Trung Quốc nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông

Trung Quốc đang cố gắng tạo vai trò lớn hơn tại Trung Đông bằng việc cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước lớn trong khu vực này để giải quyết tranh chấp và đảm bảo ổn định.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong một sự kiện năm 2021. Ảnh: AP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cam kết này được tái khẳng định bởi đặc phái viên Trung Quốc về Trung Đông Zhai Jun vào ngày 17/8. Ông Zhai Jun đề cập rằng Trung Quốc lo ngại về các diễn biến trong khu vực.

Ông Zhai Jun cũng nhấn mạnh đến những cam kết gần đây của Trung Quốc với Trung Đông, bao gồm hai chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị kèm phát biểu ủng hộ chủ quyền của các quốc gia đang phải đối mặt với xung đột nghiêm trọng, phản đối can thiệp của nước ngoài và hợp tác trong chống dịch COVID-19.

Ông Zhai đánh giá chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị cùng đề xuất của Trung Quốc về ổn định tại Syria, xung đột Israel-Palestine, thỏa thuận hạt nhân Iran và hòa bình Trung Đông chứng tỏ “Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ luật pháp quốc tế, giải quyết xung đột và tranh chấp để đóng góp trí tuệ của Trung Quốc đối với tìm kiếm ổn định lâu dài trong khu vực”.

Bên cạnh đó, ông Zhai cho biết Trung Quốc cũng muốn hợp tác với các quốc gia Trung Đông xây dựng “cơ chế an ninh tập thể cho khu vực”. Ông nêu rõ: “Trong tương lai, Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với các nước ở Trung Đông trong việc tăng cường hợp tác chống đại dịch… bảo vệ công bằng và công lý, xây dựng an ninh tập thể và quan hệ đối tác ở cấp độ cao hơn”.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia duy trì quan hệ với cả các nước Arab cũng như Israel và Iran. Bắc Kinh cho biết chủ quyền lãnh thổ của Syria cần được tôn trọng và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chế độ ở quốc gia này.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường cam kết với khu vực khi đề nghị giúp đỡ các quốc gia Trung Đông chiến đấu với COVID-19 và thúc đẩy các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Bắc Kinh và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Về phần Iran, Trung Quốc đã cam kết tăng cường quan hệ với Tehran và phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này.

Theo các con số chính thức, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Arab khi thương mại song phương đạt mức 24 tỷ USD trong năm 2020. Trung Đông cũng là nguồn xuất khẩu dầu thô lớn nhất đến Trung Quốc.

Trung Đông có vị trí đặc biệt ở đường giao của châu Âu, châu Phi và châu Á do vậy nhận đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc qua các dự án “Vành đai, Con đường”.

Chuyên gia Sun Degang tại Đại học Fudan nhận định Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông đang đối mặt với thách thức an ninh ngày càng tăng khi Mỹ chuyển tập trung chiến lược đến châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Sun Degang nói: “Mỹ đã giảm tập trung chính sách đối ngoại vào Trung Đông và chuyển đến vùng châu Á-Thái Bình Dương. Điều này có thể dẫn đến khoảng trống quyền lực và thiếu hụt an ninh đe dọa đến an toàn của công dân Trung Quốc cũng như đầu tư vào khu vực”. Do đó, ông Sun cho rằng Trung Quốc đang tìm cách hợp tác trực diện với các quốc gia Trung Đông để ngăn chặn nguy cơ rủi ro tăng cao.

Theo ông Sun, Trung Quốc đang hướng đến cách tiếp cận là tham gia vào các cuộc tham vấn đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để thúc đẩy ổn định khu vực.

Trong khi đó, chuyên gia Li Guofu tại Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết khái niệm về an ninh tập thể mà Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra trong năm 2020 là cơ chế mới để giảm thiểu rủi ro trong khu vực nơi lợi ích của Trung Quốc được mở rộng, đặc biệt với “Vành đai, Con đường”.

Ngày 17/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ tổ chức Hội chợ Trung Quốc-các quốc gia Arab lần thứ 5 tại khu tự trị Ningxia Hui nơi có nhiều người dân theo đạo Hồi. Trên 239 công ty sẽ tham gia vào hội chợ này với nhiều lĩnh vực như năng lượng sạch, y tế, kinh tế điện tử…

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-no-luc-gia-tang-anh-huong-tai-trung-dong-20210819175436872.htm