Trồng thanh long - Tiếp tục hay dừng lại? (Bài 2)

Thanh long từng được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An và một số địa phương khác trong tỉnh 'ăn nên làm ra' nhưng đến hiện tại, người trồng thanh long đang 'lao đao' vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Họ đứng trước lựa chọn dừng lại, chuyển sang trồng loại cây khác hoặc phải chuyển hướng sản xuất thanh long sạch.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Từ trước đến nay, nông dân hầu như không thể nào đoán được giá trái thanh long. Sau dịch Covid-19, giá thanh long duy trì ở mức thấp cho đến khoảng cuối năm 2022. Trong năm nay, có một số giai đoạn giá trái thanh long ở mức trung bình, nông dân có lợi nhuận nhưng giá cả lại không ổn định.

Giá thanh long bấp bênh

Vườn thanh long nhà ông Huỳnh Văn Thiện nằm lẻ loi giữa những ruộng lúa, hoa màu trong ấp 1, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ. Khi chúng tôi đến, thanh long vườn nhà ông đang vào vụ thu hoạch, trái chín đỏ nhưng do giá quá thấp, ông vẫn chưa bán. Chỉ rổ thanh long chín đỏ trên bàn, ông Thiện nói: “Tôi mới hái mấy trái thanh long này vô cho heo ăn. Tôi nghe người khác bán giá 2.000 đồng/kg nhưng kêu lái thì họ không tới. “Gồng” qua 2 năm dịch vất vả quá rồi, mới đợt trái trước tôi bán 14.000 đồng/kg, lời được một chút, vụ này lại không bán được”.

Gia đình ông Thiện có 2.000m2 đất trồng thanh long là nguồn kinh tế chính. Suốt mùa dịch, thanh long không bán được, vợ chồng ông “bấm bụng” chăm sóc cây chờ qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, đến hiện tại, ông bắt đầu phân vân về việc có nên giữ lại vườn thanh long hay không. Ông Thiện nói: “Khu này lúc trước trồng thanh long nhiều lắm nhưng khi giá xuống thấp thì người dân chuyển sang trồng cây khác. Sau vụ này, chắc tôi sẽ xông đèn thêm 1 đợt nữa, nếu vẫn không được giá thì tôi bỏ thanh long”.

Ông Trương Minh Trung (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cố “neo” trái thanh long đang chín đỏ chờ giá “nhích” lên một chút

Ông Trương Minh Trung (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cố “neo” trái thanh long đang chín đỏ chờ giá “nhích” lên một chút

Cùng thời điểm đó, thanh long tại vườn của ông Trương Minh Trung (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cũng đang chín đỏ. Ông Trung cố “neo” trái chờ giá thanh long “nhích” lên. Là Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi, xã An Lục Long, ông Trung có nhiều kinh nghiệm trồng thanh long, năng suất và chất lượng trái trong vườn nhà ông luôn ở mức cao. Vào thời điểm Hội quán ký được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, ông Trung còn cùng các thành viên Hội quán sản xuất thanh long sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 bùng phát đến nay, hợp đồng chưa được ký lại nên thanh long nhà ông Trung cũng tùy thuộc vào giá thị trường. Hai tấn thanh long đang độ chín vẫn ở trên cây "chờ giá".

Trước đây, thanh long là cây trồng mang lại lợi nhuận cao. Giá thanh long luôn ở mức từ 20.000-50.000 đồng/kg, nông dân có lợi nhuận cao, nhiều người làm giàu nhờ trồng thanh long. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 đến nay, giá loại trái cây này xuống thấp và khá bấp bênh. Sau 2 năm bù lỗ, nông dân gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển thanh long.

Lệ thuộc thị trường tiêu thụ

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh - Trần Quốc Quân cho biết, thanh long là một trong những loại trái cây chủ lực của tỉnh và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mạnh mặt hàng này, những quốc gia khác xuất khẩu rải rác nhưng hiện tại còn nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của mỗi quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn do thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Tại thị trường trong nước, thanh long ít được ưa chuộng, việc sản xuất những sản phẩm từ trái thanh long còn nhỏ, lẻ, hạn chế về máy móc sản xuất.

Nhiều nông dân hái thanh long cho heo ăn do giá thấp, thương lái không thu mua

Nhiều nông dân hái thanh long cho heo ăn do giá thấp, thương lái không thu mua

Từ cuối năm 2021, Trung Quốc ban hành lệnh 248 về Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu, gây ra không ít áp lực cho việc xuất khẩu nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng. Trong đó, Lệnh 249 chú trọng thắt chặt quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm.

Những yêu cầu trên khiến việc xuất khẩu thanh long gặp một số khó khăn nhất định và đặt ra yêu cầu về việc sản xuất thanh long sạch, đạt các tiêu chuẩn theo Lệnh 249. Trên thực tế, phía Trung Quốc đã áp dụng kiểm tra trực tuyến một số thông tin nhằm đưa thanh long của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.

Để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch, hướng đến sản xuất, tiêu thụ bền vững, vấn đề đặt ra hiện nay là phải thay đổi từ khâu sản xuất đến liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, để phát triển cây thanh long bền vững, các địa phương triển khai nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, Long An thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Hiện tại, tỉnh định hướng sản xuất thanh long công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh thị trường các nước châu Âu./.

(còn tiếp)

Nhóm PV

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/trong-thanh-long-tiep-tuc-hay-dung-lai-bai-2--a160696.html