Trong thời đại AI, hãy trở nên 'con người' hơn

Mùa hè năm ngoái, một tác phẩm nghệ thuật tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đã giành giải nhất Hội chợ bang Colorado. Đối với tôi, hình ảnh đó trông giống như góc nhìn từ phía sau sân khấu trong một vở opera. Bạn nhìn thấy lưng của ba ca sĩ, rồi thì trước họ là những dòng chữ và hình dáng mơ hồ có thể là khán giả hoặc không, và xung quanh là cung điện theo phong cách Chúa tể của những chiếc nhẫn kỳ ảo nơi họ đang biểu diễn.

Ảnh: Damon Winter/ The New York Times

Tác phẩm nghệ thuật thoạt nhìn trông rất bắt mắt, nhưng sau một giây, nó tạo cảm giác vô hồn.

L.M. Sacasas đã viết trong bản tin về công nghệ và văn hóa của mình: “Khi tôi quay lại với hình ảnh và ngồi với nó một lúc, tôi nhận ra rằng những cố gắng của mình để tập trung chú ý đã thất bại. Điều này xảy ra khi tôi bắt đầu kiểm tra hình ảnh kỹ hơn. Và khi làm như vậy, trải nghiệm của tôi về hình ảnh bắt đầu mất đi hơn là đào sâu”.

Đây là điều mà nhiều người trong chúng ta nhận thấy về nghệ thuật hoặc văn xuôi do AI tạo ra bởi nó thường nhạt nhẽo và mơ hồ. Thiếu đi cốt lõi nhân văn. Thiếu niềm đam mê, nỗi đau, khao khát và sinh khí của những trải nghiệm cá nhân được cảm nhận sâu sắc. Nó không bắt nguồn từ trí tưởng tượng của con người, sự giác ngộ, lo lắng và niềm vui – chính là nền tảng cho bất kỳ công trình sáng tạo sâu sắc nào của con người.

Điều này chỉ ra những gì có thể là thực tế cốt lõi của kỷ nguyên AI sắp tới. AI có thể sẽ cung cấp cho chúng ta những công cụ tuyệt vời giúp hỗ trợ rất nhiều cho công việc trí óc hiện tại. Đồng thời, AI sẽ buộc con người chúng ta phải nỗ lực trau dồi những tài năng và kỹ năng mà chỉ con người mới có. Điều quan trọng nhất về AI có lẽ là cho thấy những gì nó không thể làm, và do đó tiết lộ chúng ta là ai và chúng ta phải cung cấp những gì.

Giả sử bạn là một sinh viên đại học chuẩn bị cho cuộc sống trong thế giới AI, bạn cần tự hỏi: những lớp học nào sẽ cho tôi những kỹ năng mà máy móc sẽ không sao chép được, khiến tôi trở nên con người hơn? Bạn có thể muốn tránh bất kỳ lớp học nào dạy bạn suy nghĩ theo cách vô cảm, tuyến tính, khái quát hóa – kiểu suy nghĩ AI sẽ đè bẹp bạn. Mặt khác, bạn có thể muốn bị thu hút bởi bất kỳ lớp học nào, trong khoa học hoặc nhân văn, sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng con người rõ ràng sau đây:

Giọng văn cá nhân riêng biệt. AI thường tung ra loại văn xuôi quan liêu vô hồn thường thấy trong phần thông tin liên lạc của công ty hoặc các tạp chí học thuật. Bạn sẽ muốn phát triển một giọng văn khác biệt như của các tác giả George Orwell, Joan Didion, Tom Wolfe và James Baldwin, vì vậy hãy tham gia các lớp mà bạn đọc được những giọng văn đặc biệt và hoa mỹ để có thể tạo ra giọng văn của riêng mình.

Kỹ năng thuyết trình. “Thế hệ công nghệ thông tin trước đây ủng hộ những người hướng nội, trong khi ứng dụng AI mới có vẻ thiên vị người hướng ngoại. Bạn sẽ phải luôn thể hiện rằng bạn sở hữu nhiều kỹ năng hơn”, nhà kinh tế Tyler Cowen của Đại học George Mason nhận định. Khả năng sáng tạo và phát biểu tốt, kết nối với khán giả và tổ chức các cuộc tụ họp vui vẻ và hiệu quả dường như là một bộ kỹ năng AI sẽ không sao chép được”.

