Trung Đông bị đẩy đến bờ vực chiến tranh khu vực?

Ngọn lửa xung đột ở Trung Đông vốn đã cháy rừng rực kể từ khi nổ ra cuộc chiến giữa lực lượng Hamas và Israel hồi tháng 10-2023, nay lại càng bùng phát dữ dội hơn khi Israel tấn công vào tòa nhà nằm trong Đại sứ quán Iran ở Thủ đô Damascus của Syria khiến nhiều người thương vong, trong đó có cả viên tướng lĩnh của Iran.

Tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại Syria bị đánh sập hoàn toàn trong vụ không kích của Israel

Iran cảnh báo “đáp trả tương xứng”

Bộ Quốc phòng Syria cho biết, vào khoảng 17h ngày 1-4 (giờ địa phương), Israel đã phóng nhiều quả tên lửa từ máy bay tàng hình F-35 hoạt động ở khu vực Cao nguyên Golan của Syria bị Israel chiếm đóng, vào tòa nhà lãnh sự nằm trong Đại sứ quán Iran ở Thủ đô Damascus. Vụ tấn công đã san phẳng tòa nhà liền kề với tòa nhà đại sứ quán chính của Iran khiến toàn bộ những người trong tòa nhà thiệt mạng. Vụ không kích đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 5 nhà ngoại giao Iran cùng Tướng Mohammad Reza Zahedi, một chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và nhiều người khác bị thương. Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari cho biết, bản thân ông và gia đình ông vẫn an toàn do không có mặt trong tòa nhà bị tập kích, dù tư gia của ông nằm ở hai tầng trên cùng của tòa nhà bị san phẳng trong vụ không kích.

Theo các giới chức, vụ không kích là nhằm vào Tướng Mohammad Reza Zahedi, Đài Al Alam của Iran mô tả Tướng Mohammad Reza Zahedi - người từng lãnh đạo hoạt động ở Lebanon và Syria cho IRGC trước năm 2016 - hiện chỉ là một cố vấn quân sự tại Syria. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, Tướng Mohammad Reza Zahedi trên thực tế đang lãnh đạo mọi hoạt động của đặc nhiệm Quds thuộc IRGC tại 3 mặt trận Palestine, Syria và Lebanon.

Israel sau đó đã không xác nhận đã tiến hành vụ không kích nhằm vào tòa nhà lãnh sự quán nằm trong Đại sứ quán Iran tại Damasscus. Khi được hỏi về vụ không kích, một người phát ngôn của quân đội Israel nói: “Chúng tôi không bình luận về các thông tin trên các phương tiện truyền thông nước ngoài”. Thế nhưng, tờ New York Times (Thời báo New York) dẫn lời 4 quan chức Israel giấu tên thừa nhận Israel đã thực hiện vụ tấn công. Israel từ lâu đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Iran và lực lượng ủy nhiệm ở Syria cũng như một số quốc gia Trung Đông khác. Kể từ khi xung đột quân sự giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở dải Gaza bùng phát vào tháng 10-2023, quân đội Israel càng tăng cường các cuộc không kích ở Syria, nhằm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon do Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên, vụ không kích chiều 1-4 là lần đầu tiên Israel tấn công thẳng vào tòa Đại sứ quán Iran tại Thủ đô của Syria.

Vụ tấn công vào tòa nhà Đại sứ quán Iran tại Thủ đô của Syria đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội, nhất là từ Iran và Syria. Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đã đến hiện trường ngay sau vụ tấn công và lên án hành động mà ông gọi là “phi lý” và là một hành động “tấn công khủng bố” này. Đại sứ Hossein Akbari cảnh báo, Iran sẽ đáp trả quyết liệt. Người đứng đầu phái bộ Ngoại giao Iran tại Syria cáo buộc, vụ tấn công bằng tên lửa của Israel là hành vi “vi phạm luật pháp quốc tế”, đồng thời cảnh báo Israel sẽ đối mặt với hậu quả và Iran sẽ đáp trả vụ tấn công “một cách tương xứng”. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng quyết liệt về vụ tập kích, có sự phản ứng nghiêm khắc với Israel. Tại cuộc điện đàm với người đồng cấp Syria Faisal Mekdad ngay trong đêm 1-4, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian tuyên bố, cuộc không kích của Israel vào cơ quan lãnh sự Iran là hành vi tội ác và là sự xâm phạm trắng trợn các quy định và công ước quốc tế.

