Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng trong tháng 10

Trong tháng 10/2023, số liệu chính thức từ chính phủ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này tiếp tục suy giảm do nhu cầu bên ngoài suy yếu và phục hồi kinh tế chậm chạp trong khi nhập khẩu tăng trưởng trở lại.

Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 10 ghi nhận sự sụt giảm tháng thứ 6 liên tiếp nhưng nhập khẩu có khởi sắc. Ảnh: VCG

Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 10 ghi nhận sự sụt giảm tháng thứ 6 liên tiếp nhưng nhập khẩu có khởi sắc. Ảnh: VCG

Dữ liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/11 cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 10 giảm 6,4% so với một năm trước đó xuống còn 274,8 tỷ USD, ghi nhận tháng thứ 6 liên tiếp suy giảm. Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind, mức sụt giảm này đã được mở rộng từ mức giảm 6,2% trong tháng 9 trước đó.

Tuy xuất khẩu suy giảm, nhập khẩu của Trung Quốc lại ghi nhận tín hiệu tích cực khi tăng 3% lên 218,3 tỷ USD trong tháng 10. Đây là một sự cải thiện bất ngờ từ mức giảm 6,2% trong tháng 9 và vượt qua kỳ vọng suy giảm 4,7% của Wind. Tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 10 đứng ở mức 56,5 tỷ USD, giảm so với mức 77,71 tỷ USD trong tháng 9.

Nhìn chung trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022 lên 4.780 tỷ USD. Theo Tân Hoa Xã trích dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc khi thương mại với khối này tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15,2% tổng giá trị thương mại.

Thương mại của nước này với các quốc gia dọc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu và Mỹ lần lượt giảm 1,6% và 7,6% so với khoảng thời gian 10 tháng đầu năm 2022.

Nhận định về các con số của tháng 10, SCMP trích dẫn ông Xu Tianchen, nhà kinh tế của The Economist Intelligence Unit, cho biết: “Dữ liệu xuất khẩu cho thấy những điều không chắc chắn liên quan đến sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài”. Trong khi đó, “sự gia tăng nhập khẩu có thể cho thấy nhu cầu trong nước phục hồi, nhưng sự phục hồi sẽ ở mức độ vừa phải, vì tỷ giá hối đoái yếu sẽ ngăn cản sự gia tăng nhập khẩu”.

Lý giải nguyên nhân xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu, ông Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Tăng trưởng xuất khẩu vẫn chậm chạp do đà tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và châu Âu chậm lại. Nhu cầu bên ngoài có thể sẽ suy yếu hơn nữa trong 6 tháng tới”.

Trong bối cảnh đó, ông nhấn mạnh: “Trung Quốc phải dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng và sự phục hồi của tăng trưởng nhập khẩu là một bất ngờ tích cực”.

Tuy nhiên, ông cho biết việc phục hồi nhập khẩu có thể hiện nhu cầu trong nước được cải thiện hay không vẫn chưa rõ ràng. Để có thể đưa ra kết luận, các chuyên gia sẽ “cần theo dõi các dữ liệu khác, chẳng hạn như doanh số bán lẻ”. Dù vậy, nếu chính sách tài khóa của chính phủ trở nên chủ động hơn, ông dự đoán “nhu cầu trong nước có thể sẽ phục hồi trong những tháng tới”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-ghi-nhan-xuat-khau-giam-va-nhap-khau-tang-trong-thang-10-post28924.html