Trong niềm nhớ rạp phim Nha Trang xưa...

Nha Trang - Khánh Hòa đang rộn ràng với chuỗi sự kiện liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh. Chợt nhớ về những rạp ciné (rạp xi-nê, rạp chiếu phim) nổi tiếng một thời của phố biển. Vật đổi sao dời, năm tháng đi qua, những rạp Tân Tân, Tân Tiến, Tân Thanh, Tân Quang, Minh Châu, Nha Trang, Hưng Đạo… dần biến mất. Để rồi mỗi khi ai đó nhắc tên lại rưng rức nhớ, bởi rạp phim là cả một khung trời kỷ niệm của bao người.

Vang bóng một thời

Theo họa sĩ Trần Hòa Ân (sinh năm 1937, chuyên vẽ pano cho rạp chiếu phim), 2 rạp phim đầu tiên của Nha Trang ra đời cuối thập niên 30 của thế kỷ XX. Đó là rạp Abraham do người Pháp xây dựng nằm trên đường Graffeuil (sau đổi tên là đường Độc Lập, nay là Thống Nhất). Cách đó không xa là rạp Tân Tiến nằm trên đường Nhà Thờ (nay là đường Lê Thành Phương) của ông chủ người Ấn Độ. Năm 1953, ông Tôn Thất Đệ mua lại rạp Abraham và đổi tên thành rạp Tân Tân. Để thu hút khách, ông chủ mời họa sĩ ở Sài Gòn ra làm quảng cáo cho rạp phim. Tuy nhiên, đến năm 1956, không biết vì lý do gì người thợ vẽ chính vào lại Sài Gòn. Từ vị trí phụ vẽ, ông được đưa lên làm thợ chính vì ông chủ không kiếm ra người làm. Cũng nhờ nghề vẽ quảng cáo rạp phim, ông bén duyên với một nữ khán giả xinh đẹp, nên đôi vợ chồng rồi ở ngay sát bên hông rạp Tân Tân cho đến năm 2017 mới rời đi. Cũng vì lẽ đó, nhiều người xem ông Ân là chứng nhân lịch sử của sự thăng trầm của điện ảnh ở thành phố biển.

Rạp Tân Tân năm 1967.

Trong trí nhớ của lớp người lớn tuổi ở Nha Trang, hình ảnh các rạp phim đã hằn sâu vào ký ức. Sau Tân Tân, Tân Tiến, Nha Trang có thêm các rạp Tân Thanh (nguyên là rạp hát bội Thạnh Xương), Tân Quang, Minh Châu, đến đầu thập niên 70 có thêm rạp Nha Trang và Hưng Đạo. Rạp Tân Tân chuyên chiếu phim Âu - Mỹ và phim Hong Kong, rạp Tân Tiến chuyên chiếu phim Ấn Độ, rạp Minh Châu thì hay chiếu phim tình cảm, thỉnh thoảng còn diễn cải lương. Sau năm 1975, rạp Minh Châu được đổi tên thành rạp Kim Đồng chuyên chiếu phim thiếu nhi. Ở thời mà văn hóa giải trí còn khá mỏng, rạp phim trở thành nơi giải trí của cư dân phố thị, nên khán giả gần như chật kín rạp. “Lúc đầu, rạp Tân Tân là nơi nhiều đôi trẻ hẹn hò đi xem phim vì bề ngoài nó đẹp, bên trong cũng rộng rãi, nhiều ghế hơn các rạp khác. Đến thập niên 70, khi có thêm rạp Nha Trang, nhiều đôi trẻ lại đến đây. Hồi đó có vé xem phim ở Nha Trang Ciné là “oách” lắm vì đây là rạp đầu tiên của Nha Trang có máy lạnh, giá vé cũng đắt hơn các rạp phim khác”, bà Diễm Châu - một người sống lâu năm ở Nha Trang cho biết. Cho đến bây giờ, bà vẫn nhớ những bộ phim nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975 như: Tình thù rực nắng, Vết thù trên lưng ngựa hoang...

