Trung Quốc cần Châu Phi hơn bao giờ hết

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa mối quan hệ ngoại giao với Châu Phi trở thành tâm điểm trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHA) hồi đầu tuần này, trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ phương Tây vì vai trò của nước này trong đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa mối quan hệ ngoại giao với Châu Phi trở thành tâm điểm trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHA) hồi đầu tuần này, trong bối cảnh Bắc Kinh phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ phương Tây vì vai trò của nước này trong đại dịch Covid-19.

Người dân theo dõi phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại WHA trên một màn hình khổng lồ ở Bắc Kinh hôm 18-5. Ảnh: CNN

Người dân theo dõi phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại WHA trên một màn hình khổng lồ ở Bắc Kinh hôm 18-5. Ảnh: CNN

Tại cuộc họp các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tập cam kết trao 2 tỷ USD cho WHO trong 2 năm tới để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển, động thái muốn nhắc nhở Châu Phi rằng, Trung Quốc giúp chữa trị cho 200 triệu người Châu Phi trong 7 thập kỷ qua. Ông Tập cam kết giúp đỡ 30 bệnh viện Châu Phi, thành lập một cơ quan y tế và viện trợ vaccine Covid-19 giá cả phải chăng cho lục địa này một khi Bắc Kinh tìm được loại vaccine này.

Những lời đề nghị giúp đỡ của ông Tập không đơn giản chỉ là hành động muốn tăng cường quan hệ với Châu Phi, mà Bắc Kinh muốn đảm bảo sự hỗ trợ của châu lục này tại thời điểm mà mối quan hệ này đang gặp nhiều bấp bênh. Mặc dù chưa có nguyên thủ quốc gia Châu Phi nào công khai cáo buộc virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đầu tuần này, nhóm Châu Phi đã ủng hộ một nghị quyết do Liên minh Châu Âu (EU) soạn thảo được hơn 100 quốc gia ký kết kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Các đồng minh ngoại giao quan trọng

Mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước Châu Phi có từ giữa thế kỷ XX, khi Bắc Kinh muốn kết bạn với các quốc gia mới độc lập, cố gắng trở thành lãnh đạo của các nước đang phát triển, chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Kể từ đó, Châu Phi đã chứng tỏ là một khối ngoại giao quan trọng đối với Bắc Kinh. Trong những thập kỷ tiếp theo, khi Trung Quốc phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ phương Tây, các nước châu Phi đã tiếp tục đứng bên cạnh Bắc Kinh. Sau cuộc đụng độ Thiên An Môn, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục một số nước Châu Phi ký thỏa thuận nói rằng các cuộc đụng độ “không cho phép sự can thiệp của nước ngoài”. Khi các quốc gia phương Tây đe dọa tẩy chay Thế vận hội Olympic 2008 của Bắc Kinh, các nước Châu Phi tiếp tục ủng hộ sự kiện này. Và gần đây hơn, khi Mỹ gây áp lực lên Cty viễn thông Huawei, cáo buộc đây là “con ngựa thành Trojan” cho chính phủ Trung Quốc, các nền kinh tế chủ chốt của Châu Phi như Kenya và Nam Phi đã hoan nghênh sự hiện diện của Huawei.

“Mỗi lần Mỹ hay phương Tây dấy lên sự chỉ trích Trung Quốc, Bắc Kinh lại quay trở lại tình bạn lâu dài với Châu Phi. Bắc Kinh cần các đối tác Châu Phi để tăng cường hình ảnh, khẳng định, Trung Quốc không bị cô lập trên trường quốc tế”, Lina Benabdallah, trợ lý giáo sư chính trị tại Đại học Wake Forest, chuyên về quan hệ Trung Quốc-Châu Phi cho biết. Khi Mỹ đẩy mạnh cáo buộc Trung Quốc gây ra sự lây lan của đại dịch Covid-19, sự hỗ trợ của Châu Phi một lần nữa rất quan trọng khi Bắc Kinh muốn đẩy câu chuyện đi theo hướng ngược lại rằng, sau khi đánh bại virus, giờ đây Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo về sức khỏe toàn cầu.

Hồi tháng 3 và tháng 4, Trung Quốc xuất khẩu vật tư y tế trị giá 71 tỷ NDT (10 tỷ USD) trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 28 tỷ khẩu trang, để giúp chống đại dịch. Động thái “ngoại giao khẩu trang” của Bắc Kinh khiến phương Tây khó chịu. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc giúp đỡ Châu Phi trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Tháng 11-2014, Trung Quốc đã viện trợ 750 triệu NDT (123 triệu USD) cho dịch Ebola toàn cầu. Mặc dù số tiền này của không nhằm nhò gì so với sự ủng hộ của Mỹ và phương tây nhưng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi cắt giảm tài trợ cho WHO, các quốc gia Châu Phi chỉ có thể chào đón sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Rạn nứt quan hệ

Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Trung Quốc-Châu Phi rạn nứt.

Vào cuối tháng 2, người dân Kenya chỉ trích khi hãng hàng không China Southern Airlines hạ cánh ở Nairobi sau khi khởi hành từ Trung Quốc đại lục, nơi vẫn đang trong đại dịch, và 239 hành khách được phép rời đi mà không cần kiểm tra sức khỏe. Điều đó đã dẫn đến lời kêu gọi đình các chuyến bay giữa Trung Quốc và Châu Phi. Vào tháng 4, các bộ trưởng Châu Phi đã yêu cầu G20 cung cấp gói viện trợ khẩn cấp 100 tỷ USD, bao gồm 44 tỷ USD để xóa nợ. Trung Quốc, nơi được cho là nắm giữ khoảng 1/5 khoản nợ của Châu Phi, đã trả lời rằng họ sẽ hành động phù hợp với các quốc gia G20 khác, không hề đưa ra chế độ ưu đãi nào đối với “người bạn” Châu Phi.

Mối quan hệ trở nên căng thẳng hồi tháng 4 khi những hình ảnh gây sốc tại thành phố Quảng Châu, phía nam Trung Quốc bắt đầu lan truyền. Những người Châu Phi tại đây trở thành người vô gia cư sau khi bị chủ nhà và chủ khách sạn đuổi đi và vì sợ người Châu Phi là nguyên nhân gây ra ổ dịch tại địa phương. Thành phố bắt đầu xét nghiệm và cách ly tất cả người Châu Phi, bất kể lịch sử đi lại của họ. Điều đó đã dẫn đến bức thư chưa từng có gửi cho Bắc Kinh từ một “nhóm đại sứ Châu Phi”.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_225155_trung-quoc-can-chau-phi-hon-bao-gio-het.aspx