga trong hành trình lên Mặt trăng. Người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos - ông Yury Borisov cho biết sứ mệnh Luna-25 có thể được khởi động lại trong năm 2025.

Sau Luna-25, Nga lên kế hoạch triển khai tiếp các sứ mệnh Luna-26, Luna-27 và Luna-28 – lần lượt vào năm 2027, 2028 và không sớm hơn năm 2030. Thậm chí, các kế hoạch này có thể đẩy sớm hơn nữa để Nga nhanh chóng có được những kết quả mà nước này muốn.

Nguồn: CNN, Chinadaily

Trang Ly

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trung-quoc-sap-dao-xoi-gi-tren-mat-trang-la-dieu-my-nga-chua-tung-nghi-den-192231005155857034.htm