Trung Quốc, châu Âu đua sản xuất xe điện

Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu xe điện sang châu Âu, trong khi châu Âu ráo riết bảo vệ ngành xe điện nội địa và tự chủ về nguyên liệu.

Chỉ một thập niên trước, ít ai kỳ vọng Trung Quốc (TQ) sẽ phát triển ngành công nghiệp xe điện, chứ đừng nói đến việc trở thành thị trường và nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Thế mà giờ đây, với tham vọng dẫn đầu trong ngành công nghệ mới, TQ đang có những bước tiến đáng kinh ngạc, cạnh tranh với ngành công nghiệp xe điện của “ông lớn” châu Âu.

Xe điện TQ nhắm vào thị trường châu Âu

Với TQ, lĩnh vực xe điện đã được quy hoạch và chú trọng đầu tư bài bản. Bắt đầu từ năm 2009, TQ đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp xe điện nội địa, với mục tiêu cạnh tranh hiệu quả hơn với các công ty hiện tại của phương Tây bao gồm châu Âu và hướng tới vị thế dẫn đầu, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington (Mỹ).

Vào tháng 10-2021, TQ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu ròng ô tô sau nhiều thập niên. Năm 2022, TQ vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới và trên đường chiếm lĩnh vị trí thứ nhất của Nhật Bản vào cuối năm 2023. Xe điện chỉ chiếm 1/3 tổng số lượng xuất khẩu ô tô TQ nhưng chúng đóng góp tới 52% giá trị xuất khẩu. Như vậy, xe điện trở thành động lực chính giúp đảo ngược thâm hụt thương mại ô tô của TQ và cho thấy sự nổi lên của TQ như một nhà xuất khẩu chính trên phạm vi toàn cầu.

Theo chuyên san The Diplomat, xe điện TQ được trợ cấp đáng kể nên giữ được giá thấp, mang lại lợi thế so sánh ở thị trường nước ngoài, đồng thời hạn chế xe điện nước ngoài tiếp cận thị trường TQ. Ngoài ra, việc TQ có thể tiếp cận đất hiếm và những nguyên liệu, linh kiện then chốt khác, cũng như số lượng “đáng nể” bằng sáng chế về sản xuất xe điện giúp Bắc Kinh giành lợi thế về chi phí so với các nước phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu thô nhập khẩu.

Kết quả là TQ đã sản xuất xe điện không chỉ rẻ hơn trung bình 10.000 euro so với các đối tác ở Liên minh châu Âu (EU) mà còn nhỏ gọn, dễ điều khiển hơn với động cơ mạnh mẽ hơn. Theo một báo cáo của Công ty JATO Dynamics chuyên tư vấn về ngành ô tô, cách biệt về giá giữa ô tô TQ và châu Âu, Mỹ ngày càng lớn. Trong nửa đầu năm 2023, ô tô điện ở TQ có giá trung bình khoảng 33.000 USD nhưng ở châu Âu, mức giá tương ứng là 70.700 USD.

Để thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, TQ đã vận dụng nhiều cách như khuyến khích nhà sản xuất ô tô lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở châu Âu, lập cơ sở thử nghiệm, đồng phê duyệt chương trình đánh giá xe mới của châu Âu (Euro NCAP) ở TQ, trao quyền tự chủ cho chính quyền các tỉnh trong việc tài trợ, khuyến khích nhà sản xuất ô tô địa phương xuất khẩu, theo Trung tâm CSIS.

Tất cả yếu tố này của ngành xe điện TQ được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với động lực phát triển của các thị trường khác, đặc biệt là với EU khi khối này có nhu cầu càng cao và yêu cầu càng gắt với xe điện, theo The Diplomat.