Vượt qua “lằn ranh đỏ” ở Trung Đông?

Cuộc tấn công vào Đại sứ quán Iran ở Thủ đô Damascus có thể là sự leo thang nguy hiểm nhất bên ngoài Dải Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel xảy ra hồi tháng 10-2023. Giới quan sát lo ngại, Trung Đông có thể đẩy thêm một bước đến bên bờ vực chiến tranh khu vực sau vụ tấn công tòa Đại sứ quán Iran khiến hàng chục người thiệt mạng.

Từ khi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát, cả hai phía Iran và Israel đều tỏ ra kiềm chế, không có những hành động quyết liệt có thể châm ngòi cho một xuộc xung đột toàn diện ở Trung Đông. Cả Israel và Iran dường như đang cố duy trì một “lằn ranh đỏ” mong manh để không gây ra tình huống đối đầu trực diện giữa hai quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh hàng đầu ở khu vực “rốn dầu” và địa bàn địa chính trị trọng yếu của thế giới này. Kể cả khi lực lượng Houthi ở Yemen “tham chiến” bằng việc tấn công các tàu hàng, tàu dầu qua lại Biển Đỏ, thậm chí cả tàu chiến của Mỹ và liên quân do Mỹ đứng đầu, Iran vẫn được xác định là “không liên quan”. Dù hậu thuẫn Houthi nhưng Iran không khuyến khích và đứng đằng sau các vụ tấn công của lực lượng này bởi cũng không muốn cuộc xung đột hiện nay leo thang, mở rộng ra khắp Trung Đông. Tuy nhiên, theo giới phân tích, vụ không kích tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran tại Syria có thể là “giọt nước làm tràn ly” làm thay đổi tình hình căng thẳng vốn rất mong manh hiện nay ở Trung Đông. Theo luật pháp quốc tế, tòa lãnh sự và Đại sứ quán Iran tại Syria là lãnh thổ có chủ quyền của Iran. Thế nên, tấn công vào Đại sứ quán Iran là tấn công vào vùng lãnh thổ mang tính biểu tượng và danh dự của Iran.

Vụ không kích vào Đại sứ quán Iran vì thế đặt ra sự lựa chọn khó khăn cho ban lãnh đạo quốc gia Hồi giáo này. Nếu không có những biện pháp đáp trả cứng rắn, theo như Đại sứ Iran tại Syria là “tương xứng”, Tehran sẽ mất uy tín với các đồng minh được mình hậu thuẫn ở Trung Đông, đồng thời có thể khiến Tel Aviv leo thang hơn trong các hành động sau này. Thế nhưng, một sự đáp trả “tương xứng” cũng có thể khiến xung đột vuột tầm kiểm soát. Trước hết, theo giới quan sát, chắc chắn các lực lượng được Iran hậu thuẫn như Hezbollah sẽ tham gia vào các hành động trả đũa cùng Iran. Nhóm vũ trang ở Lebanon trước đó từng tuyên bố tấn công Israel để hỗ trợ lực lượng Hamas. Việc Israel đổ thêm dầu vào lửa xung đột Trung Đông bằng cuộc không kích Đại sứ quán Iran ở Syria có thể khiến Hezbollah “mở mặt trận thứ hai” nhằm vào Israel như lo ngại lâu nay.

Trong thời điểm nhạy cảm và đầy thử thách hiện nay ở Trung Đông, cộng đồng quốc tế cần có hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn xung đột leo thang hơn, biến thành cuộc chiến tranh khu vực. Bộ Ngoại giao Nga ngày 2-4 đã chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có đánh giá về pháp lý đối với cuộc tấn công của Israel. Nga kêu gọi Israel từ bỏ các vụ bạo lực như vậy tại Syria và các quốc gia láng giềng. Phó Đại diện Thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho biết, Hội đồng Bảo an tiến hành cuộc họp mở theo đề xuất của Nga vào chiều 2-4 (theo giờ New York) nhằm thảo luận về vụ tấn công của Israel. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối cuộc không kích của Israel, đồng thời cho rằng, tình hình hiện nay tại Trung Đông đang rối ren, do vậy Trung Quốc phản đối mọi hành động làm leo thang căng thẳng tại đây. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã lên án vụ tấn công, nhấn mạnh đây là hành động “không thể chấp nhận” làm tăng nguy cơ leo thang và khu vực hóa cuộc xung đột với những hậu quả khó lường.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-dong-bi-day-den-bo-vuc-chien-tranh-khu-vuc-post572068.antd