Trung Quốc 'quay lưng' với Nga trong tham vọng vươn lên vũ trụ?

Bản thiết kế mới nhất của Trung Quốc về Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) đã không còn tên các đối tác Nga.

Các sứ mệnh lên mặt trăng của Nga đã biến mất khỏi bản thiết kế mới nhất của Trung Quốc về Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), một dự án do hai nước cùng khởi xướng nhằm xây dựng một căn cứ gần cực nam Mặt trăng.

Sứ mệnh Luna-25 xuất phát từ sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur viễn đông của Nga. Ảnh: TNS.

Theo đề xuất trước đó, Trung Quốc và Nga mỗi nước sẽ gửi 6 tàu vũ trụ để hoàn thiện căn cứ trên mặt trăng. Tuy nhiên, các sứ mệnh do Nga thực hiện không còn xuất hiện trong bản công bố thiết kế một nhà khoa học vũ trụ cấp cao Trung Quốc đưa ra tại Đại hội Hàng không Quốc tế, diễn ra tuần này ở Baku, Azerbaijan.

Yu Dengyun, Phó Giám đốc thiết kế chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, đã chia sẻ về mục tiêu và chiến lược xây dựng ILRS hồi đầu tuần nay. Tuy nhiên, hồ sơ mà chuyên gia này trình bày chỉ bao gồm các dự kiến phóng tên lửa trong tương lai của Trung Quốc – các tên lửa Hằng Nga 4, 6, 7 và 8, và những tên lửa bay cùng tên lửa hạng nặng của Trung Quốc sau năm 2030.

Tất cả các phái đoàn đối tác được cho là sẽ cùng xuất hiện với phái đoàn của Trung Quốc trong các bản công bố trước đây đều không còn trong bản công bố mới nhất này. Trong đó bao gồm Luna-25 của Nga- đã rơi xuống bề mặt mặt trăng hồi tháng 8 trong một sự kiện nhằm hạ thấp quỹ đạo của tàu vũ trụ để chuẩn bị hạ cánh, cũng như ba lần phóng tiếp theo – Luna 26 đến 28 – do cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos lên kế hoạch cho năm 2027 đến năm 2030.

Các sứ mệnh trước đây như kế hoạch phóng tên lửa hạng nặng Angara của Nga cho giai đoạn xây dựng chính của ILRS cũng không xuất hiện trong bài thuyết trình của Yu.

Theo SCMP, sự cố bất ngờ của Luna-25 đã làm gián đoạn lịch trình dự kiến của Nga và việc sứ mệnh này không còn trong bản thiết kế chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát không gian cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc quyết định quay lưng lại với Nga sau kết quả của Moscow trong lĩnh vực không gian những năm gần đây.

Jonathan McDowell, nhà sử học và nhà thiên văn học về chương trình không gian tại Đại học Harvard, cho biết: “Luna-25 là nỗi xấu hổ mới nhất đối với ngành vũ trụ Nga".

Theo chuyên gia này, danh tiếng ngày càng mờ nhạt của ngành vũ trụ Nga kết hợp với sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc đối với ngành vũ trụ trong nước khiến kết nối với Nga trở nên kém hấp dẫn và ít cần thiết hơn.

Trong khi đó, Namrata Goswami, một học giả chính sách không gian độc lập tại Alabama, Mỹ, cho biết sự vắng mặt của các sứ mệnh Nga trong bài thuyết trình của chuyên gia Yu không hẳn là tín hiệu quay lưng trực tiếp từ Trung Quốc.

Theo Goswami, sự điều chỉnh tinh tế trong slide của Yu có thể giống “một động thái chiến lược của Trung Quốc nhằm thuyết phục các quốc gia đối tác đăng ký tham gia ILRS”.

Việc đề cập đến Luna-25 đến 28 ở bản thiết kế có thể “gây đắn đo cho các quốc gia ký kết ILRS vì những gì đang xảy ra ở Ukraine”, chuyên gia này cho biết.

Một phiên bản trước đó về lộ trình của ILRS, có sự xuất hiện của tất cả các phái đoàn đối tác từ Nga, đã được trình bày vào tháng 5 trước Ủy ban về Sử dụng Hòa bình Không gian Ngoài, thuộc Văn phòng Các vấn đề Ngoài Không gian của Liên Hợp Quốc.

Vào tháng 8, một phái đoàn Trung Quốc do Wu Weiren, nhà thiết kế chính của chương trình thám hiểm không gian sâu do Trung Quốc dẫn đầu, đã được mời tham dự sự kiện phóng Luna-25 ở vùng viễn đông của Nga.

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội hôm 3/10, cơ quan Roscosmos cho biết nguyên nhân cao gây ra sự cố của Luna-25 là do hoạt động bất thường của máy tính trên tàu vũ trụ. Đây là sứ mệnh lên mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ Luna-24 năm 1976.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-quay-lung-voi-nga-trong-tham-vong-vuon-len-vu-tru.html