Ô tô điện Trung Quốc BYD chờ xuất khẩu ở cảng Thái Thương, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

EU kiềm chế TQ trong cuộc đua xe điện

Lĩnh vực xe điện đã trở thành nền tảng trong chính sách môi trường của Liên minh châu Âu (EU), khi khối này đưa ra gói chính sách Fit for 55 hồi tháng 7, hướng đến mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, bao gồm giảm hơn 50% mỗi loại khí thải từ xe tải và ô tô. Theo The Diplomat, kế hoạch này cho thấy EU không thể trì hoãn việc phát triển lĩnh vực xe điện, dù EU đang đối mặt với những vấn đề phức tạp như khả năng tự cung, tự cấp các nguyên liệu, linh kiện cần để chế tạo xe điện.

Gần đây, EU đã đưa ra các chính sách cũng như đề xuất pháp lý nhằm thúc đẩy khả năng tự cung cấp xe điện, giải quyết tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu. Điều này được thể hiện trong Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng, hay các chính sách tập trung vào tính tuần hoàn như quy định mới về tái chế pin. Tuy nhiên, xe điện ở châu Âu vẫn thiếu các chương trình trợ cấp mạnh mẽ và nguồn tài trợ ổn định để phát triển như ở TQ, theo The Diplomat.

Cạnh đó, EU còn tập trung vào việc bảo vệ thị trường nội địa và tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực khi ô tô điện TQ giá rẻ tràn vào thị trường của khối, gây bất lợi cho ngành này ở EU. Đầu tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo mở cuộc điều tra về chống trợ cấp đối với xe điện TQ khi khối này cho rằng ô tô điện TQ hưởng lợi từ các khoản trợ cấp khiến ô tô TQ có giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh.

Kết quả cuộc điều tra này có thể xác định liệu EU có quyết định tăng thuế đối với xe điện của TQ hay không, khi ô tô điện TQ hiện chỉ bị khối này đánh thuế 10%, thấp hơn nhiều so với mức thuế 27,5% do Mỹ đặt ra. Trước thông tin EU mở cuộc điều tra, Bộ Thương mại TQ cho biết Bắc Kinh “rất không hài lòng” với cuộc điều tra vì thiếu bằng chứng và không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo The Diplomat, cạnh tranh ngành xe điện giữa TQ và EU dường như phản ánh mối quan hệ bao trùm của hai bên, tức là vừa phụ thuộc vừa cạnh tranh. Một mặt, EU muốn giảm phát thải và không muốn xe điện TQ chiếm lĩnh thị trường nội khối; mặt khác, EU cũng đang dựa vào xe điện TQ để đạt được những mục tiêu về môi trường. Như vậy có thể thấy cách tiếp cận “giảm rủi ro, không tách rời” của EU với TQ là rất phức tạp khi xét đến ngành công nghiệp ô tô điện.•

Lý do xe điện Trung Quốc “đổ bộ” thị trường châu Âu

Năm 2020, giá trị xuất khẩu ô tô điện của TQ sang châu Âu chỉ khoảng 2,127 triệu USD. Chỉ sau hai năm, đến năm 2022, con số này đã gấp hơn bảy lần, đạt 15,417 triệu USD. Hầu hết xe điện nhập khẩu từ TQ đều đến các cảng ở Bỉ, Hà Lan hoặc Slovenia và sau đó chúng sẽ được bán ở nhiều nơi, trong đó có Anh, Đức và các nước ở bán đảo Scandinavia.

Phần lớn xe điện sản xuất tại TQ được xuất khẩu sang châu Âu do nhu cầu cao, thuế nhập khẩu thấp, trợ cấp đáng kể của chính phủ châu Âu cho xe điện bất kể nguồn gốc, xuất xứ và mạng lưới sạc tương đối phát triển.

Ngược lại, các nhà sản xuất xe điện TQ phần lớn tránh xuất khẩu sang Mỹ bởi nước này đánh thuế 27,5% đối với ô tô nhập khẩu từ TQ và có những chính sách tín dụng thuế xe điện với các yêu cầu về hàm lượng nội địa trong xe điện.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-quoc-chau-au-dua-san-xuat-xe-dien-post759665.html