Trung Quốc đóng cửa gần hết Viện Khổng Tử ở Mỹ

Gần như toàn bộ Viện Khổng Tử do Trung Quốc tài trợ chi phí hoạt động ở Mỹ đã đóng cửa giữa lúc căng thẳng giữa 2 nước chưa hạ nhiệt.

Nhiều tranh cãi đã nổ ra về vai trò thực sự của Viện Khổng Tử tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới (Ảnh minh họa: SCMP)

Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, gần 90 Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã đóng cửa tại Mỹ trong thời gian qua, con số phản ánh tình trạng căng thẳng giữa 2 quốc gia.

Theo GAO, hiện chỉ còn 5 Viện Khổng Tử còn hoạt động. Đây là mô hình trung tâm bắt đầu được thành lập vào năm 2004 bên trong các trường đại học, cơ sở giáo dục nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài.

Vào năm 2019, GAO từng thống kê được 96 Viện Khổng Tử hoạt động ở 44 bang của Mỹ. Vào thời điểm đó, chỉ có 6 bang là không có bất cứ trường cao đẳng hay đại học nào không có Viện Khổng Tử.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng trong thời gian qua do bất đồng về hàng loạt vấn đề. Giờ đây, 2 bên mới chỉ trong giai đoạn đầu để xoa dịu căng thẳng và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng này.

Viện Khổng Tử từng rơi vào tầm chú ý của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Kimberly Gianopoulos, giám đốc thương mại và quan hệ quốc tế tại GAO, lý do chính khiến Viện Khổng Tử đóng cửa hàng loạt là do dự luật ủy quyền quốc phòng của Mỹ năm 2019 và 2021 cảnh báo các trường đại học có thể mất nguồn tài trợ liên bang nếu họ cho các cơ sở này hoạt động.

Trung Quốc nhiều lần cho biết, mục tiêu của các Viện Khổng Tử nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài. Viện Khổng Tử do Bộ Giáo dục Trung Quốc cấp ngân sách.

Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ và các quan chức Mỹ từ thời ông Trump đã cảnh báo Viện Khổng Tử hoạt động như những trung tâm tuyên truyền của Trung Quốc nhằm khuếch trương sức mạnh mềm của Bắc Kinh tại nước ngoài.

Năm 2020, Mỹ tuyên bố sẽ xếp Viện Khổng Tử của Trung Quốc vào danh sách phái bộ nước ngoài, nhằm buộc tổ chức này phải cung cấp thông tin về nhân sự và tài chính.

Trong khi đó, một số đồng minh của Mỹ như Australia, Anh, Nhật Bản cũng có các động thái siết chặt kiểm soát hoạt động của Viện Khổng Tử trong những năm qua.

Theo Đức Hoàng/Dân trí

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/trung-quoc-dong-cua-gan-het-vien-khong-tu-o-my-1921003.html