Trọng tâm, thực chất và giải quyết bức xúc chính đáng của nhân dân

Một số mô hình còn dàn trải và mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, chưa đủ sức lan tỏa mô hình trong toàn tỉnh và chưa đi vào các vấn đề bức xúc xã hội.

Lực lượng vũ trang ra quân làm công tác dân vận.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong 3 năm qua đã góp phần gắn kết, thúc đẩy và tăng hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, giúp Tây Ninh đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Một số mô hình còn dàn trải và mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, chưa đủ sức lan tỏa mô hình trong toàn tỉnh và chưa đi vào các vấn đề bức xúc xã hội.

Mô hình “Dân vận khéo” gắn với đặc thù địa phương

Cách đây 6 năm, Ban Thường vụ Thành ủy Tây Ninh đã ban hành kế hoạch, lãnh đạo thực hiện mô hình “Phường, xã vì dân” chọn phường 3, phường Ninh Thạnh, xã Tân Bình làm thí điểm. Mô hình được thực hiện nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức, phương thức vận hành nền hành chính, đẩy mạnh thực hiện công cuộc cải cách hành chính, phục vụ tốt cho nhân dân.

Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được phân công, Ban phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội, các ngành của Thành phố, chỉ đạo hệ thống dân vận cơ sở triển khai phát động, thực hiện hiệu quả nhiều phong trào, mô hình trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, như: “5 xin, 3 biết” (xin chào, xin mời ngồi, xin lỗi, xin cám ơn, xin hẹn gặp lại, và biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin); phối hợp ngành Bưu điện thực hiện dịch vụ bưu chính công ích; lãnh đạo đảng, chính quyền hai cấp thực hiện cam kết đối với nhiệm vụ được giao và công khai tại đơn vị.

Thành phố cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân. Đến nay, mô hình “Phường, xã vì dân” trên địa bàn thành phố Tây Ninh đang duy trì thực hiện tại 10/10 phường, xã. Việc xây dựng mô hình đã thật sự tác động mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, được sự đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao của nhân dân ở địa phương.

Thị xã Hòa Thành là địa bàn đa tôn giáo, với hơn 90% hộ dân là tín đồ tôn giáo, Đảng bộ, chính quyền các cấp của Thị xã luôn xác định phải làm tốt công tác “tôn giáo vận”. Thời gian qua, Ban Dân vận Thị ủy phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tín đồ tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, đã tham gia tích cực giải quyết cơ bản các vụ việc phát sinh trên địa bàn liên quan đến các vụ việc tuyên truyền mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, phối hợp tuyên truyền, giải thích ổn thỏa các chủ trương, đường lối, chính sách của cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện dự án xây dựng Nghĩa trang nhân dân thị xã Hòa Thành tại khu vực ấp Trường Xuân, xã Trường Hòa (diện tích đất có nguồn gốc tôn giáo do Nhà nước quản lý; UBND tỉnh giao UBND thị xã Hòa Thành làm dự án Nghĩa trang nhân dân).

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động trong các vụ việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo giúp tín đồ các tôn giáo trên địa bàn Thị xã phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Để làm tốt công tác “tôn giáo vận”, ông Nguyễn Hữu Thọ- Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Hòa Thành cho biết: “Trước hết, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương luôn tôn trọng và tranh thủ tuyên truyền, vận động thuyết phục được chức sắc, chức việc đồng tình hưởng ứng, bởi lẽ, tín đồ đã có chỗ dựa tinh thần, họ sẽ an tâm thực hiện các phong trào do địa phương phát động. Thứ hai, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp thường xuyên gặp gỡ, đối thoại và quan tâm xem xét, giải quyết tích cực, có hiệu quả các vụ việc, vấn đề phát sinh chính đáng liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên - tuyên truyền viên từ Thị xã đến cơ sở; đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động; quan tâm phát huy vai trò của người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc vào công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời gắn công tác tuyên truyền, vận động với biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội”.

Cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Phước Chỉ và tổ chức chính trị - xã hội xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng phối hợp tuyên truyền lưu động.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024

3 năm qua, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở thực hiện gần 1.600 mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực, vận động được gần 2,5 triệu lượt người tham gia, huy động hiện vật và tiền mặt trên 875 tỷ đồng.

Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá: “Qua theo dõi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy công tác vận động quần chúng nói chung, các mô hình, phong trào “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước đạt kết quả tốt, nổi bật nhất là trong giai đoạn thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Rất nhiều cán bộ làm công tác dân vận, kể cả lực lượng vũ trang, đoàn thể không quản ngại sự nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, vì cộng đồng đã tổ chức nhiều phong trào thiết thực, nổi bật, vận động người dân chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch, hạn chế tối đa thiệt hại.

Trong thời gian gần đây, “dân vận khéo” được thực hiện gắn liền với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chung tay vì người nghèo... Với sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân, hệ thống chính trị của tỉnh đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2023, duy trì tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định đời sống người dân. Đây là những nỗ lực, kết quả rất đáng ghi nhận trong phong trào thi đua yêu nước nói chung và “dân vận khéo” nói riêng”.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, kết quả đạt được của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Một số mô hình còn dàn trải và mới chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp, chưa đủ sức lan tỏa trong toàn tỉnh và chưa đi vào các vấn đề bức xúc xã hội.

Nghị quyết 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 25 đều đặt yêu cầu công tác dân vận phải tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Các phong trào phải đi vào thực chất, hiệu quả, có chiều sâu, có tính lan tỏa mạnh mẽ thì mới đạt được mục tiêu, yêu cầu về công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.

Bám sát tinh thần trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định rõ nội dung, giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo” trong thời gian tới, các phong trào được phát động gắn với việc hoàn thành các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Trương Nhật Quang- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, phụ trách UBMTTQVN tỉnh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là thực hiện tốt dân vận chính quyền, tạo sự chuyển biến về tinh thần phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác dân vận và các phong trào thi đua “dân vận khéo” tiếp tục gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Hải Đăng

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/trong-tam-thuc-chat-va-giai-quyet-buc-xuc-chinh-dang-cua-nhan-dan-a167218.html