Khán giả đi xem phim ở Rạp Nha Trang thời bao cấp

Ở lứa tuổi nhỏ hơn, nhắc đến chuyện phim ảnh xưa, nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn cũng có một trời kỷ niệm. Nhà ngay bên rạp Tân Tân, bố lại là họa sĩ của rạp nên ông Ẩn luôn có một suất xem phim. Vậy nhưng, hồi đó, mỗi rạp phim chiếu một loại khác nhau nên lắm khi ông cũng đi xem phim chui cùng bạn. “Mỗi lần đến rạp Minh Châu, đám trẻ chúng tôi mê nhất vẫn là các phim có ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long đóng. Giới trẻ chúng tôi gần như phát cuồng bởi các phim: Tinh võ môn, Đường sơn đại huynh, Mãnh long quá giang…”, ông Ẩn nhớ. Thời hoàng kim của các rạp phim ở Nha Trang còn kéo dài đến thập niên 80. Ông Ẩn còn nhớ, khi phim Ván bài lật ngửa được trình chiếu, khán giả ùn ùn kéo nhau ra rạp. Nhiều người không mua được vé phải mua vé chợ đen với giá “cắt cổ”. Phim chiếu ở rạp Tân Tân nhưng xe để chật cả vỉa hè, lòng đường Tô Vĩnh Diện và Lê Thành Phương. Thiếu nữ đi ngang rạp phim cứ mê mẩn nhìn ngắm pano của phim có vẽ chân dung nhân vật Nguyễn Thành Luân - diễn viên Chánh Tín…

Mãi trong hoài niệm

Trước năm 1975, mỗi rạp phim đều có một họa sĩ để vẽ pano quảng cáo phim. Ngoài ông Trần Hòa Ân vẽ cho rạp Tân Tân, còn có Phạm Mậu vẽ cho rạp Tân Tiến, Lê Tình vẽ cho rạp Hưng Đạo, rạp Minh Châu có ông Chín... “Tôi nhớ, có lần nhân dịp Tết năm Ngọ, ông Chín “Minh Châu” vẽ một con ngựa thật to chồm ngang phía trước rạp Minh Châu để chào năm mới. Đến phim cao bồi, người họa sĩ tài hoa ấy vẽ thêm người cao bồi tay cầm súng ngồi trên ngựa rất ấn tượng. Khi chiếu phim về lực sĩ Hercules, ông lại vẽ hình Hercules cơ bắp cuồn cuộn, tay cầm xích sắt đặt ngay cổng rạp”, họa sĩ Lê Vũ nhớ lại... Sau ngày đất nước giải phóng, đội ngũ họa sĩ tiếp tục được Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa sử dụng. Nhưng rồi trước cơn lốc của băng đĩa phim, hoạt động chiếu phim ngày càng khó khăn. Khi các rạp phim bị chuyển đổi công năng sử dụng, các họa sĩ chuyển nghề.

Bây giờ Nha Trang có nhiều rạp phim hiện đại như: Cinema Nha Trang, CGV Big C Nha Trang, Galaxy Cineplex… nhưng lớp người lớn tuổi vẫn tiếc nhớ những rạp phim ngày trước bởi với họ, các rạp phim không đơn thuần là nơi chiếu phim mà còn là hoài niệm về một Nha Trang của những ngày xưa cũ. Những người Nha Trang đi xa mỗi khi nhìn thấy tấm ảnh về rạp Tân Tân, Nha Trang trên facebook là kỷ niệm xưa lại ùa về. “Hồi đó, tôi “để ý” một bạn cùng lớp, nhưng không dám rủ đi riêng mà phải rủ nguyên đám bạn cả trai lẫn gái đi xem phim chung. Vô rạp, sợ bị bạn phát hiện hai đứa đang để ý nhau nên mỗi đứa ngồi một đầu... Ngồi xem phim mà cứ hồi hộp, không dám nhìn qua vì sợ mọi người biết tâm ý của mình... Vậy đó, mà được tính là “hai đứa đi coi phim với nhau...”, một người kể lại trên fanpage Nha Trang xưa và nay về kỷ niệm xem phim “thời xa vắng”. Cũng bởi vậy, một rạp phim bị phá bỏ là lớp khán giả ngày xưa ấy cảm thấy mất đi một phần kỷ niệm thân thiết. Tết Quý Mão vừa rồi, nghe tin rạp Tân Tân sắp sửa bị đập bỏ, nhiều người đã ghé đến để chụp những tấm ảnh làm kỷ niệm. Ngay như ông Trần Hòa Ân, dời nhà từ đường Thống Nhất lên xã Vĩnh Ngọc, lâu lâu lại bảo con cháu chở về rạp Tân Tân “nhìn cho đỡ nhớ”... Và biết bao nhiêu người Nha Trang khác nữa, vẫn đang ngày đêm rưng rức nhớ về một thời hoàng kim của các rạp phim.

Rạp Tân Tân từng được chuyển làm Trung tâm Văn hóa tỉnh; rạp Tân Tiến (nay là Siêu thị sách Tân Tiến); rạp Tân Thanh (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh); rạp Tân Quang (từng làm Siêu thị Maximark, nay đã bị đập bỏ để xây khách sạn Florida); rạp Nha Trang (nay là trụ sở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng); rạp Hưng Đạo (Trung tâm Văn hóa Thanh niên, nay đã bị đập bỏ để xây trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh); rạp Mini (số 10 Hoàng Hoa Thám, Nha Trang) nay là Beta Cineplex Nha Trang.

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/trong-niem-nho-rap-phim-nha-trang-xua-c632622/