Trữ tình, ấm áp, sáng trong

Ở tuổi 65, nhạc sĩ NGUYỄN ĐÌNH THẬM, nguyên Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, vẫn sáng tác và có duyên với giải thưởng. Hai ca khúc 'Thắm mãi tình anh' và 'Đừng tưởng' cảm tác từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đem về cho ông Giải thưởng Đào Tấn 2022. Nhân dịp ra Bắc nhận giải, nhạc sĩ của miền Trung đã chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về con đường sáng tác và giải thưởng ông nhận lần này.

Mạch nguồn từ đất và người miền Trung

- Nguyên cớ nào đã đưa ông đến với sáng tác âm nhạc?

- Tôi sinh ra và lớn lên tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, lập nghiệp tại Đà Nẵng. Năm 1976, khi đang trong quân ngũ tôi đã vinh dự đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật toàn quân do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức. Rời quân ngũ, với tình yêu âm nhạc, tôi nộp đơn thi vào Trường Âm nhạc Huế và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân khoa sáng tác. Từ đó, vừa ca hát, vừa sáng tác, âm nhạc đã đeo lấy tôi trở thành duyên nghiệp.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm. Ảnh: NVCC

- Sau gần nửa thế kỷ, “gia tài” của ông là hàng trăm ca khúc và đều mang đậm âm hưởng dân ca Trung bộ?

- Những sáng tác của tôi hầu hết viết về mảnh đất và con người miền Trung còn nhiều gian khó. Trong đó, Đà Nẵng là nơi khơi nguồn để tôi sáng tác và tri ân. Ca khúc “Đà Nẵng tình người” được trao giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng đầu tiên do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, đúng vào dịp Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 1997. Tác phẩm “Huyền diệu sông Hàn” ra đời sau đó cũng đậm chất liệu dân ca Trung bộ, với điệu lý tang tích, cùng giai điệu, điệp khúc dân ca Quảng Nam. Ca khúc này đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại một cuộc thi thu hút 350 ca khúc của các nhạc sĩ từ mọi miền đất nước.

“Huyền diệu Đà Nẵng” với giai điệu trẻ trung, rộn ràng, náo nức về một thành phố trẻ, đang chuyển động nhanh, dưới góc nhìn của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, cũng đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng lần thứ ba năm 2018. Các ca khúc “Đà Nẵng thành phố tôi yêu”, “Người nhạc sĩ trong tôi” và hàng trăm ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung ra đời từ những năm 2000 đến nay, kèm theo các giải thưởng, đã tiếp thêm năng lượng cho tôi tiếp tục ca hát và sáng tác ở những mảng đề tài mới.

Trau chuốt từng câu, từng lời

- Mới đây, hai ca khúc “Thắm mãi tình anh” và “Đừng tưởng” cảm hứng từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp ông được nhận Giải thưởng Đào Tấn 2022. Ý tưởng hai bài hát đến với ông như thế nào?

- Đất nước ta đang đổi thay từng ngày, song hành với đó là công cuộc chống tham nhũng để làm sạch những “con sâu làm rầu nồi canh” luôn trở nên bức thiết. Là một nhạc sĩ, chiến sĩ, cảm nhận trong tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là người đi đầu trong cuộc chiến ấy. Dù rằng, cuộc chiến vẫn tiếp diễn, nhưng thời gian qua đã thực hiện rất quyết liệt, được nhân dân ủng hộ.

Tôi trăn trở rất nhiều, đến nửa đầu năm 2022, từ các câu nói của Tổng Bí thư, tôi cố gắng tìm ý và ca từ đưa vào bài hát. Đơn cử, Tổng Bí thư nói “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, khiến tôi liên tưởng về lịch sử đất nước, phải kinh qua kháng chiến, đánh đuổi ngoại xâm, giành hòa bình độc lập; từ vị trí nghèo nàn, lạc hậu, chúng ta đi lên ngang tầm thế giới. Xưa chúng ta chống ngoại xâm thì hiện tại chống nội xâm, mới có những câu hát trong bài “Thắm mãi tình anh”: Tự do hạnh phúc Tổ quốc tôi thời đại Hồ Chí Minh/ Ôi yêu sao những con người đã vì dân vì nước/ Một lòng diệt nội xâm để Việt Nam vững bước đi lên…

Để trau chuốt từng câu, từng lời, tôi cũng đôi lần chỉnh sửa, thay đổi từ ngữ, đối chiếu và so sánh sao cho đúng với ý nghĩa, ngữ cảnh, con người và thực tế đất nước, như ban đầu câu hát diệt nội xâm để Việt Nam vững bước đi lên phiên bản nguyên gốc là diệt giặc tham để Việt Nam vững bước đi lên...

- Cùng ra đời vào một thời điểm, hai bài hát được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Đào Tấn nhận xét “là ca khúc hay nhất viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thời điểm này”, ông có thể chia sẻ nhiều hơn về quá trình sáng tác?

- Thực tế, tôi không viết về lãnh tụ như một chính ca với âm hưởng anh hùng ca và những ca từ đao to búa lớn mà xem đây như một ca khúc trữ tình, gần gũi, ấm áp. Ngay ở nhan đề bài hát “Thắm mãi tình anh”, tôi mạnh dạn gọi Tổng Bí thư là “anh” và dùng giai điệu dịu nhẹ mà da diết, gần gũi; vừa tôn nghiêm, trang trọng vừa bình dị, sáng trong. Có lẽ đây là ca khúc tôi tâm đắc nhất khi viết về chân dung một nhân vật. Mặc dù không nhắc tên Tổng Bí thư, nhưng khi cất lời, người nghe đều thấy hình ảnh ông trong đó: Tuổi đã cao nhưng lửa hồng cháy mãi/ Yêu quê hương với con tim nồng say/ Đôi mắt tinh và nụ cười nhân hậu/ Tóc bạc phơ vì trăn trở đêm ngày…

Ở bài “Đừng tưởng”, tôi dùng ngôn ngữ hài hước, lấy ý từ câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư: Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín, hay Đừng tưởng cứ núi là cao, cứ sông là chảy, cứ ao là tù/ Đừng tưởng cứ dưới là ngu, cứ trên là sáng, cứ tu là hiền… Ca khúc dí dỏm, vui tươi, lại mang tính đả kích mạnh mẽ, sâu sắc. Giai điệu và tiết tấu phỏng theo dân ca lý thiên thai khu 5 đúng với phong cách sáng tác của tôi, kết hợp ca từ minh triết tạo nên sức công phá lớn của tiếng cười bình dân.

- Bước đầu sự đón nhận của công chúng với hai ca khúc này ra sao, thưa ông?

- Ngay sau khi hoàn thành, ca khúc “Thắm mãi tình anh” đã được NSƯT Thanh Vinh và dàn hợp xướng Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam ghi âm; bài hát “Đừng tưởng” được tôi biểu diễn tại nhiều lần tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Qua quan sát và cảm nhận, tôi thấy hai bài hát được công chúng yêu thích bởi ca từ dễ nghe, dễ nhớ.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tru-tinh-am-ap-sang-trong-i331371/