Tài năng trẻ thơ dành cho sáng tạo. “Khi bạn tương tác một lúc với một hệ thống như GPT-3, bạn sẽ nhận thấy rằng nó có xu hướng chuyển từ tầm thường sang hoàn toàn vô nghĩa”, Alison Gopnik, người nổi tiếng với những nghiên cứu về tâm trí của trẻ em, nhận xét. “Bằng cách nào đó, trẻ em tìm thấy điểm ngọt ngào sáng tạo giữa điều hiển nhiên và điều điên rồ”.

Bà lập luận rằng trẻ em không chỉ bắt chước hay tiếp thu dữ liệu một cách thụ động mà chúng khám phá, tạo ra những lý thuyết sáng tạo và những câu chuyện giàu trí tưởng tượng để giải thích thế giới. Bạn sẽ muốn tham gia các lớp học – dù là về viết mã hay vẽ tranh – để giải phóng khả năng sáng tạo của bạn, cho bạn cơ hội rèn luyện và trau dồi khả năng tưởng tượng của mình.

Thế giới quan khác thường. AI có thể chỉ là một cỗ máy dự đoán văn bản. AI rất giỏi trong việc dự đoán từ nào sẽ xuất hiện tiếp theo, vì vậy bạn sẽ muốn thực sự giỏi trong việc không thể đoán trước, khác với thông thường. Hãy trang bị cho tâm trí bạn những thế giới quan từ thời xa xưa, những con người khác thường và những nơi xa lạ: chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa khắc kỷ, trường phái triết học phát sinh, đạo giáo,… Những người có suy nghĩ ngược lại trào lưu và thế giới quan đặc trưng riêng sẽ có giá trị trong thời đại mà tư duy thông thường được thúc đẩy mạnh mẽ.

Đồng cảm. Tư duy máy móc rất giỏi hiểu các kiểu hành vi giữa các quần thể dân cư nhưng lại không giỏi để hiểu cá nhân duy nhất ngay trước mắt bạn. Nếu bạn muốn làm được điều này, các lớp học nhân văn thực sự hữu ích. Bằng cách nghiên cứu văn học, kịch, tiểu sử và lịch sử, bạn sẽ biết được những gì diễn ra trong tâm trí của người khác. Nếu bạn có thể hiểu được quan điểm của người khác, bạn có kỹ năng giá trị hơn kỹ năng mà một cỗ máy nào đó sở hữu, thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ nhưng không phải về bất kỳ ai cụ thể.

Nhận thức tình huống. Một người với kỹ năng này có cảm giác về những diễn biến đặc biệt của tình huống mà mình đang đối mặt. Người ấy có nhận thức trực quan về thời điểm nên tuân theo các quy tắc và khi nào nên phá vỡ các quy tắc, cảm nhận về dòng chảy của các sự kiện, sự nhạy cảm đặc biệt mà không nhất thiết phải có ý thức, về tốc độ di chuyển và các quyết định đưa ra nhằm ngăn mình khỏi va vào những tảng đá. Sự nhạy cảm này bắt nguồn từ kinh nghiệm, kiến thức thực tế, sự ngần ngại khi đối mặt với sự không chắc chắn và dẫn đến một cuộc sống đáng suy ngẫm và thú vị. Đó là một loại kiến thức được lưu giữ trong cơ thể cũng như não bộ.

Học hỏi từ các giáo viên giỏi. Khi tôi nhớ lại những giáo viên giỏi nhất của mình, tôi thường không nhớ những gì trong chương trình giảng dạy, mà là họ là ai. Dù chủ đề của khóa học là về khoa học hay nhân văn, tôi nhớ cách những giáo viên này kiến tạo niềm đam mê kiến thức, kết nối hài hước và năng động với sinh viên. Họ cũng làm gương một loạt các đức tính đạo đức – cách nghiêm khắc với bằng chứng, cách thừa nhận lỗi sai, cách hướng dẫn sinh viên khi sinh viên tự khám phá. Tôi nhớ tôi đã ngưỡng mộ họ như thế nào và muốn được như họ. Đó là một loại kiến thức mà bạn sẽ không bao giờ có được từ các ứng dụng.

Và đó là hy vọng của tôi đối với thời đại AI – rằng nó buộc chúng ta phân biệt rõ ràng hơn kiến thức là thông tin hữu ích từ hiểu biết nhân văn giúp con người trở nên khôn ngoan hơn và thay đổi tốt hơn.

Ngọc Thanh (dịch)

(*) Tác giả David Brooks là nhà bình luận của
The New York Times từ năm 2003. Ông là tác giả sách “Con đường định hình tính cách” và gần đây nhất là sách “Đỉnh núi thứ hai”.

David Brooks (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trong-thoi-dai-ai-hay-tro-nen-con-nguoi-hon/