Trung Quốc gia tăng kiểm soát nguồn cung LNG trên thị trường toàn cầu

Gần đây, Trung Quốc gấp rút ký các hợp đồng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn mới, cho phép Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với thị trường toàn cầu vào thời điểm mà sự cạnh tranh mua các lô hàng LNG bùng nổ.

Một bồn chứa LNG ở cảng Như Đông, thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một bồn chứa LNG ở cảng Như Đông, thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Kiểm soát nguồn cung LNG trong nhiều thập niên tới

Các công ty Trung Quốc đã ký kết nhiều thỏa thuận mua LNG nhất so với bất kỳ nước nào. Họ cũng bán lại nhiều lô hàng LNG cho những người trả giá cao nhất ở châu Âu và châu Á để kiếm lời. Động thái này cho thấy họ đang đảm trách trò quan trọng cho nguồn cung LNG trên thị trường.

Theo dữ liệu của Bloomberg, các công ty có trụ sở tại Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng số các hợp đồng mua LNG sẽ bắt đầu giao cho đến năm 2027. Tỷ lệ này sẽ tăng lên khi các công ty Trung Quốc tìm cách chốt các thỏa thuận mua LNG dài hạn hơn. Điều này giúp họ kiểm soát nguồn cung LNG toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

Từ lâu, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng đối với các mặt hàng quan trọng đối với cả nền kinh tế quốc gia và quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới. Giờ đây, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một trong những nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.

Vị thế kiểm soát của quốc gia châu Á này trên thị trường LNG có thể là con dao hai lưỡi. Trung Quốc có thể mang lại sự ổn định trong thời kỳ năng lượng thiếu hụt, nhưng nước này cũng có thể găm nguồn cung LNG để bảo đảm nguồn cung trong nước và đẩy giá lên cao.

Trong báo cáo về triển vọng nguồn cung LNG hàng năm công bố hồi tuần trước, Tập đoàn dầu khí Shell cho biết: “Từ một thị trường nhập khẩu, Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng sang vai trò linh hoạt hơn với năng lực cân bằng thị trường LNG toàn cầu ngày càng tăng”.

Ảnh hưởng của Trung Quốc có thể thấy rõ vào năm ngoái trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khi các chính sách “zero Covid” và giá LNG giá giao ngay cao ngất ngưởng hạn chế nhu cầu trong nước, khiến Bắc Kinh phải bán các lô hàng LNG dư thừa đến các khu vực thiếu thốn năng lượng.

Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại Ngân Credit Suisse Group, nói: “Nếu không nhờ nhu cầu LNG của Trung Quốc giảm vào năm 2022, thị trường khí đốt toàn cầu và an ninh năng lượng của châu Âu sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn nhiều”.

Trung Quốc đã bán lại ít nhất 5,5 triệu tấn LNG vào năm ngoái, theo báo cáo nghiên cứu của ENN Energy. Con số này tương đương khoảng 6% tổng khối lượng LNG trên thị trường giao ngay, khiến Trung Quốc đột nhiên trở thành một nhà cung cấp lớn.

Mua LNG của Mỹ nhiều hơn bất cứ nước nào

Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng mua LNG với các dự án xuất khẩu của Mỹ hơn bất kỳ nước nào khác kể từ năm 2021, theo dữ liệu của Bloomberg. Năm ngoái, Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) đã ký một trong những thỏa thuận mua LNG lớn nhất từ trước đến nay với Qatar. Các công ty Trung Quốc đang đàm phán để ký nhiều thỏa thuận mua dài hạn nữa với các nhà xuất khẩu LNG ở Mỹ, Qatar, Oman, Malaysia và Brunei.

Các nhà phân tích của Bloomberg cho biết khối lượng LNG mua theo hợp đồng dài hạn của Trung Quốc có khả năng tăng 12% vào năm 2023 khi Trung Quốc chốt các thỏa thuận mới với Mỹ và Qatar. Mức căng thẳng của nguồn năng lượng trong năm nay một lần nữa có thể phụ thuộc vào việc Trung Quốc quyết định bán lại bao nhiêu LNG ra thị trường nước ngoài.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định này là tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Thị trường lo ngại sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ thắt chặt nguồn cung LNG toàn cầu, châm ngòi cho một đợt tăng giá khác. Tuy nhiên, quy mô của sự phục hồi nhu cầu LNG ở Trung Quốc là không chắc chắn trong bối cảnh hoạt động nhập khẩu khí đốt qua đường ống và sản xuất khí đốt trong nước vẫn mạnh mẽ.

Trong thập niên qua, nhiều nước nhập khẩu LNG lớn khác cũng trở thành người bán. Nhật Bản, theo truyền thống là người mua LNG hàng đầu thế giới, cũng đã trở thành một nhà kinh doanh lớn về nhiên liệu này. Nhưng ảnh hưởng của Nhật Bản sẽ suy yếu dần vì Trung Quốc có khả năng trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay. Các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc bao gồm PetroChina và Sinopec đã thành lập các đơn vị thương mại từ London đến Singapore. Điều đó có nghĩa là nếu các nhà nhập khẩu châu Âu muốn mua một lô hàng LNG từ Mỹ, họ có thể ngày càng phải làm như vậy thông qua một chi nhánh giao dịch của Trung Quốc.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-gia-tang-kiem-soat-nguon-cung-lng-tren-thi-truong-toan-cau/