Trọng trách và động lực phát triển của Indonesia

Indonesia hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Nằm trong giai đoạn quan trọng với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 đặt ra nhiều trọng trách với Indonesia, song cũng tạo ra động lực giúp 'xứ sở vạn đảo' thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia.

Indonesia thúc đẩy các ưu tiên trong năm Chủ tịch G20.

Indonesia thúc đẩy các ưu tiên trong năm Chủ tịch G20.

Đại diện cho hơn 60% số dân thế giới, chiếm 75% kim ngạch thương mại toàn cầu và 80% GDP thế giới, G20 giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto (A.Ha-ta-tô), với chủ đề của năm 2022 là “Phục hồi cùng nhau, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Indonesia sẽ cùng các thành viên G20 vực dậy hậu đại dịch, đưa các nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Trên cương vị Chủ tịch G20, Indonesia thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, trong đó tập trung ba ưu tiên chiến lược. Vấn đề ưu tiên đầu tiên của G20 trong năm nay là sức khỏe toàn cầu. Trong quá trình phục hồi hậu dịch Covid-19, các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ để bảo đảm các tiêu chuẩn y tế đồng đều, đồng thời nâng cao năng lực của hệ thống y tế nhằm đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn trước đại dịch tương tự. Nội dung ưu tiên thứ hai là chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số. Tận dụng những tiềm năng của quá trình số hóa nền kinh tế sẽ góp phần tạo dựng sự thịnh vượng của các quốc gia trong kỷ nguyên số. Vấn đề ưu tiên thứ ba của G20 là thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong đó thúc đẩy đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, với giá phải chăng. Thông qua thực hiện các nội dung ưu tiên, G20 sẽ góp phần tăng cường nỗ lực chung nhằm ứng phó dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm tiếp cận công bằng vắc-xin ngừa Covid-19; đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững và bao trùm.

Đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra các chương trình nghị sự, cũng như hoạch định chính sách của G20 trong năm 2022, Indonesia có cơ hội thúc đẩy các nội dung phù hợp kế hoạch phát triển đất nước. Theo Bộ trưởng A.Hartarto, Indonesia sẽ tận dụng hiệu quả động lực từ nhiệm kỳ Chủ tịch G20 nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ưu tiên chuyển đổi nền kinh tế hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Indonesia tiên tiến, đưa quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Với khoảng 400 sự kiện dự kiến được tổ chức trực tiếp tại nhiều thành phố ở Indonesia, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để Indonesia quảng bá du lịch và giới thiệu các sản phẩm địa phương với thế giới. Điều này sẽ góp phần phục hồi kinh tế của các địa phương, qua đó vực dậy nền kinh tế quốc gia. Theo ước tính, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 sẽ giúp GDP của Indonesia tăng thêm 7.400 tỷ Rupiah (hơn 500 triệu USD), đồng thời tạo ra khoảng 33.000 việc làm.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (G.Uy-đô-đô) từng khẳng định, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là vinh dự và cơ hội để Indonesia đóng góp nhiều hơn vào quá trình phục hồi kinh tế thế giới. Đây cũng là thời điểm thích hợp để Indonesia thay mặt các nước đang phát triển nêu lên nguyện vọng tại các sự kiện trong khuôn khổ G20. Đảm nhận thành công nhiệm kỳ Chủ tịch G20 sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Indonesia trên trường quốc tế; đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/trong-trach-va-dong-luc-phat-trien-cua-indonesia-688344/