Trồng dược liệu cát cánh ở Nguyên Bình Cao Bằng giúp bà con thoát nghèo

So với cây trồng ngô, khoai thì cây dược liệu cát cánh mới được bà con xã Phan Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng trồng thử nghiệm vụ đầu tiên đã đem lại kết quả khả quan. Đây là hướng đi mới giúp bà con dân tộc nơi đây thoát nghèo bền vững.

Từ những khó khăn… đến trồng thử nghiệm dược liệu

Huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng là 1 huyện nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, là địa phương được hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn. Sau khi được sự nhất trí ủng hộ của lãnh đạo Đảng ủy, UBND huyện Nguyên Bình, nên nơi đây đã được chọn là điểm đầu tư phát triển dược liệu tại địa phương.

Với thửa đất 200m2 được anh Phùng Sảnh Khuân đã trồng thử loại cây dược liệu cát cánh thay vì trồng ngô nhưng mọi năm theo sự vận động của hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Nguyên Bình. Sau 8 tháng chăm bón, từng luống cát cánh đã cho thu hoạch củ. Thành phẩm đóng đầy 5 bao được đưa lên cân.

Vợ chồng anh Phùng Sảnh Khuân thu hoạch dược liệu cát cánh.

Vợ chồng anh Khuân không giấu được niềm vui khi được cán bộ HTX trao 3,5 triệu đồng tiền thu mua cánh đồng "trồng thử" cát cánh đầu tiên của gia đình. Anh Khuân chia sẻ: "Như mọi năm nếu trồng ngô thì không có chừng này tiền đâu, được ít lắm, số tiền này nhiều hơn những gì gia đình mong muốn. Hơn nữa, việc trồng loại cây này được cán bộ hỗ trợ hết từ giống, phân bón, kể cả niloong trái gốc đến bao đựng thành phẩm, còn được hướng dẫn rất kỹ nữa, nên mình chỉ bỏ công sức thôi. Sang năm, chắc chắn sẽ mở rộng hơn nữa diện tích trồng loại cây dược liệu này".

Còn tại điểm tập kết thu mua sản phẩm dược liệu trên xã Phan Thanh, Anh Hoàng Chàn Vảng (dân tộc Dao, trú tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) cho biết, 1 năm trước, anh trồng thử 100m2 dược liệu trên đất sản xuất của gia đình, nay thu hoạch được hơn 1 tạ củ. Với giá 25 nghìn đồng/kg, anh Vảng thu được gần 3 triệu đồng, cao hơn trồng ngô rất nhiều. Năm tới, anh Vảng muốn mở rộng thêm diện tích trồng dược liệu.

Ông Nguyễn Văn Đức – Phó giám đốc công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình

Theo ông Nguyễn Văn Đức – Phó giám đốc công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình, hiện nay công ty đã cùng những hộ dân và Hợp tác xã trồng thử nghiệm được 3ha dược liệu cát cánh, 3ha dược liệu đương quy, 3ha dược liệu khôi nhung và 5,8ha dược liệu quế.

Đến thời điểm tháng 1/2024 bắt đầu cho thu hoạch đương quy và cát cánh, dự kiến sản lượng đạt 8-12 tấn tươi/ha. Doanh thu trung bình 250 triệu/ha.

"Trong quá trình triển khai trồng thử nghiệm, có 34 hộ dân được tham gia. Trong quá trình này, công ty đưa bà con tới vùng dược liệu huyện Bắc Hà (Lào Cai) để tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng dược liệu. Khi về xã, các hộ gia đình này được tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu, có 4 HTX và 1 trung tâm được kết nối vào trong liên kết chuỗi của công ty hình thành trọn vẹn chuỗi liên kết giá trị dược liệu từ Nông dân – HTX - Công ty để hoàn hiện chuỗi nuôi trồng - chăm sóc - thu hoạch - tiêu thụ dược liệu"- Ông Đức cho biết thêm.

Cũng theo ông Đức, vì mới triển khai tại Nguyên Bình, phía công ty cũng như các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng với khát vọng làm giàu của đồng bào, nỗ lực phát triển kinh tế tập thể và xây dựng vùng nguyên liệu sạch có truy xuất nguồn gốc, có kiểm soát quy trình để đáp ứng đơn hàng cho Nhật bản của Công ty cổ phần dược liệu Nguyên Bình, đến này đã đạt được các kết quả rất khả quan: củ cát cánh, đương quy to, ít sâu bệnh hại, hình thái củ đẹp năng suất cao, hàm lượng dược tính đảm bảo.

Ông Mã Văn Vịnh, Phó Chủ tịch huyện Nguyên Bình

Để phát triển vùng dược liệu bền vững, đưa Nguyên Bình "có tên trong "bản đồ" dược trong nước, ông Đức cho biết, công ty luôn đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra cho ngươi dân. Thực tế, so năng suất trồng ngô, sản lượng dược liệu như cát cánh, đương quy mang lại đạt ít nhất gấp 2-3 lần. Trong thời gian tới, công ty Cổ phần Dược liệu Nguyên Bình mong muốn mở rộng hơn nữa diện tích trồng dược liệu này không chỉ gói gọn trong xã Phan Thanh còn ở nhiều xã khác trong huyện Nguyên Bình.

Phát triển nguồn dược liệu địa phương giảm nghèo bền vững

Để có được thành quả cải thiệu đời sống cho bà con nông dân người dân tộc nơi đây là sự đóng góp rất lớn từ Công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình. Là đơn vị đã nghiên cứu, định hướng, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, đảm bảo bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm trồng trọt và có thu nhập ổn định.

Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình cho biết: "Để phát triển bền vững nguồn dược liệu do bà con trồng, chúng tôi làm việc với các HTX huyện Nguyên Bình, cam kết trước khi trồng, đảm bảo bảo tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con ổn định với hướng đi lâu dài, để bà con yên tâm".

Đại diện đơn vị này cho hay, "so năng suất trồng ngô, sản lượng dược liệu như cát cánh, đương quy mang lại đạt ít nhất là gấp 2-3 lần, đồng nghĩa với việc kéo theo thu nhập cũng tăng, mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho bà con nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa diện tích trồng dược liệu này không chỉ gói gọn trong xã Phan Thanh mà ở nhiều xã khác tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng"- ông Đức chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm về điều này ông Mã Văn Vịnh, Phó Chủ tịch huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: Thực hiện chương trình trọng tâm của huyện ủy về phát triển cây dược liệu, cây quế, ngay từ đầu nhiệm kỳ năm 2020 đến nay huyện trồng được trên 2.000ha cây quế, dự kiến năm 2024 mở thêm diện tích 170ha.

Hiện, huyện phối hợp với Viện dược liệu quốc gia đã khảo sát khảo sát 1437ha diện tích rừng trồng trên từng xã. Thực hiện chương trình này, các doanh nghiệp thực hiện dự án được vay vốn của ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 60 tỷ. Huyện sẽ hỗ trợ tạo chuỗi liên kết người dân trồng, thu mua và sơ chế dược liệu để phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trong-duoc-lieu-cat-canh-o-nguyen-binh-cao-bang-giup-ba-con-thoat-ngheo-169240124073823413.htm