Trung Quốc chuyển cách tiếp cận châu Phi: Từ nợ sang ngoại giao vắc xin

Khi lo ngại về nợ gia tăng và một biến thể Covid-19 mới xuất hiện, Trung Quốc dường như đang điều chỉnh cách tiếp cận của mình với châu Phi: cắt giảm các cam kết tài chính trong khi tăng gấp đôi ngoại giao vắc xin.

Vào thứ Hai tuần trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở một diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi với cam kết cung cấp 1 tỷ liều vắc-xin cho Châu Phi, trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về sự xuất hiện của biến thể Omicron của Covid-19. Ông cũng cam kết hỗ trợ 40 tỷ USD cho lục địa này, một mức cắt giảm đáng kể so với mức 60 tỷ USD đã hứa tại hai hội nghị thượng đỉnh trước đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Bài liên quan

Trung Quốc cam kết cung cấp 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 cho châu Phi

'Bộ tứ châu Phi' - vai trò của Đức, Pháp và tín hiệu của Trung Quốc

Biến đổi khí hậu đe dọa hơn 100 triệu người ở châu Phi

Chiến thắng của Taliban đồng nghĩa với những lo lắng cao hơn ở châu Phi

Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi trong cách tiếp cận cho thấy Bắc Kinh đang suy nghĩ lại về chiến lược tổng thể của mình trên lục địa vào thời điểm khẩn cấp.

Bà Lina Benabdallah thuộc Đại học Wake Forest ở Bắc Carolina cho biết: “Theo một cách nào đó, việc giảm cam kết tài chính của ông Tập không có gì đáng ngạc nhiên vì chúng tôi đã thấy các dấu hiệu trong vài năm qua. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thận trọng hơn đối với châu Phi sau 2 thập kỷ".

Sự thận trọng, như ông Carlos Lopes của Đại học Cape Town lưu ý, một phần xuất phát từ câu chuyện lâu đời của phương Tây về việc Trung Quốc bị cáo buộc bẫy nợ và lợi dụng người châu Phi để khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu hàng hóa giá rẻ của họ.

“Bắc Kinh nhạy cảm với những lời chỉ trích và đang phản ứng lại điều đó bằng cách áp dụng các công cụ mà họ biết là sẽ làm hài lòng và xóa tan những quan điểm tiêu cực do tiếp xúc trong quá khứ", ông Lopes nói. "Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi đối với cách tiếp cận kỹ trị hơn; rõ ràng là thận trọng hơn, sử dụng các điều kiện mềm và tạo ra các công cụ mới để kiểm soát dòng chảy chặt chẽ hơn".

1 tỷ liều cam kết bao gồm 600 triệu liều tài trợ và 400 triệu liều được sản xuất trong nước, ngoài ra còn có 200 triệu liều đã được chuyển đến các quốc gia châu Phi theo cam kết trước đó. Ông Tập cho biết Trung Quốc cũng sẽ cử 1.500 chuyên gia y tế đến châu Phi để hỗ trợ.

Những cam kết của ông Tập được đưa ra vào thời điểm mà chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc đang bị giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, ông Carlos Oya, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Châu Phi tại Soas, Đại học London, nói rằng nếu việc mở rộng tiêm chủng ở Châu Phi thực sự góp phần vào việc chấm dứt dần đại dịch trên toàn thế giới, thì đây có thể là một thành tựu quan trọng.

Ông Chris Alden, giám đốc của thinktank LSE Ideas, nói rằng Trung Quốc hy vọng có thể chiếm được vị trí cao về mặt đạo đức bằng cách giải quyết một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang xảy ra đối với một khu vực đang phát triển đồng thời thể hiện năng lực sản xuất và cung cấp vắc xin trên khắp châu Phi.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc ông Tập nhấn mạnh vào vắc xin ở châu Phi không phải là mới. Cuối tháng 2, Trung Quốc cam kết cung cấp vắc xin cho 19 quốc gia châu Phi. Cho đến nay, 46 quốc gia châu Phi đã nhận vắc xin từ Trung Quốc. Trong số 155 triệu liều cam kết cho châu Phi cho đến nay, Trung Quốc đã giao 107 triệu, trong đó chỉ có 16 triệu là viện trợ, theo Bridge Beijing, một công ty theo dõi vắc xin.

Sự bùng phát Omicron, lần đầu tiên được phát hiện bởi các nhà khoa học Nam Phi, những người sau đó đã báo động thế giới, đã làm nổi bật khoảng cách rõ rệt trong tỷ lệ tiêm chủng. Khoảng 11% người dân trên lục địa châu Phi đã tiêm ít nhất một liều, trong khi chỉ 7% được tiêm chủng đầy đủ. Ngược lại, gần 32% dân số Vương quốc Anh từ 12 tuổi trở lên đã trải tiêm mũi thứ ba.

Covax đã bảo đảm cam kết khoảng 5,59 tỷ liều từ các chính phủ khác nhau nhưng chỉ giao được 585 triệu. Ông Negin cho biết Australia đã hứa cung cấp khoảng 60 triệu liều cho các quốc gia khác, nhưng chỉ giao khoảng 9 triệu.

Các cơ quan y tế và các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng việc để các nước đang phát triển không được tiêm vắc-xin làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới đe dọa toàn thế giới. Nhưng việc phân phối vắc-xin không đồng đều đã khiến toàn bộ các khu vực như châu Phi hầu như không được tiêm chủng trong khi các nước giàu bắt đầu triển khai các mũi tiêm nhắc lại. Một phân tích gần đây cho thấy 2/3 người dân ở các nước thu nhập cao đã được tiêm phòng đầy đủ, so với chỉ 2,5% dân số ở các nước thu nhập thấp.

Ông Negin cho biết, có một số lý do dẫn đến sự thiếu hụt, bao gồm cả việc thiếu năng lực sản xuất bên ngoài một số quốc gia.

Ông nói: “Chúng ta đã có hai năm, lẽ ra chúng ta phải thiết lập hệ thống và đầu tư vào năng lực sản xuất ở Đông Nam Á, miền nam châu Phi, để sản xuất vắc xin mRNA. Không thể hoàn thành trong một sớm một chiều nhưng chúng ta phải bắt đầu thiết lập những khả năng đó".

Ông cho biết thêm, sự chậm trễ này một phần lớn là do các chính phủ tiếp tục từ chối ban hành các miễn trừ sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin, điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ và ông Tập cũng đã kêu gọi trong bài phát biểu của mình.

Quốc Thiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-chuyen-cach-tiep-can-chau-phi-tu-no-sang-ngoai-giao-vac-xin-post171091.html