Trừ điểm bằng lái vi phạm: Biện pháp chế tài cần thiết

Bạn đọc ủng hộ đề xuất quy định điểm, trừ điểm bằng lái trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an.

Trong tuần qua, thông tin Bộ Công an đưa dự thảo bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Bạn đọc cho rằng việc trừ điểm này là hợp lý, giúp nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Hoan nghênh và ủng hộ trừ điểm GPLX

Bạn đọc Nguyễn Thế Vân nêu ý kiến: “Thực tế trước đây nước ta đã có áp dụng biện pháp tương tự như trừ điểm bằng lái, tuy nhiên chắc do thời điểm đó xã hội chưa phát triển và còn nhiều hạn chế nên việc kết quả không mấy khả thi. Đến nay, mọi thứ đã được nâng cao, công nghệ cũng nâng tầm nên việc áp dụng điểm trừ này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, đặc biệt sẽ nâng cao ý thức của người dân hơn”.

Bạn đọc Văn Văn cũng bày tỏ việc ủng hộ của mình: “Tôi thấy phương án trừ điểm bằng lái này hoàn toàn hợp lý bởi theo thống kê số liệu tai nạn giao thông ở nước ta vẫn ở mức cao. Thế nhưng các biện pháp xử phạt lại không có tác dụng răn đe, người vi phạm lần một chỉ cần đóng phạt một số tiền nhất định nên họ xem nhẹ rồi tiếp tục vi phạm lần hai, lần ba và vẫn đóng phạt số tiền tương tự. Cho nên việc trừ điểm này sẽ khiến cánh tài xế e dè hơn nếu họ bị trừ điểm tăng dần, ví dụ vi phạm lần một trừ 1 điểm, vi phạm lần hai trừ 2 điểm…”.

Bộ Công an cho rằng trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: HT

“Là một tài xế tôi cũng rất hoan nghênh và ủng hộ quy định trừ điểm bằng lái này của Bộ Công an, nó sẽ giúp cánh tài xế chủ động lái xe an toàn hơn. Thế nhưng tôi cho rằng nếu đã áp dụng thì nên áp dụng luôn cả xe máy. Bởi hiện nay, một số xe máy và xe ba bánh tự chế, thô sơ tham gia giao thông rất tệ, họ thậm chí còn là nỗi khiếp sợ và ám ảnh của người dân. Nhiều vụ tai nạn xảy ra cũng đến từ xe máy, xe ba bánh, họ dễ dàng vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo vỉa hè… hơn là ô tô. Từ đó mà tai nạn cũng dễ xảy ra hơn” - bạn đọc Lê Minh Hoàng bình luận.

Góp ý một số giải pháp đi cùng

Ngoài việc ủng hộ quy định điểm, trừ điểm bằng lái của Bộ Công an, một số bạn đọc còn chia sẻ các biện pháp đi cùng để quy định này được hiệu quả hơn.

Bạn đọc Thái Thanh Thảo chia sẻ: “Tôi thấy một số tiểu bang ở Mỹ cũng áp dụng quy định trừ điểm bằng lái, nếu tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ lỗi. Khi bằng lái trừ hết điểm sẽ bị thu hồi và bị phạt hành chính. Do vậy, nếu áp dụng trừ điểm bằng lái, chúng ta cần phải có quy định cụ thể hơn, lỗi nào bị trừ bao nhiêu, lỗi nào sẽ bị tước GPLX, khi trừ hết điểm thì phải thi lại thế nào… Và tất nhiên không phải lỗi nào cũng trừ điểm, một số lỗi nhẹ thì nên cảnh cáo và xử phạt”.

“Ở nước ta, công tác quản lý người lái xe sau khi được cấp bằng lái dường như bị quên lãng và việc cấp bằng lái cho xe máy không có thời hạn có lẽ là một sai lầm. Chúng ta nên quan tâm hơn đến việc sau sát hạch bởi nhiều trường hợp sẽ không đủ sức khỏe lái xe, nghiện ma túy... Tôi đề nghị nên có quy định kiểm tra định kỳ đối với người lái xe cả xe máy và ô tô. Đồng thời, cần có quy định thời hạn đối với xe máy, các cụ già 80-90 tuổi mà chạy xe máy ra đường cũng rất nguy hiểm” - bạn đọc Huỳnh Huy Nhân nêu ý kiến.

Bạn đọc Trần Văn Sang cũng bày tỏ: “Có thể sự thay đổi này cần có thời gian cho việc nghiên cứu cũng như sẽ tốn một khoản kinh phí nhưng tất cả đều xứng đáng vì một xã hội văn minh, phát triển. Bên cạnh việc thay đổi trừ điểm cũng cần tăng mức phạt đối với các lỗi vi phạm bởi trừ điểm bằng lái là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, nếu cần thiết cũng nên tăng giá thành học và thi bằng lái xe”.

“Ngoài xử phạt bởi CSGT cần tăng cường lắp đặt hệ thống camera xử phạt và tận dụng triệt để hình ảnh, video clip từ người dân để tăng cường phạt nguội. Vì người tham gia giao thông đa số sẽ trong tâm thế không có ai quay được tình huống vi phạm của mình nên sẽ tự nhiên mà vi phạm hơn. Việc tăng cường camera và sự phối hợp của người dân sẽ làm cho người lái xe thận trọng hơn, an toàn hơn. Đây cũng là cách tuyên truyền an toàn giao thông phù hợp” - bạn đọc Quang Phúc chia sẻ.

Quy định bấm lỗ GPLX trước đây chưa phù hợp

Trước đây cũng đã có quy định về việc bấm lỗ bằng lái xe đối với những tài xế vi phạm nhưng quy định này đã bỏ bởi nó còn nhiều bất cập.

Theo quy định trước, nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quá 20%, lái xe sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng, bấm lỗ GPLX và tước quyền sử dụng GPLX trong vòng 90 ngày.

Một GPLX bị bấm lỗ ba lần sẽ bị thu hồi, điều này làm cho người lái xe luôn nơm nớp, lo sợ khi lái xe trên đường, “chỉ nhìn công an mà không nhìn đường” nên rất nguy hiểm...

Quy định này có thể dẫn đến các hình thức đối phó, dễ phát sinh tiêu cực, nhiều trường hợp dù bằng lái chưa bị mất nhưng các bác tài vẫn làm đơn xin được cấp bằng “sơ cua” để dù bị bấm lỗ vẫn có GPLX khác để hành nghề.

Vì vậy, quy định trừ điểm GPLX lần này là phù hợp, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ.

Nếu trừ điểm GPLX, người vi phạm sẽ nâng cao ý thức, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe, trên hết là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.

Để việc áp dụng các quy định được hiệu quả và lâu dài cơ quan chức năng cần ban hành quy định cụ thể: Thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi GPLX, các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, mức trừ điểm trong một lần vi phạm, quy định về thang điểm, cách tính, cách trừ điểm số cho phù hợp, minh bạch... Ngoài ra còn phải có đủ nguồn lực và áp dụng ứng dụng công nghệ số trong quản lý vi phạm giao thông.

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tru-diem-bang-lai-vi-pham-bien-phap-che-tai-can-thiet-post777367.html