Trừng phạt Moscow, nỗi đau do khủng hoảng năng lượng gây ra là có thật, châu Âu loay hoay 'thoát Nga' với nhiều 'chiêu thú vị'

Khi xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và các lệnh trừng phạt Moscow từ phương Tây ngày càng dồn dập, dường như cả thế giới đang theo dõi sát sao cách các quốc gia châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Một số biện pháp đã và đang được châu Âu thực hiện nhằm tránh phụ thuộc Nga và đối phó với khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: The Financial Express)

Kể từ đầu năm 2022, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cùng các thách thức địa chính trị ngày càng tăng đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung, dẫn đến chi phí khí đốt tự nhiên nhập khẩu tăng cao.

Trong bối cảnh đó, các chính phủ trên khắp châu Âu đã và đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ người dân khỏi những tác động tồi tệ nhất của lạm phát trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế phát triển. Nhưng các cuộc đình công và biểu tình đã phần nào chứng tỏ rằng, nỗi đau do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra là có thật và nó đang ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Một số biện pháp đã và đang được các quốc gia thực hiện như giảm thuế, tiết kiệm điện, áp khung giá trần và nỗ lực tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga.

Theo các nhà phân tích năng lượng, một số nước châu Âu đã triển khai các biện pháp đối phó, bất chấp những thách thức đang phải đối mặt. Trong bối cảnh này, người ta chú ý tới những ‘đầu tàu” châu lục như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Anh và Hy Lạp.

Trong số các nước trê, Pháp và Tây Ban Nha dường như đã kiềm chế được lạm phát phát sinh từ cuộc khủng hoảng năng lượng thông qua các hình thức dễ chấp nhận hơn.

Trong khi đó, có vẻ như Italy, Đức và Hy Lạp đang dẫn đầu trong việc chuẩn bị lâu dài để đảm bảo nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, Vương quốc Anh vẫn đang vật lộn để tìm ra những mẫu số chung nhỏ nhất.

Nỗ lực không phụ thuộc Nga

Năm 2021, Nga chiếm gần một nửa tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu. Thực tế này dường như đã làm tăng yếu tố dễ bị tổn thương của các quốc gia châu lục trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Về vấn đề này, các nhà phân tích năng lượng chiến lược đã chỉ ra rằng, Ba Lan, Phần Lan và Slovakia hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt tự nhiên của Nga do vị trí địa lý gần với các đường ống cung cấp của nước này.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng phụ thuộc vào Moscow và nhập khẩu một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm 2021. Ngành công nghiệp hóa chất rộng lớn của Đức, sử dụng hơn 300.000 lao động, đang sử dụng khí đốt tự nhiên làm nguyên liệu thô.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, trong số các nước châu Âu, có một số quốc gia có truyền thống sử dụng khí đốt tự nhiên cao hơn trong tổng cơ cấu năng lượng, như: Italy (40%), Hà Lan (37%), Hungary (33%) và Croatia (30%). Dù phụ thuộc vào Nga ở các mức độ khác nhau, nhưng các nước đều chứng kiến lạm phát tăng mạnh khi giá xăng tăng cao kỷ lục.

Cũng cần phải đề cập rằng châu Âu nói chung đang chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn chủ yếu được vận chuyển qua đường ống. Từ tháng 1-9/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu LNG nhiều hơn mức khối mua trong cả năm 2021.

Trong xu hướng này, theo Maartje Wijffelaars, thuộc bộ phận nghiên cứu kinh tế của Rabobank, Italy đặc biệt "tích cực tìm kiếm nguồn cung cấp LNG". Bà cho rằng, Rome bắt đầu tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt thay thế từ Azerbaijan, Algeria và Ai Cập ngay sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine.

Nhà phân tích năng lượng cũng nói thêm, một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Pháp và Italy, cũng có lợi thế đi trước dưới dạng các kho cảng LNG cố định hiện có so với các quốc nước khác như Đức có truyền thống phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt qua đường ống.

Trong bối cảnh này, cũng lưu ý rằng, cùng với Vương quốc Anh, các quốc gia trên dường như có khả năng nhập khẩu LNG cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều công ty khác hiện đang chuyển sang sử dụng các thiết bị đầu cuối nổi vì chúng mất ít thời gian xây dựng so với các thiết bị đầu cuối cố định trên đất liền.

Theo đó, Berlin dường như đi đầu khi gần đây đã khánh thành việc xây dựng nhà ga đầu tiên trong số 5 kho cảng LNG nổi. Sau khi hoàn thành kế hoạch, Đức sẽ trở thành một trong những nước có năng lực nhập khẩu cao nhất châu Âu. Hy Lạp cũng đang lên kế hoạch thiết lập 5 kho cảng LNG nổi nhằm biến nước này thành hạt nhân LNG cho các nước Đông Nam Âu.

Tuy nhiên, mặc dù một số bước đi đầy tham vọng đã được thực hiện, nhưng có vẻ như việc tăng cường cung cấp LNG cho EU từ các quốc gia như Qatar, Australia và Mỹ có thể sẽ không sớm được thực hiện. Các chuyên gia năng lượng cho rằng, có thể mất hơn một năm để các dự án mới đi vào hoạt động.

Điều này đã khiến Ben Cahill, thành viên cao cấp của Chương trình An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận xét: "Cho đến lúc đó, sẽ tiếp tục có áp lực tăng giá năng lượng”.

