Trung Quốc nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản: Liệu có khả thi?

Viết trên tờ SCMP, tác giả Frank Chen đã đặt câu hỏi liệu nhiều chính sách nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng có ngăn chặn được làn sóng suy thoái trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Theo Frank, sự thay đổi trong cách tiếp cận được các nhà phân tích hoan nghênh, nhưng hầu hết đều cho rằng cần có những động thái tham vọng hơn để xoay chuyển tình thế.

Trung Quốc nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản Trung Quốc.

Trung Quốc nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản Trung Quốc.

Một loạt chính sách mới từ Bắc Kinh, nhằm tạo cú hích cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cả về phía cung và cầu, đã làm dấy lên kỳ vọng sự sụt giảm bất động sản đang đè nặng lên nền kinh tế quốc gia có thể được giảm bớt..

Để xua tan bóng tối phủ lên thị trường bất động sản sau hàng loạt vụ vỡ nợ từ các nhà phát triển lớn, chính quyền Trung Quốc đã chấp thuận cho chính quyền địa phương đóng vai trò là người mua cuối cùng đối với đất chưa phát triển và nhà ở chưa bán. Điều này mang lại cho các địa phương một cách khác để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này, khi các cơ quan quản lý tài chính đổ tiền vào và các hạn chế về thế chấp được nới lỏng.

Chính phủ cũng như các doanh nghiệp nhà nước có thể mua kho dự trữ nhà trống và đất chưa phát triển từ các nhà xây dựng đang gặp khó khăn. Tiền cho những thương vụ mua lại này sẽ được tài trợ thông qua ngân hàng trung ương Trung Quốc và việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương. Các ngân hàng thương mại, thông qua khoản tài chính cho vay lại 300 tỷ nhân dân tệ (41,5 tỷ USD) từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, có thể đầu tư lên tới 500 tỷ nhân dân tệ.

Thuốc đắng chưa "dã" được tật?

Nhưng ngay cả với sự thay đổi trong cách tiếp cận này, các nhà quan sát dường như vẫn chưa sẵn sàng tuyên bố cuộc khủng hoảng sắp kết thúc. Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết: “Hiệu ứng thực sự quá nhỏ để tạo ra nhiều hơn một sự khác biệt nhỏ. Toàn bộ chương trình nghe như một lời khuyên dành cho các nhà phát triển đang ốm yếu.”

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley - ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ tăng 4,8% trong năm nay và 4,5% vào năm tới - cho biết họ tin rằng sự ổn định dần dần của thị trường nhà ở thông qua các chính sách mới có thể mang lại một số bước đệm cho nền kinh tế Trung Quốc, khi những căng thẳng về thương mại có thể làm chậm hoạt động xuất khẩu của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh việc vực dậy lĩnh vực bất động sản sẽ mất nhiều thời gian. “Trọng tâm có thể dần dần chuyển từ nâng cấp sản xuất trong năm nay sang ổn định nhà ở vào năm tới.”

Vấn đề giảm nguồn cung nhà ở đã được thảo luận tại cuộc họp cuối tháng 4 vừa qua của Bộ Chính trị Đảng Công sản Trung Quốc. Các nhà phân tích Jizhou Dong và Riley Jin của Nomura cho biết: “Có thể có nhiều hỗ trợ hơn trong thời gian tới”. “Chúng tôi tin rằng việc nhanh chóng đưa ra gói chính sách, với các chi tiết thực hiện được cho là còn hạn chế, cũng cho thấy chính quyền trung ương ngày càng cấp bách trong việc giảm bớt vòng xoáy đi xuống của lĩnh vực bất động sản.”

Trong bài xã luận trên trang nhất hôm thứ hai vừa qua, Nhật báo Chứng khoán của Trung Quốc cho rằng kế hoạch mới sẽ giúp các nhà phát triển bất động sản giảm tồn đọng hàng tồn kho, tạo ra dòng tiền và cải thiện tình hình tài chính của họ. Nhưng tờ báo cũng cảnh báo về những rủi ro tài chính và sự cần thiết phải ngăn chặn bất kỳ khoản nợ xấu nào tăng đột biến.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, đã so sánh kế hoạch mua này với Chương trình cứu trợ tài sản gặp khó khăn (TARP) do Hoa Kỳ triển khai năm 2009 nhằm thu hồi các tài sản độc hại, một phần trong cuộc chiến lớn hơn nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn.

Tuy nhiên, ông nói, các doanh nghiệp nhà nước có thể thiếu động lực để mua những ngôi nhà chưa bán được để làm nhà ở xã hội – và nhiều chính quyền địa phương đang mắc nợ quá nhiều để mua đất mà họ đã bán.

“Với khoản tài trợ 300 tỷ nhân dân tệ từ PBOC, họ cũng cho biết các ngân hàng thương mại cần 'hành động theo ý mình và tự chịu rủi ro' khi cho vay. Các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro tín dụng đáng kể và do đó không muốn cho vay”, ông nói.

Ngoài ra, khoản vay ngân hàng thương mại trị giá 500 tỷ nhân dân tệ được ngân hàng trung ương cho vay lại chỉ chiếm 0,4% GDP của Trung Quốc, ông Hu cho biết - thấp hơn nhiều so với mức 5% GDP của Mỹ mà Washington có thể xử lý theo TARP.

Macquarie Capital ước tính số tiền cần thiết là 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (276,8 tỷ USD) nếu chính phủ muốn giảm số tháng cần thiết để dỡ bỏ kho nhà ở của đất nước từ con số 28 hiện tại xuống mức an toàn hơn là 18.

Theo Hu, “Chính phủ Trung Quốc có thể giúp lấp đầy khoảng trống mà những người mua nhà bi quan để lại và cung cấp thanh khoản cho các nhà phát triển. Nhưng số tiền là chưa đủ".

(Theo SCMP)

Hà Linh (gt)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-no-luc-giai-cuu-thi-truong-bat-dong-san-lieu-co-kha-thi-272049.html