Xoay sở với nhiều biện pháp

Trong những tháng gần đây, khu vực đồng Euro đã chứng kiến mức lạm phát tăng mạnh nhất kể từ khi thành lập và khoảng 70% mức lạm phát đó trong tháng 9 là do giá năng lượng.

Lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao dẫn đến sự phản đối của công nhân không chỉ ở EU mà còn ở Anh. Thế giới đã chú ý đến tình trạng bất ổn đang diễn ra tại xứ sở sương mù và cách các nhân viên của Royal Mail biểu tình ở Quảng trường Quốc hội, London vào ngày 9/12/2022.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) dự lễ khai trương cơ sở tiếp nhận LNG đầu tiên của nước này tại cảng Wilhelmshaven, bang Niedersachsen, ngày 17/12. (Nguồn: Reuters)

Một số nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, cũng đã thực hiện những biện pháp “thú vị”. Chính quyền sau khi xem xét kỹ lưỡng đã quyết định giữ nguyên giá khí đốt sinh hoạt bằng với mức vào tháng 10/2021. Paris cũng giới hạn tăng giá điện vào năm 2022 ở mức 4% so với năm trước.

Gần đây, Pháp thông báo không tăng giá điện và khí đốt quá 15% trong năm 2023 nhằm ngăn chặn việc tăng gấp đôi hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình.

Người ta cũng nhận ra rằng Paris đã thực hiện các biện pháp sáng tạo trong một thời gian để ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn (chiếm 7,6% tổng lượng khí đốt nhập khẩu) so với nhiều quốc gia châu Âu khác.

Theo đó, Pháp thực hiện các bước cần thiết để cải thiện việc bảo trì các nhà máy điện hạt nhân trước bối cảnh các chuyên gia năng lượng nhận định rằng, đất nước có thể rơi vào kịch bản thiếu năng lượng. Ngoài ra, việc áp giá trần khí đốt và điện đã cho phép nước này giữ lạm phát ở mức thấp nhất trên toàn EU trong 12 tháng qua.

Trong Liên minh, sau Pháp, Tây Ban Nha nổi bật là quốc gia tích cực trong việc cố gắng áp dụng các biện pháp bảo vệ người dân khỏi lạm phát bằng cách giảm thuế và áp mức trần đối với giá khí đốt.

Những nỗ lực trên của Pháp và Tây Ban Nha đã khiến các quốc gia châu Âu khác tự hỏi về việc liệu chính phủ của họ có đang nghĩ đến các hành động cần thiết để vượt qua một cuộc khủng hoảng hay không. Nhiều người chỉ ra rằng, kể từ tháng 9/2021 - khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung khí đốt tự nhiên bắt đầu - nhiều nước đã có kế hoạch bơm tiền để đối phó với khủng hoảng.

Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), Đức đã dành 264 tỷ Euro (281 tỷ USD) để đối phó với khủng hoảng năng lượng. Khoản tiền này chiếm gần một nửa trong tổng số 600 tỷ Euro (638 tỷ USD) của các nước EU cộng lại.

Các biện pháp cứu trợ của Đức chiếm 7,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tiếp theo là Litva (6,6%), Hy Lạp (5,7%), Hà Lan (5,3%) và Croatia (4,2%).

Nhưng trong khi Pháp và Tây Ban Nha áp giá trần và giảm giá nhiên liệu để giảm chi phí cho người dân, thì những nước khác - bao gồm cả Đức - lại tập trung nhiều nhất vào việc cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho những người dễ bị tổn thương.

Một số nước cũng đang thực hiện các biện pháp như cắt giảm thuế đối với dầu động cơ và thuế đối với các công ty năng lượng. Ví dụ, ở Áo, các hộ gia đình đã được giảm giá một lần trên hóa đơn năng lượng, trong đó những người dễ bị tổn thương nhất nhận được gấp đôi.

Nhà phân tích Wiffelaars chỉ ra rằng: “Việc Đức hỗ trợ tài chính cho hộ gia đình và doanh nghiệp đã làm tăng nhu cầu và lạm phát cao hơn. Ngược lại, Pháp và Tây Ban Nha thực hiện các biện pháp trực tiếp để kiềm chế lạm phát bằng cách kiểm soát giá điện".

Sự bất thường này dường như đã thuyết phục Berlin thực hiện bước trợ cấp tiền điện cho người tiêu dùng từ năm 2023 nhằm giảm lạm phát.

Tuy nhiên, trong khi các nước EU thực hiện tất cả các biện pháp trên, thì Vương quốc Anh mới chỉ đang theo dõi, và dường như nước này còn gì đó ngần ngại để hành động. Tỷ lệ lạm phát 11,1% tại Anh trong tháng 10/2022 là mức cao nhất trong 40 năm.

Không giống Berlin, London chỉ dành các nguồn lực tương đương 97 tỷ Euro (103 tỷ USD) để đối phó với khủng hoảng năng lượng - bằng 3,5% GDP.

Giờ đây, châu Âu nhận ra rằng, họ phải đa dạng hóa nguồn cung càng nhiều càng tốt để không bị phụ thuộc vào một quốc gia. Người ta cũng chỉ ra, lục địa này hiểu rõ bước tiến của họ trong những tháng tới phải mang tính toàn diện.

(theo The Financial Express)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-phat-moscow-noi-dau-do-khung-hoang-nang-luong-gay-ra-la-co-that-chau-au-loay-hoay-thoat-nga-voi-nhieu-chieu-thu-vi-213627.html